Trường hợp cúm A/H1N1 năm 2018 được phát hiện vào đầu tháng 6 tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.Hồ Chí Minh) khi một nữ bệnh nhân 48 tuổi (quê tỉnh Tiền Giang, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh) đến điều trị u xơ tử cung ở Khoa Nội soi.
Người dân đến tiêm vaccine phòng bệnh cúm tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG |
Mới đây nhất, một phụ nữ đang mang thai ở tuần thứ 32 bị nhiễm cúm A/H1N1 buộc phải mổ bắt con vì tình trạng bệnh không thuyên giảm. Người phụ nữ này tử vong 3 tuần sau đó khiến tổng số người tử vong do cúm A/H1N1 trong cả nước lên 7 tính từ đầu năm đến nay.
* Hiểu đúng về cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1 là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Virus này là thể virus được xác định từ heo. Do đó, đường lây truyền cúm A/H1N1 từ heo sang người và từ người sang người. Người tiếp xúc với heo nhiễm bệnh qua quá trình cho ăn, chăn nuôi heo hoặc tại các hội chợ heo có thể mắc bệnh.
Việc lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp như: ho, hắt hơi, nước bọt, dịch từ mũi họng của người bệnh hoặc tiếp xúc với đồ vật có virus bằng tay rồi đưa tay lên miệng, mũi. Virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể “sống” từ 24-48 giờ trên các bề mặt như: bàn ghế, tủ, tay vịn cầu thang… Khả năng lây truyền virus cúm A/H1N1 có thể trong thời gian từ 1-7 ngày. Bệnh lây lan nhanh, mạnh khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như: trường học, bệnh viện, siêu thị…
Bác sĩ CKII Trần Thị Mai, Phó giám đốc Bệnh viện đại học y dược Shing Mark (TP.Biên Hòa) cho biết bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Đặc biệt, bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp; người bị suy giảm miễn dịch (đang dùng thuốc chống ung thư, nhiễm HIV/AIDS…), người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng/béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh; phụ nữ có thai.
Dấu hiệu để nhận biết bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1 như sốt cao trên 38OC, đau nhức cơ toàn thân và có một trong số các biểu hiện về hô hấp như: đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
* Điều trị và phòng tránh
Khi nghi ngờ người nhiễm cúm hoặc đã xác định người nhiễm cúm, việc cần làm ngay là cách ly bệnh nhân. Trường hợp bệnh nặng cần phải nhập viện ngay để được theo dõi và điều trị.
Để phòng tránh bệnh cúm A/H1N1, theo bác sĩ Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Khám tư vấn và điều trị dự phòng Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, người dân có thể chủ động đi tiêm vaccine phòng bệnh cúm tại các cơ sở y tế dự phòng. Tuy nhiên, vaccine này chỉ có tác dụng đáp ứng miễn dịch trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Do vậy, cần tiêm phòng bệnh hằng năm.
Còn theo bác sĩ CKII Trần Thị Mai, để phòng lây nhiễm bệnh cúm A/H1N1 thì bản thân người bệnh và người tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang; tăng cường rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng; vệ sinh khi ho khạc; tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra. Hoặc có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus Oseltamivir cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng trong thời gian 10 ngày. “Một trong những khuyến cáo mới nhất được đưa ra hiện nay là khi ho, hắt hơi không nên lấy lòng bàn tay che miệng mà sử dụng cánh tay để che miệng. Vì khi ho, hắt hơi, dịch bắn ra lòng bàn tay, nếu không được rửa sạch sẽ sớm, chúng ta sẽ phát tán virus lên các bề mặt tiếp xúc hoặc đưa bàn tay đó lên mắt, mũi, miệng” - bác sĩ Mai nhấn mạnh.
Hạnh Dung