Xã hội

Những tấm lòng nhân hậu

Chiến tranh đã qua, nhưng hậu quả để lại vẫn hằn in trên gương mặt, thân thể của những nạn nhân chất độc da cam nhiều thế hệ. Khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, trách nhiệm của cả cộng đồng.

Chiến tranh chấm dứt đã 43 năm nhưng hậu quả để lại vẫn hằn in trên gương mặt, thân thể của những nạn nhân chất độc da cam nhiều thế hệ.

Ông Timothy Rieser (Trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ) cùng các thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi chị Mai Yến Phượng.
Ông Timothy Rieser (Trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ) cùng các thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thăm hỏi chị Mai Yến Phượng.

Đồng Nai hiện có gần 14 ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó trên 9 ngàn nạn nhân chất độc da cam mắc những căn bệnh quái ác, hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, di truyền sang cả đời con, đời cháu. Nhiều hoàn cảnh sống trong nghèo khó, cô đơn không nơi nương tựa. Với những gia đình có từ 2 nạn nhân da cam trở lên, cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng khó khăn gấp bội.

* Hy sinh thầm lặng

Hoàn cảnh của gia đình ông Đào Văn Phố (67 tuổi, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) khiến nhiều người không khỏi rơi nước mắt. Ông Phố cho biết tuổi xuân xanh ông cũng như bao thanh niên trai tráng khác hăng hái tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Quảng Trị. Trở về sau chiến tranh với tỷ lệ thương tật 61% nhưng có một điều là ông không biết chất độc hóa học đã ngấm vào người.

Lập gia đình với người vợ trẻ, 4 người con lần lượt chào đời. Niềm vui chưa kịp mỉm cười thì nỗi đau đã vội ập đến khi cả 4 người con của vợ chồng ông không có ai lành lặn bởi di chứng của chất độc da cam. Đớn đau là thế nhưng ông và vợ vẫn gắng sức làm hết công việc này đến công việc khác để có tiền chăm sóc, nuôi dưỡng các con.

Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: “Khắc phục hậu quả thảm họa da cam là lương tâm, trách nhiệm của cộng đồng xã hội. Nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ rất cần sự quan tâm, chia sẻ nhiều hơn nữa của cộng đồng để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam”.

Cách đây hơn 2 năm, căn bệnh ung thư quái ác cướp đi người vợ hiền, để lại một mình ông Phố cáng đáng cho cả gia đình. Vì 3 trong số 4 người con chỉ nằm một chỗ, không thể đi lại được nên từ  bữa ăn đến giấc ngủ, vệ sinh cho các con đều do một tay ông lo liệu.

Ông Phố chia sẻ, có nhiều lúc mệt mỏi rã rời nhưng nghĩ đến các con, nghĩ đến trách nhiệm của một người cha, ông lại mạnh mẽ để bước tiếp và không có ý định đầu hàng, khuất phục trước bi kịch của cuộc đời.

Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, ông Phố làm công nhân chăm sóc cây xanh cho Công ty TNHH một thành viên sinh thái xanh (đóng tại xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) với đồng lương khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Hương (54 tuổi, phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) 11 năm qua đã nuôi dưỡng, chăm sóc 2 cháu ruột là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bà Hương tâm sự, chị gái bà bị nhiễm chất độc da cam, sinh được 2 người con là Lê Phong bị câm điếc và Lê Huy Phú bị tâm thần. 11 năm trước, chị gái bà Hương bị bệnh qua đời. Thương 2 cháu côi cút lại bệnh tật, bà Hương ngày ngày lo miếng cơm, manh áo, mong bù đắp lại những thiệt thòi mà các cháu gánh phải.

Cách đây vài tháng, Lê Phong qua đời ở tuổi 34. Còn người em Lê Huy Phú thần kinh không ổn định nên thường xuyên đi lang thang ngoài đường. Nói về hoàn cảnh gia đình mình, bà Hương bộc bạch: “Do tôi không có việc làm nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông cậy vào tiền lương phụ hồ và bán nước của con trai, con dâu. Hiện tại, ngoài cháu Phú tôi còn phụng dưỡng mẹ già 85 tuổi, chăm sóc một em trai sức khỏe yếu”.

Ngoài ông Phố, bà Hương còn có rất nhiều trường hợp khác là người lành lặn, nạn nhân chất độc da cam đang ngày ngày trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người thân bị nhiễm chất độc da cam. Những việc làm tưởng chừng giản đơn như lo miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh... cho nạn nhân da cam nhưng nếu không có tình thương, trách nhiệm, không có lòng bao dung, sẵn sàng hy sinh thì không dễ gì làm được.

* San sẻ khó khăn

Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay các cấp Hội đã chi hơn 4,2 tỷ đồng cho công tác chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin, trong đó gồm có trợ cấp xây, sửa 6 căn nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng, học nghề, khám chữa bệnh, cấp thuốc… cho nạn nhân.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.Biên Hòa cho biết, thành phố hiện có hơn 1 ngàn nạn nhân da cam/dioxin. Từ cuối năm 2009 đến nay, Hội thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các nạn nhân như: xây, sửa nhà, mở sổ tiết kiệm, trợ cấp đột xuất, trợ cấp thường xuyên, hỗ trợ ma chay... cho các nạn nhân chất độc da cam. Hội luôn rà soát cẩn thận để nắm chắc xem hội viên nào có nhu cầu, nguyện vọng gì để giúp đỡ cho hiệu quả.

Song hành với các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn phải kể đến sự đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình của nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nổi bật như Công ty cổ phần Đồng Tiến, Ngân hàng Nông nghiệp - phát triển nông thôn chi nhánh Đồng Nai, Công ty TNHH Đại Hùng Anh, Liên minh hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai, chùa Già Lam Thiện Sanh, Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai...

Không chỉ các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong nước, trong chuyến làm việc tại Đồng Nai hồi tháng 4-2018, với mong muốn tìm hiểu rõ hơn về các nạn nhân da cam/dioxin, Đoàn đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ do ông Timothy Rieser (Trợ lý cấp cao về chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - nguyên Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ) làm trưởng đoàn cùng các thành viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã đến thăm hỏi nạn nhân chất độc da cam Mai Yến Phượng (KP.4, phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Chị Yến Phượng cũng là một trong những người được tổ chức USAID hỗ trợ sinh kế.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,933,931       3/848