Xã hội

Lắng nghe, thấu hiểu suy nghĩ của trẻ

Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai đất nước. Vì vậy, trong những năm qua trẻ em luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Các em thiếu nhi huyện Vĩnh Cửu đọc sách trong chương trình ngày hội tuổi thơ.
Các em thiếu nhi huyện Vĩnh Cửu đọc sách trong chương trình ngày hội tuổi thơ.

Tuy nhiên, trong suy nghĩ của các em, sự quan tâm, chăm sóc ấy vẫn chưa đủ. Điều các em mong muốn ở cha mẹ, thầy cô và xã hội chính là sự lắng nghe, thấu hiểu nhằm giải tỏa được những lo lắng, vướng mắc xung quanh cuộc sống.

Nguyễn Đình Đạt, lớp 5A1 Trường tiểu học Lâm San (huyện Cẩm Mỹ): Mong được là chính mình

Là con út trong gia đình có anh chị đều thành đạt (chị gái làm việc tại ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh, anh trai đang du học ở Nhật Bản) nên em luôn bị áp lực phải học giỏi để trở thành kỹ sư theo kỳ vọng của cha. Vì vậy, tấm gương anh trai, chị gái và những thần tượng có thành tích cao trong học tập hay sự nghiệp luôn được cha mẹ đưa ra để em noi theo. Để làm vui lòng cha mẹ, từ khi đặt chân vào lớp 1, em không cho phép mình lơ là việc học. Ngoài giờ học ở trường, em còn được cha mẹ đăng ký cho học thêm.  Với sự nỗ lực của cha mẹ và bản thân, hầu như môn học nào em cũng đạt điểm tuyệt đối ở các năm học.

Đạt thành tích cao trong học tập, nhưng điều mà em mong muốn là cha mẹ hãy chấp nhận khả năng vốn có của em, đừng gây áp lực em phải học giỏi để thực hiện ước mơ làm kỹ sư của cha mẹ. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy tôn trọng và tạo điều kiện để em được sống thoải mái với ước mơ của chính mình là trở thành đầu bếp như công việc mà cha mẹ em đang làm.

Hoàng Nhật Minh Anh, học sinh lớp 7/10 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa): Đúng chuẩn mực người thầy

Những năm gần đây, sự phát triển của mạng xã hội khiến cho mức độ lan truyền thông tin trở nên nhanh chóng. Theo đó, những video quay cảnh bạo lực trong môi trường học đường cũng được phô bày lên mạng xã hội. Đáng nói là ngoài những vụ bạo lực giữa học sinh với nhau còn xuất hiện cả những video thầy cô giáo bạo hành học sinh, gây sốc trong dư luận. Điển hình là vụ việc cô giáo ở huyện Nhà Bè (TP.Hồ Chí Minh) không giảng bài trong 3 tháng lên lớp; thầy giáo ở quận Phú Nhuận (TP.Hồ Chí Minh) nhục mạ học sinh; hay như trường hợp một cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng. Tuy đây chỉ là số ít nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng cho thấy đạo đức nhà giáo hiện có vấn đề.

Nghề giáo là nghề cao quý, thầy cô giáo trong mắt học sinh từ xa xưa như một “tượng đài”, là tấm gương sáng để học sinh học tập và noi theo. Vì vậy, để cho ra đời những thế hệ học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, em nghĩ rằng những người thầy, người cô hãy luôn cư xử đúng chuẩn mực trong mọi hoàn cảnh để làm gương cho học sinh noi theo.

Trần Gia Hiệp, học sinh lớp 9/1 Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (huyện Trảng Bom): Học cần đi đôi với hành

Đổi mới hướng đến nâng cao chất lượng dạy và học là một trong những nhiệm vụ luôn được Nhà nước quan tâm những năm qua. Tuy nhiên, theo em hiện nay việc học trong nhà trường quá nặng về kiến thức sách vở mà nhẹ về ứng dụng thực tiễn. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do khiến sinh viên ra trường không có việc làm chiếm tỷ lệ cao; hoặc có việc làm cũng phải mất một khoảng thời gian đầu để làm quen với công việc.

