Xã hội

Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm còn được gọi là bệnh mạn tính, không lây từ người sang người. Bệnh tiến triển trong thời gian dài và chậm, do đó việc phát hiện sớm, tầm soát bệnh để điều trị kịp thời là rất cần thiết.

Điều dưỡng Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai theo dõi, chăm sóc bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: H.DUNG
Điều dưỡng Khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai theo dõi, chăm sóc bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ảnh: H.DUNG

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho hay công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ở Đồng Nai những năm qua vẫn chưa hiệu quả do còn nhiều khó khăn vướng mắc.

* Khó kiểm soát người bệnh

Theo đó, ở tuyến tỉnh đang quản lý các dự án, chương trình gồm: bảo vệ sức khỏe tâm thần, phòng chống bệnh ung thư, phòng chống tăng huyết áp, phòng chống bệnh đái tháo đường, phòng chống các rối loạn do thiếu hụt i-ốt và dinh dưỡng cộng đồng (do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phụ trách); phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản quản lý); phòng chống hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (Bệnh viện phổi phụ trách); phòng chống tác hại của thuốc lá (Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe quản lý). Hàng năm, Sở Y tế giao các đơn vị đầu mối xây dựng kế hoạch hoạt động và chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động và quản lý các dự án từ tỉnh đến trạm y tế xã.

Thông tin từ Sở Y tế, toàn tỉnh hiện ghi nhận và quản lý, điều trị cho hơn 4 ngàn trường hợp bệnh nhân bị ung thư, trong đó riêng năm 2017 phát hiện mới hơn 1 ngàn trường hợp.

Có gần 3,5 ngàn người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; hơn 27 ngàn người bị tăng huyết áp đang được quản lý và điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Năm 2017, các cơ quan liên quan tư vấn cho hơn 16,8 ngàn lượt bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường và hơn 9,5 ngàn lượt bệnh nhân tiền đái tháo đường; phân phối hơn 42 ngàn kim que theo dõi đường huyết…

Là đơn vị đầu mối quản lý nhiều chương trình, dự án phòng, chống các bệnh không lây nhiễm nhưng Trung tâm y tế dự phòng tỉnh gặp không ít khó khăn trong việc thu thập thông tin, lập hồ sơ danh sách bệnh nhân điều trị các loại bệnh không lây nhiễm để quản lý.

Ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, cho biết những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính thường lựa chọn điều trị ở những bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí chuyển lên các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh. Rất ít trường hợp bệnh nhân điều trị ở tuyến cơ sở nên việc mở rộng bao phủ quản lý các bệnh mạn tính không được như mong đợi.

Về vấn đề này, ông Phạm Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho rằng để quản lý các bệnh nhân bị bệnh mạn tính hiệu quả cần căn cứ vào quá trình khám sức khỏe định kỳ của người dân tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, để từ đó lập hồ sơ quản lý cho chặt chẽ. Ông Khoa đưa ra ví dụ: với đối tượng là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp bắt buộc phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh cần liên hệ chặt chẽ với ban quản lý các khu công nghiệp trong tỉnh để có được số liệu chính xác nhất. Những đối tượng khác như học sinh, sinh viên, trẻ em, người già… cũng nên có cách làm tương tự, là tiếp cận với các đầu mối quản lý những đối tượng này để có được thông tin cụ thể, chính xác. Tránh trường hợp bỏ sót người bệnh, đặc biệt là những người bị bệnh mạn tính.

* Đề xuất tháo gỡ vướng mắc

Liên quan đến bảo vệ sức khỏe tâm thần, bác sĩ Nguyễn Khoa Băng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện tâm thần trung ương 2 cho rằng bên cạnh những khó khăn nhất định của cơ sở y tế còn phải nói đến vai trò của người dân trong vấn đề sức khỏe tâm thần. Tức là người dân vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề này, chủ quan hoặc không nắm được những biểu hiện của các bệnh liên quan đến tâm thần để điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Khoa Băng đề xuất nên thành lập phòng khám tâm thần trong các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và tuyến huyện. Mục đích nhằm tầm soát, phát hiện bệnh sớm cho người dân, kịp thời điều trị đúng cách, dứt điểm.

Tuy nhiên, theo Phó trưởng phòng (Sở Y tế) Phùng Văn Thanh, việc thành lập các phòng khám tâm thần ở các bệnh viện đa khoa tuyến huyện rất khó vì chỉ ở những bệnh viện tuyến tỉnh trở lên mới có thể triển khai thực hiện. Còn ở những bệnh viện đa khoa tuyến huyện không thể triển khai được do không có đủ kinh phí, nguồn nhân lực. Hơn nữa, ở những bệnh viện tuyến huyện, lượng bệnh nhân đến khám ít, không thể duy trì một phòng khám chuyên gia tâm thần chỉ để phục vụ 1-2 lượt bệnh nhân trong ngày.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải, để quản lý hiệu quả các dự án, đội ngũ cộng tác viên có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, kinh phí để cấp cho cộng tác viên rất thấp, chưa khuyến khích được đội ngũ này tham gia vào công tác phòng, chống, quản lý đối tượng bị bệnh không lây nhiễm tại cơ sở. Mặt khác, cần có quy định đầy đủ việc bảo hiểm y tế thanh toán tiền thuốc điều trị, dự phòng cho các đối tượng bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,943,618       14/1,185