Bác sĩ Vũ Đức Quang, Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện da liễu Đồng Nai, cho biết trong thời tiết nắng nóng, da đổ mồ hôi nhiều cộng với môi trường nhiều bụi bẩn sẽ khiến da dễ bị nổi mụn, mọc rôm sảy, nám, viêm, nấm da.
Người dân đến khám bệnh về da tại Bệnh viện da liễu Đồng Nai. |
Để phòng tránh những bệnh này, cách tốt nhất là nên vệ sinh da sạch sẽ, mặc quần áo khô thoáng, hạn chế đổ mồ hôi, uống nhiều nước lọc…
* Những bệnh thường gặp
Do thời tiết nắng nóng nên tuyến mồ hôi trên cơ thể người hoạt động mạnh, tiết nhiều mồ hôi, gây hầm bí trong da dẫn đến rôm sảy. Bệnh này thường gặp nhất ở trẻ em. Biểu hiện bệnh là nổi nhiều mụn nhỏ ở trên đầu, cổ, vai, gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu trẻ gãi nhiều sẽ gây trầy xước, có nguy cơ mắc thêm bệnh nhiễm trùng da.
Rôm sảy là bệnh lành tính, không cần điều trị, thông thường sẽ hết trong vài ngày. Tuy nhiên, người bị rôm sảy nên mặc quần áo thông thoáng. Nếu trong nhà kín quá thì nên mở máy lạnh để làm mát, hạn chế ra mồ hôi. Nếu trẻ em bị rôm sảy nặng, cần được đưa đến bác sĩ da liễu để được tư vấn, bôi thuốc phù hợp.
Bác sĩ Quang cũng cho hay thời tiết đang nắng nóng lại xuất hiện mưa sẽ là cơ hội tốt để các bệnh liên quan đến nấm vi trùng, virus ngoài da phát triển. Cùng với đó, sức đề kháng của con người giảm sút do thay đổi thời tiết nên có thể bị nhiễm nấm ở những vị trí kín, ẩm ướt, hầm bí, nhất là những người có cơ địa nhiều mồ hôi. Trong đó, bệnh nhiễm trùng da dễ bị mắc nhất, tiếp đến là thủy đậu.
Với những bệnh nhiễm trùng ngoài da, người bệnh cần phải vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Trẻ em có chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức đề kháng hoặc uống một số loại vitamin như vitamin C. Người lớn cũng cần tăng cường sức đề kháng bằng cách ăn uống lành mạnh, giảm bớt bia rượu, thức khuya, hút thuốc…
Còn bệnh thủy đậu do một loại virus gây ra, phải dùng thuốc kháng virus chứ không dùng thuốc kháng sinh. Đặc điểm của các loại thuốc kháng virus là có thời gian kháng virus rất ngắn. Do vậy, trong 1 ngày người bệnh phải uống khoảng 5 lần thuốc, uống đủ liều thì mới có tác dụng. Nếu không uống thuốc thì các nốt thủy đậu sẽ mọc khắp người, có thể gây biến chứng nặng là viêm não hoặc viêm phổi. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị.
Nấm da hay còn gọi là hắc lào, do các sợi vi nấm cạn gây ra. Tùy theo vùng cơ thể mà có tên gọi khác nhau như nấm da toàn thân, nấm da đầu, nấm da chân, nấm bẹn. Người bị nấm da sẽ thấy những mảng đỏ tróc vảy kèm theo ngứa, da có mụn nước. Với trường hợp này, đặc biệt không dùng chung đồ dùng, quần áo hoặc giặt đồ chung với người bị nấm da, không mặc quần áo chật, bó sát cơ thể.
Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, bệnh viêm nang lông nhiễm trùng do vi trùng, vi nấm gây ra cũng dễ gặp ở những trường hợp hay cạo râu, nhổ lông, tẩy lông, người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch. Do đó, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt những nơi lông mọc nhiều, hạn chế nhổ lông nhiều gây viêm, nhiễm.
* Có biện pháp tránh nắng hiệu quả
Trong thời gian nghỉ hè, nhiều người thường đi du lịch, nhất là tắm biển. Việc tiếp xúc trực tiếp với nắng quá nhiều có thể gây nám da. Không những vậy, các tia nắng gay gắt có thể mang đến nhiều loại bệnh về da khác, trong đó có ung thư da.
Các bác sĩ da liễu khuyến cáo cách tốt nhất để phòng tránh bệnh nám da là bôi kem/uống thuốc chống nắng, tránh nắng kỹ bằng quần áo chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Để có làn da khỏe mạnh trong tiết trời oi nóng, bác sĩ Quang khuyến cáo người dân nên rửa mặt thật sạch bằng nước và sữa rửa mặt khoảng 3 lần trong ngày. Tránh nắng tối đa khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, cần uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, thoa kem dưỡng ẩm da về đêm. Vệ sinh chăn, gối, giường, nệm sạch sẽ. Nếu mắc các bệnh về da nặng, nên đến cơ sở y tế và bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn, điều trị kịp thời, tránh điều trị không đúng cách gây biến chứng hoặc bệnh càng nặng thêm.
Hạnh Dung