Em mong muốn ngành giáo dục nên cân đối lại, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành để học sinh có điều kiện thực hành lý thuyết đã học. Có như vậy, kiến thức đã học không bị rơi vãi, khi ra trường có thể bắt nhịp ngay với công việc mà không cần phải mất thời gian học việc.

Mạch A Si Ky, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Nguyễn Du (huyện Định Quán): Cần được trang bị kỹ năng tự vệ

Gần đây, mỗi lần em xem tivi, nghe đài hay nghe thầy cô thông tin về tình hình xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị chính người thân trong gia đình xâm hại, em cảm thấy hoang mang.

Từ nhà đến trường em phải đi qua 2 con dốc, cũng có đoạn đường vắng nên ngày nào đến trường đi qua đoạn đường này cũng lo lắng. Mặc dù đã được thầy cô hướng dẫn kỹ năng cần thiết để phòng chống xâm hại song em vẫn lo sợ...

Điều mà em cũng như các bạn cần là được hướng dẫn thực hành thông qua các tình  huống thực tế để có được những kỹ năng tự bảo vệ mình trước những mối nguy hiểm luôn rình rập. Hơn nữa, những “yêu râu xanh” cần phải có hình thức trừng trị thật nghiêm để làm gương cho những “yêu râu xanh” còn đang trong bóng tối.

Nguyễn Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 9B Trường THCS Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu): Tạo môi trường giải trí lành mạnh cho trẻ em

Một nữ sinh lớp 11 bị trầm cảm phải nhập viện Bệnh viện tâm thần trung ương 2 vì “nghiện” điện thoại, facebook; một nam sinh 17 tuổi nhập viện Bệnh viện Bạch Mai vì “cày” game online liên tục trong 9 ngày... là những thông tin mà em được nghe gần đây trên tivi... Còn hình ảnh trẻ em tay ôm khư khư điện thoại thông minh hay iPad ở một góc nào đó trong nhà, nơi công cộng... đã trở thành hiện tượng phổ biến. Dẫu biết giải trí là nhu cầu không thể thiếu của con người, nhất là trẻ em, tuy nhiên nếu như giải trí không lành mạnh sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Trong khi đó, những sân chơi lành mạnh có sức hút mạnh mẽ hơn những trò chơi trên thiết bị thông minh hiện nay rất hạn chế, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, xã hội cần quan tâm tạo ra nhiều hơn nữa những sân chơi lành mạnh bổ ích, giúp trẻ em phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trần Mai Trâm, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa): Quan tâm đời sống tinh thần

Hiện nay, với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, trẻ em được chăm sóc kỹ lưỡng về mặt thể chất nhưng lại ít được quan tâm chăm sóc về mặt tinh thần. Đặc biệt là trong các gia đình ở đô thị, cha mẹ quá chú tâm công việc, không có thời gian gần gũi, trò chuyện cùng con, không biết con mình thực sự cần gì. Họ nghĩ rằng chỉ cần đáp ứng đầy đủ về mặt vật chất, cho học ở những ngôi trường tốt nhất là đủ. Không có được sự quan tâm, chia sẻ những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, học tập, chúng em thường tìm đến với bạn bè, những người mà mình quen thân. Nếu chơi được với những người bạn tốt, chúng em được định hướng tốt; nhưng nếu gặp phải những người bạn không tốt, hành vi bị lệch chuẩn là điều không tránh khỏi.

Vì vậy, không chỉ quan tâm chăm sóc về mặt vật chất mà cha mẹ còn cần quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần của con. Sự quan tâm, chăm sóc đời sống tinh thần chính là cha mẹ luôn ở bên mỗi khi con cần, luôn lắng nghe khi con chia sẻ và đừng vội vàng phán xét hành động của con hoặc lấy cái uy của cha mẹ để áp đặt con phải thế này, thế kia theo ý của cha mẹ...

Nga Sơn (ghi)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,948,896       1/1,170