Xã hội

Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì cho trẻ

Suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ, đặc biệt là với trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được chăm sóc kịp thời sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ sau này.

Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm y tế xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc)
Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm y tế xã Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc)

Tại Đồng Nai, theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2017 tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 24% với hơn 15 ngàn trẻ mắc và thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm 8,3% với gần 244 ngàn trẻ mắc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến trẻ SDD thấp còi là do thiếu ăn, nhiễm khuẩn và nhiễm ký sinh trùng, một số bà mẹ thực hành nuôi dưỡng trẻ không đúng hoặc do di truyền. Đối với thừa cân, béo phì ở trẻ, nguyên nhân có thể là do đột biến gen, do di truyền, bệnh do nội tiết, do tác dụng phụ của thuốc, mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao và một phần quan trọng đó là dinh dưỡng của bà mẹ lúc mang thai.

Hậu quả là sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ, đối với người trưởng thành sẽ giảm khả năng lao động cũng như dễ mắc các bệnh lý huyết áp, tiểu đường, tim mạch...

Để phòng chống SDD thấp còi ở trẻ, phụ nữ cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ trước, trong và sau khi sinh. Trước khi mang thai cần bổ sung acid folic, ăn nhiều thực phẩm chứa canxi; trong thời kỳ mang thai cần tăng cường dinh dưỡng thông qua việc sử dụng đa dạng thực phẩm trong bữa ăn, khám thai định kỳ tầm soát các bệnh lây truyền từ mẹ sang con và tiêm ngừa uốn ván.

Thời kỳ cho con bú cũng cần bổ sung các chất dinh dưỡng vitamin A, vitamin D, canxi, phốt pho, sắt, kẽm... và uống đủ 2 lít nước/ngày. Nên cho trẻ bú sớm sau khi sinh và cho bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ rất tốt cho trẻ và có nhiều kháng thể. Cần cho trẻ ăn bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tốt nhất là không nên cho ăn sớm trước 179 ngày sau sinh và muộn hơn 270 ngày, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi; cho trẻ ăn nhiều trong và sau khi bệnh; không cho trẻ ăn bánh kẹo hoặc nước ngọt trước bữa ăn; khi cho trẻ ăn cần kiên nhẫn để khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn; cho trẻ uống nhiều chất lỏng (nước, nước trái cây, sữa) nhất là khi trẻ sốt cao; trong thời gian cho trẻ ăn thêm vẫn cho trẻ bú kết hợp cho đến 24 tháng tuổi.

Để dự phòng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi cần có dinh dưỡng hợp lý như: cho trẻ ăn bổ sung đúng cách, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ngủ đủ giấc, theo dõi cân nặng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng, phát hiện sớm và và điều chỉnh cân nặng kịp thời.

Đối với trẻ trên 6 tuổi nên bổ sung sữa không đường vào bữa ăn học đường giúp cải thiện dinh dưỡng và chiều cao, thức ăn cho trẻ cần đa dạng có từ 5 trong 8 nhóm gồm (lương thực, các loại hạt, sữa, thịt các loại, cá và hải sản, trứng, rau củ quả có màu, dầu mỡ), đảm bảo cung cấp đủ protein động vật và thực vật, sử dụng muối i-ốt đảm bảo dưới 4g/ngày, thực phẩm sử dụng đảm bảo sạch, an toàn, Ngoài ra, trẻ cần được ngủ trung bình 8-10 giờ/ngày...

Hoàn Lê

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,907,746       3/665