Đoàn giám sát thuộc dự án Quản trị và tài chính y tế dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID/HFG) vừa làm việc với Sở Y tế và các đơn vị liên quan để kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS...
Đoàn giám sát thuộc dự án Quản trị và tài chính y tế dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID/HFG) vừa làm việc với Sở Y tế và các đơn vị liên quan trong việc kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để tiến tới chuyển bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai và Trung tâm y tế TX.Long Khánh đến Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và các cơ sở đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bệnh nhân chờ lấy thuốc ARV tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai. Ảnh: H.LÊ |
Các đơn vị đã thống nhất đầu quý IV-2018 phải thực hiện xong việc kiện toàn tất cả các cơ sở điều trị, đảm bảo 100% bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị BHYT vào cuối năm nay.
* Rà soát kỹ
Theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 3 ngàn người nhiễm HIV được điều trị thường xuyên và khoảng 1 ngàn bệnh nhân chưa được điều trị, khoảng 80% số bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) đã có thẻ BHYT, số còn lại đang rà soát để tiếp tục cấp.
Bác sĩ Nguyễn Giỏi, Phó giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai, cho biết hiện toàn tỉnh có 7 phòng khám và điều trị ngoại trú đang thực hiện điều trị cho bệnh nhân, trong đó có 4 phòng khám đã thực hiện khám và điều trị ARV cho bệnh nhân có đủ điều kiện để thanh toán BHYT là: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, Trung tâm y tế Xuân Lộc và Bệnh viện da liễu Đồng Nai.
Những đơn vị này ngoài thuốc ARV được cấp miễn phí, các dịch vụ khác khi bệnh nhân sử dụng cũng được quỹ BHYT thanh toán. Riêng 3 đơn vị là: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai, Trung tâm y tế TX.Long Khánh và Trung tâm y tế Long Thành hiện vẫn chưa thể thanh toán BHYT cho các dịch vụ liên quan đến điều trị HIV.
Qua khảo sát của dự án USAID/HFG cho thấy đối với Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai do không đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nên bắt buộc phải chuyển gửi tất cả bệnh nhân về các cơ sở điều trị nơi bệnh nhân cư trú hoặc cơ sở lân cận.
Tuy nhiên, cần phải có lộ trình, thời gian rõ ràng, nhất là công tác tư vấn cho bệnh nhân hiểu và chấp nhận, bởi đây là nơi có số lượng bệnh nhân đăng ký điều trị đông, chiếm gần 1/3 của toàn tỉnh. Ngoài ra, trung tâm cần rà soát đối với những bệnh nhân ngoài tỉnh đang điều trị tại Đồng Nai để có kế hoạch chuyển gửi hợp lý.
Đối với Trung tâm y tế TX.Long Khánh do không đáp ứng các điều kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, vì vậy cũng sẽ chuyển gửi toàn bộ bệnh nhân về Khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để bệnh nhân được hưởng các quyền lợi BHYT. Trước mắt, trung tâm sẽ hỗ trợ cho bệnh viện, quá trình chuyển gửi cần có sự phối hợp nhịp nhàng nhằm tránh mất dấu bệnh nhân. Riêng Trung tâm y tế Long Thành đã thành lập phòng khám đa khoa và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 4-2018.
Bác sĩ Nguyễn Thi Văn Văn, Giám đốc Trung tâm y tế Long Thành, cho biết trung tâm đã được cấp phép thành lập Phòng khám đa khoa, trong đó có khám và điều trị ARV. Vì vậy, việc điều trị cho bệnh nhân tại địa phương sẽ rất thuận tiện. Hiện đơn vị đang chờ cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp mã khám chữa bệnh cũng như phê duyệt danh mục kỹ thuật, thuốc, hướng dẫn về cách thức đồng chi trả cho bệnh nhân. Bác sĩ Văn Văn cũng kiến nghị Sở Y tế xem xét cho trung tâm được thành lập Phòng xét nghiệm khẳng định HIV để phục vụ công tác điều trị được thuận lợi hơn.
* Sớm kiện toàn
Theo bác sĩ Nguyễn Giỏi, trước mắt các đơn vị trên cần xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình gửi về Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai để trung tâm xây dựng kế hoạch tổng thể trình Sở Y tế phê duyệt. Phía Sở Y tế có văn bản gửi tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh cử nhân sự tập huấn về điều trị ARV, bởi về lâu dài tất cả các huyện đều phải có cơ sở điều trị và bệnh nhân ở huyện nào sẽ về điều trị ở huyện đó.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (điều phối viên dự án USAID/HFG) cho rằng Đồng Nai là địa phương có số lượng bệnh nhân điều trị ARV rất lớn, vì vậy để công tác kiện toàn được thực hiện sớm cần có sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Y tế, sự đồng thuận của các cấp, ban, ngành, nhất là ngành bảo hiểm xã hội. Công tác kiện toàn thực hiện khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS cần phải được hoàn thành trong năm 2018, bởi từ năm 2019 trở đi dự án Quỹ Toàn cầu sẽ không còn hỗ trợ thuốc ARV, nếu không kiện toàn sớm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải cho hay về phía sở sẽ có công văn gửi tất cả các đơn vị cử nhân sự đi đào tạo về điều trị ARV. Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai sẽ là đầu mối tổng hợp danh sách, thành phần, kinh phí trình sở phê duyệt. Các đơn vị căn cứ số lượng bệnh nhân lập dự trù thuốc gửi về Sở Y tế phê duyệt để phân bổ cho các đơn vị.
Cũng theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải, việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại các phòng khám và điều trị ngoại trú (OPC) chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài sẽ chuyển tất cả bệnh nhân về trạm y tế xã, phường để điều trị. Bởi theo quy định mới, bệnh nhân sẽ được cấp thuốc hàng tháng và định kỳ 6 tháng bệnh nhân mới đến các phòng OPC để được khám định kỳ hoặc chỉ khám khi có các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Hoàn Lê