Xã hội

Đủ cơ sở cấp thuốc, không lo người nghiện bỏ ngang điều trị

Theo số liệu của Công an tỉnh, Đồng Nai có hơn 2 ngàn người nghiện ma túy nhưng mới có khoảng 55% số người tham gia điều trị cai nghiện bằng methadone.

Bác sĩ Nguyễn Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm phòng, chống  HIV/AIDS Đồng Nai.
Bác sĩ Nguyễn Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, bác sĩ NGUYỄN GIỎI, Phó giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai, cho rằng nguyên nhân là do số lượng cơ sở điều trị chưa được phủ hết các địa bàn cũng như nhiều người chưa hiểu hết liệu pháp điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone nên chưa tích cực tham gia.

 Nhiều gia đình có con em nghiện ma túy vẫn chưa hiểu rõ cơ chế điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone. Ông có thể giải thích về liệu pháp điều trị này?

- Điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone sẽ giúp người nghiện cai nghiện ma túy, cải thiện sức khỏe, hòa nhập cộng đồng và đặc biệt là kéo giảm nguy cơ lây lan HIV. Methadone sử dụng bằng đường uống, tác dụng gây nghiện ít hơn, đặc biệt không làm tăng đô, tăng liều, thời gian tác dụng khá dài (trong vòng 24 giờ)… Khi uống methadone đều đặn mỗi ngày, cơn thèm heroin của người nghiện giảm dần tiến tới không còn cảm giác lệ thuộc vào ma túy. Nhờ vậy, methadone được dùng để thay thế và làm giảm nhẹ những rối loạn do “vã” ma túy gây ra.

 Trường hợp đối tượng sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy khác nhau thì việc điều trị sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Methadone chỉ có tác dụng cai nghiện đối với người nghiện ma túy dạng heroin, chứ không có tác dụng đối với những loại ma túy khác như: bồ đà, thuốc lắc, ma túy đá… Nếu vừa điều trị methadone vừa sử dụng ma túy khác, nhất là ma túy đá sẽ rất dễ ngộ độc, dẫn đến tử vong do quá liều.

Hiện những người đang tham gia điều trị bằng liệu pháp này, phần lớn tuân thủ việc uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Nhưng vẫn có những trường hợp người nghiện sử dụng thêm những loại ma túy khác, gây khó cho công tác điều trị. Theo quy định, sau 3 ngày người bệnh bỏ uống methadone hoặc 2 lần sử dụng loại ma túy khác, khi trở lại sẽ được xét nghiệm máu để kiểm tra, nếu có sử dụng những loại ma túy khác ngoài heroin sẽ bị cho ra khỏi chương trình. Tuy nhiên, các cơ sở cấp thuốc cũng linh động duy trì điều trị cho đối tượng có mong muốn tiếp tục cai nghiện, song buộc phải làm bản cam kết không sử dụng lại bất kỳ loại ma túy nào. Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có gần 20 trường hợp bị cho ra khỏi chương trình do sử dụng ma túy khác khi đang điều trị methadone.

 Hiện toàn tỉnh chỉ có 6 cơ sở điều trị methadone, vì vậy một số đối tượng phải đi xa hàng chục km mỗi ngày để được uống thuốc... dẫn đến việc chán nản bỏ ngang điều trị. Hướng giải quyết về vấn đề này ra sao, thưa ông?

- Năm 2014, cơ sở điều trị methadone đầu tiên được đặt tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Đồng Nai, hơn 1 năm sau mới lập được cơ sở thứ 2 tại Trung tâm y tế TP.Biên Hòa. Năm 2016 lập thêm 2 cơ sở điều trị ở huyện Long Thành và TX. Long Khánh…

Trước khi điều trị methadone, người bệnh được tư vấn, khám sức khỏe để xác định liều dùng. Ảnh: P.LIỄU
Trước khi điều trị methadone, người bệnh được tư vấn, khám sức khỏe để xác định liều dùng. Ảnh: P.LIỄU

Thời điểm này, nhiều người nghiện ở những địa bàn chưa có cơ sở cấp methadone hàng ngày phải đi khá xa để nhận thuốc, điều đó ảnh hưởng đến công việc, thời gian, sức khỏe nên có không ít người bỏ ngang điều trị. Việc này không chỉ gây lãng phí thuốc, thời gian điều trị mà còn gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV do người nghiện tiếp tục sử dụng ma túy.

Để thuận tiện cho người bệnh, giữa năm 2017, 2 huyện Trảng Bom và Định Quán đã được bố trí lập cơ sở điều trị methadone để phục vụ người bệnh có nhu cầu… Dự kiến quý II năm nay sẽ lập cơ sở điều trị methadone ở huyện Xuân Lộc và cuối năm là ở huyện Cẩm Mỹ. Lúc đó sẽ có nhiều cơ sở cấp thuốc, không lo người nghiện bỏ ngang điều trị.

 Hiện nay, người điều trị methadone không được cấp liều dự trữ mà phải đến uống thuốc trực tiếp tại cơ sở. Điều này ảnh hưởng đến giờ giấc của người làm việc trong các công ty. Có giải pháp nào giúp người tham gia điều trị methadone không bị động về thời gian, thưa ông?

- Để giúp người cai nghiện thuận tiện trong điều trị methadone nhưng vẫn bảo đảm thời gian, giờ giấc làm việc, sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi đã yêu cầu nhân viên các cơ sở điều trị phải có mặt làm việc từ 6 giờ sáng hoặc sớm hơn để người điều trị đến sớm nhận thuốc và đi làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công an điều tra, thống kê người nghiện ma túy. Những địa bàn nào có từ 150-200 người nghiện sẽ lập cơ sở điều trị tại địa bàn đó để người nghiện thuận tiện khi điều trị can thiệp.

 Xin cảm ơn ông!

Theo bác sĩ Nguyễn Giỏi, trong năm nay Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sẽ triển khai việc cấp thẻ điều trị cho tất cả bệnh nhân đang tham gia điều trị cai nghiện thay thế bằng methadone trong cả nước. Theo đó, những bệnh nhân được cấp thẻ có thể sử dụng thẻ này để uống methadone tại bất kỳ cơ sở điều trị nào trong toàn quốc. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh nhân trong quá trình điều trị dù ra khỏi địa bàn nhưng vẫn có điều kiện uống methadone đầy đủ. Hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS đang tích hợp và kết nối thông tin của các bệnh nhân từ các tỉnh, thành, sau khi  dữ liệu đầy đủ sẽ tiến hành áp dụng. Tại cơ sở điều trị bất kỳ, người bệnh chỉ việc cung cấp mã thẻ, tất cả dữ liệu cá nhân được hiển thị và  cán bộ cơ sở điều trị sẽ cấp thuốc methadone cho bệnh nhân.

Phương Liễu (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,956,845       1/1,206