Xã hội

Áp lực bủa vây học sinh

Học sinh đang bước vào giai đoạn nước rút của năm học với dày đặc chương trình ôn tập và các môn thi cuối năm, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Áp lực học tập đang bủa vây học sinh khiến nhiều em cảm thấy bị "đuối sức".

Học sinh đang bước vào giai đoạn nước rút của năm học với dày đặc chương trình ôn tập và các môn thi cuối năm, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Áp lực học tập đang bủa vây học sinh khiến nhiều em cảm thấy bị “đuối sức”.

Học sinh lớp 12 của một trường tại TP.Biên Hòa mang toàn bộ sách vở lên lớp ôn tập qua đêm. Ảnh: C.NGHĨA
Học sinh lớp 12 của một trường tại TP.Biên Hòa mang toàn bộ sách vở lên lớp ôn tập qua đêm. Ảnh: C.NGHĨA

Nguyễn Kim Phụng, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa), đang phải tập trung cao độ cho kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Lịch học và ôn tập của Phụng từ đầu học kỳ II đến nay luôn kín mít từ sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya.

* Tận dụng từng giờ

Phụng cho biết buổi sáng em để điện thoại báo thức lúc 4 giờ 30, nhưng vì mệt quá nên thường phải 5 giờ mới thức dậy, vệ sinh cá nhân và ngồi vào bàn học để chuẩn bị bài cho ngày mới. Trên đường đến trường, Phụng tranh thủ ăn bánh mì hoặc xôi được mẹ chuẩn bị sẵn. Buổi học sáng kết thúc lúc 11 giờ 30, nghỉ trưa được hơn 1 tiếng đồng hồ em lại phải tiếp tục ôn tập các môn thi trong chương trình thi tốt nghiệp THPT quốc gia với môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 3 môn trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Kết thúc buổi ôn tập chiều trên lớp, Phụng không về nhà mà đến thẳng nhà cô giáo để học thêm môn Ngoại ngữ. Trở về nhà lúc 20 giờ, em ăn tối xong lại tiếp tục ôn bài cho tới 23 giờ...

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết: “Từ ngày 18 đến 20-4, gần 25 ngàn học sinh lớp 12 của 68 trường THPT và các trung tâm giáo dục thường xuyên của tỉnh chính thức bước vào thi học kỳ II. Đề thi do Sở GD-ĐT ra và chuyển cho các trường tổ chức thi. Điểm thi học kỳ II rất quan trọng, là cơ sở để tính học lực trung bình của cả năm học và xét tốt nghiệp. Sau thi học kỳ II, các trường sẽ phân nhóm học sinh ra ôn theo các môn thi bắt buộc và bài thi tự chọn. Thời gian còn lại rất quan trọng, do đó học sinh tập trung ôn tập nhưng cũng cẩn trọng với sức khỏe cho mùa thi”.

Nhiều học sinh lớp 12 vào cuối năm chỉ có thời gian ngủ khoảng 5 tiếng mỗi ngày, còn lại là học ở trường, học thêm ở nhà thầy cô. Tại Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa), từ đầu học kỳ II đến nay nhiều học sinh đã đăng ký ở nội trú trong trường để học và ôn tập với không khí khá căng thẳng, thậm chí thầy cô dạy các môn học liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 cũng phải ở lại trường qua đêm để hướng dẫn học sinh ôn tập.

Một học sinh lớp 12A của Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng cho biết: “Toàn bộ sách vở, tài liệu liên quan đến ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi và đồ đạc cá nhân em đều mang lên lớp. Việc học, ăn, ngủ đều diễn ra ở trường”. Cô Nguyễn Thị Thuật, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Học sinh khối 12 sắp thi học kỳ II, do đó những ngày này nhà trường giám sát học sinh ôn tập rất chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu quan trọng là đậu tốt nghiệp cao và có nhiều cơ hội xét tuyển vào các trường đại học”.

* Đảm bảo sức khỏe mùa thi

Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hải cho biết đến nay học sinh lớp 12 đã cơ bản hoàn thành các môn chính khóa và chuẩn bị cho thi học kỳ II diễn ra từ ngày 18 đến 20-4. Sau khi thi học kỳ II là đợt ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia (từ ngày 25 đến 27-6). Kiến thức ôn thi THPT quốc gia tương đối nhiều, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một phần lớp 11.

Ông Hải chia sẻ kỳ thi THPT quốc gia là một “kỳ thi kép”, không chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT mà còn dùng điểm từ kỳ thi này để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, do đó sẽ tạo thêm nhiều áp lực lớn với thí sinh. Những học sinh có lực học trung bình, yếu thì nỗ lực để đạt yêu cầu tốt nghiệp, còn những học sinh có lực học khá, giỏi thì mong đạt điểm cao để ngoài tốt nghiệp còn đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, sự kỳ vọng quá lớn của các bậc phụ huynh khiến nhiều học sinh càng trở nên căng thẳng.

Hiệu trưởng Trường THPT Trấn Biên Phạm Thị Thanh Hà cho biết: “Năm nay trường có gần 600 học sinh thi THPT quốc gia và phần lớn đều đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh. Nhiều em đặt mục tiêu chinh phục các trường đại học tốp trên như: y dược, kinh tế, bách khoa… do đó áp lực ôn thi rất lớn. Học sinh chủ động học đêm học ngày và giáo viên cũng phải
hỗ trợ học sinh ôn tập tối đa”.

TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng bộ môn Tâm lý học ứng dụng Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ kinh nghiệm: “Kiến thức cho một kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng phải được chuẩn bị trong quá trình dài chứ không phải chỉ mấy tháng trước mùa thi. Do đó, ngay từ giờ học sinh phải chuẩn bị tâm lý tốt, hệ thống lại kiến thức, phân chia thời gian ôn tập phù hợp. Học sinh cần giữ sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn và sảng khoái để việc ôn thi có chiều sâu. Phụ huynh bên cạnh chính là động lực quan trọng để học sinh cảm thấy là chỗ dựa vững chắc, không nên tạo thêm áp lực cho các em”.

Công Nghĩa
 

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,958,980       1/1,219