Bệnh kawasaki (còn gọi là hội chứng da niêm hạch) nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra những tổn thương tim mạch cho trẻ.
Xuất hiện hồng ban ở da là một trong những dấu hiệu của bệnh kawasaki mà trẻ mắc phải. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng khoa Tim mạch thận niệu Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, kawasaki là bệnh viêm mạch máu hệ thống thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là khu vực châu Á và là nguyên nhân hàng đầu trong các bệnh tim mạch mắc phải ở trẻ nhỏ, thay thế bệnh thấp tim.
Biểu hiện sớm nhất của bệnh là sốt cao (kéo dài 5 ngày liên tục), sau khi sốt triệu chứng thường thấy nhất ở trẻ là xuất hiện viêm kết mạc không xuất tiết 2 bên, sung huyết và khô môi hay sung huyết niêm mạc hầu họng. Xuất hiện hồng ban ở da (dạng mảng, đỏ da lan tỏa, hồng ban đa dạng). Sung huyết và phù tay chân trong giai đoạn cấp, bong da đầu chi, bong da lan tỏa trong giai đoạn bán cấp.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly cho biết thêm tỷ lệ trẻ mắc bệnh này ngày càng gia tăng, những năm về trước trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận 17 trẻ, 2 năm trở lại đây có đến 40 trẻ đến khám và điều trị. Hiện nay nguyên nhân của bệnh chưa được xác định, có thể do nhiễm trùng, miễn dịch nhưng chưa chắc chắn, do đó chưa có biện pháp phòng ngừa. Nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng như: phình, hẹp mạch vành ở tim; thiếu máu, nhồi máu cơ tim và dẫn tới đột tử.
Điều quan trọng là phát hiện bệnh và đưa trẻ đến bệnh viện sớm, nếu được điều trị trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ mắc bệnh kawasaki thì thành công 90% và ngừa được các biến chứng ở tim. Sau 10 ngày thì hiệu quả giảm xuống. Nếu bệnh đáp ứng tốt điều trị thì sau 2 ngày điều trị, bệnh sẽ lui dần, trẻ hết sốt và có thể về nhà. “Khi điều trị thành công trẻ vẫn phải đến tái khám định kỳ trong 1-2 năm. Trong quá trình điều trị nên lùi lại thời gian chích ngừa các loại bệnh, tốt nhất 11 tháng sau trẻ mới chích ngừa, vì nếu chích ngừa trong thời gian này sẽ không hiệu quả” - bác sĩ Ly lưu ý.
Thảo Anh