Sau 31 tháng kiên trì uống thuốc methadone, anh N.T.G. (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) đã bỏ được ma túy.
Người nghiện ma túy được cán bộ y tế tại Cơ sở điều trị methadone số 7 huyện Xuân Lộc tư vấn trước khi điều trị bằng methadone. |
Đó là hành trình dài mà nếu không đủ quyết tâm, nỗ lực cũng như sự động viên, giúp đỡ của gia đình, những cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện bằng methadone số 4 đặt tại TX.Long Khánh thì anh G. sẽ khó thực hiện được.
* Quyết tâm làm lại cuộc đời
Bà T.T.G., mẹ của anh N.T.G. cho biết bà có 4 người con. Cách đây hơn 10 năm, người con trai đầu vốn hiền lành, ngoan ngoãn của bà đã bị bạn bè lôi kéo, rủ rê nên sa chân vào ma túy và nhiễm HIV. Từ ngày con mắc bệnh, bao nhiêu tài sản của gia đình bà lần lượt đội nón ra đi để lấy tiền chữa trị cho con. Thế nhưng căn bệnh thế kỷ đã không cho con bà có cơ hội sống.
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết biện pháp cần được tích cực triển khai để phòng chống sự xâm nhập của ma túy chính là con đường giáo dục và cắt nguồn cung cấp. Cần đẩy mạnh đầu tư cho các cơ sở cai nghiện. Việc sử dụng methadone thay thế bằng đường uống sẽ làm giảm sự lây nhiễm HIV và các bệnh liên quan trong nhóm đối tượng nghiện chích ma túy; kéo giảm tình trạng nghiện các chất dạng ma túy ở cộng đồng. |
Chứng kiến anh trai bị ma túy hủy hoại, N.T.G. cũng muốn thử xem ma túy có ma lực gì khiến anh trai anh không thể thoát ra. Và G. nghiện lúc nào không hay. Kinh tế gia đình càng ngày càng rơi vào kiệt quệ. Người mẹ già buồn khổ chỉ biết động viên con cố gắng cai nghiện để làm lại cuộc đời.
Tháng 5-2015, anh G. đến Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) để điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone. Đến tháng 1-2016 khi cơ sở cai nghiện bằng methadone số 4 khai trương tại phường Xuân Bình, TX.Long Khánh, anh G. xin chuyển về đây để tiếp tục điều trị.
Bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 4 TX.Long Khánh cho biết với quyết tâm bỏ bằng được ma túy, anh G. đã tuân thủ tốt quá trình điều trị. Liều điều trị đầu tiên của anh G. là 5ml thuốc/lần uống. Sau nhiều lần chỉnh liều đến liều cuối cùng là 0,1ml thuốc/lần.
Hiện tại sau khi bỏ được ma túy, sức khỏe anh G. đã ổn định, cân nặng cũng dần tăng. Mẹ anh G. cho biết anh đang có nguyện vọng đi học nghề sửa chữa điện tử để có thể có công việc ổn định tự nuôi sống được bản thân, để mẹ vui sống những ngày tháng tuổi già không còn phải lo lắng nhiều vì anh.
Trong khi đó, một phụ huynh ở huyện Xuân Lộc chia sẻ, con trai ông nghiện ma túy cách đây 3 năm. Mặc dù gia đình đã áp dụng nhiều cách cai nghiện nhưng không thành công khiến tiền bạc cạn kiệt, tình cảm gia đình sứt mẻ, khổ sở, tuyệt vọng. Đến giữa năm 2016, khi biết có cơ sở điều trị bằng methadone tại TX.Long Khánh, ngày nào ông cũng chở con trai bằng xe máy đến uống thuốc rồi chở về. Đến nay, con ông đã bớt tự ti, mặc cảm, không còn cảm giác thèm muốn ma túy như trước đây, kinh tế bớt khó khăn, tình cảm gia đình cũng ấm cúng hơn trước.
* Tích cực triển khai tại những địa phương còn lại
Tháng 8-2014, cơ sở điều trị methadone đầu tiên của tỉnh đi vào hoạt động tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai. Đến nay, số cơ sở điều trị đã lên đến 7, được bố trí tại Biên Hòa (2 cơ sở), Long Thành, Trảng Bom, Định Quán, Long Khánh và Xuân Lộc.
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 4,3 ngàn người nghiện ma túy đang được quản lý; trong đó có hơn 1,2 ngàn người đang điều trị tại các cơ sở điều trị methadone; 204 người đang trong trại tạm giam; 824 người đang ở Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy Đồng Nai (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Còn lại hơn 2 ngàn người vẫn đang ở gia đình, cộng đồng. Những đối tượng còn ở ngoài cộng đồng rất cần được động viên, hỗ trợ cai nghiện và quản lý chặt chẽ.
Đồng Nai được Chính phủ giao chỉ tiêu quản lý, cai nghiện cho 1,4 ngàn người nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị methadone. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2018, ngành y tế và các cơ quan chức năng liên quan sẽ cố gắng triển khai thêm một cơ sở tại huyện Cẩm Mỹ. Những địa phương còn lại gồm: Vĩnh Cửu, Thống Nhất và Tân Phú sẽ được triển khai trong thời gian tiếp theo. “Ngành y tế phấn đấu đến cuối năm 2019, tất cả các địa phương trong tỉnh đều có cơ sở điều trị ma túy bằng methadone, qua đó giúp người nghiện ở địa phương nào sẽ được điều trị tại địa phương đó, không phải mất công đi lại xa xôi, vất vả và kèm theo nhiều rủi ro khác. Gia đình cũng dễ quản lý con em mình hơn” - Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc Cao Trọng Ngưỡng cho hay, cuối tháng 7 vừa qua, cơ sở cai nghiện ma túy bằng methadone đã chính thức triển khai tại Xuân Lộc. Theo đó, 94 bệnh nhân của huyện Xuân Lộc đang điều trị tại cơ sở ở TX.Long Khánh sẽ chuyển về cơ sở mới, giúp giảm tải cho cơ sở ở Long Khánh và giúp bệnh nhân đi lại thuận tiện hơn. Trung tâm đã bố trí tổng cộng 11 người gồm 3 bác sĩ, 2 dược sĩ, 1 xét nghiệm viên, 2 y sĩ, 1 cử nhân quản trị kinh doanh và 2 bảo vệ để phục vụ hoạt động của cơ sở điều trị methadone này.
Với kinh nghiệm hơn 2 năm thực hiện, bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, phụ trách Cơ sở điều trị Methadone số 4 TX.Long Khánh cho biết trong số gần 400 bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở ở TX.Long Khánh, có 18% bệnh nhân nhiễm HIV, 79% có thêm bệnh viêm gan B, viêm gan C. Do vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các cán bộ, nhân viên y tế ở cơ sở luôn động viên để người nghiện thực hiện đúng lộ trình điều trị, thời gian uống thuốc, tránh tình trạng bỏ liều. Bác sĩ Ẩn cũng cho biết từ nay đến cuối năm 2018, dự kiến có thêm 2 người nữa sẽ bỏ được ma túy vì liều thuốc hiện tại của 2 bệnh nhân này là 0,2 ml thuốc/lần uống.
Hạnh Dung