Hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường được đánh giá là quan trọng nhằm tăng cường sức khỏe, thể chất và tinh thần cho học sinh. Tuy nhiên, do thiếu thốn về cơ sở vật chất nên ở một số trường hoạt động này chưa thoát ra khỏi sự nhàm chán.
Học sinh Trường tiểu học Quang Vinh (TP.Biên Hòa) chơi các môn thể thao theo sở thích. Ảnh: T.NAM |
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) là ngôi trường đến nay học sinh vẫn phải đi “học nhờ” môn thể dục ở nơi khác, cách trường hơn 150m, bởi nhà trường không có sân bãi phù hợp.
* Học cho đủ tiết?
Một giáo viên nhà trường cho hay các môn thể dục được dạy trong trường phổ thông rất phong phú, nhưng vì điều kiện sân trường chật hẹp, mỗi chiều chỉ rộng khoảng 20-25m nên không thể triển khai những môn đòi hỏi có sân rộng như: chạy, nhảy cao, nhảy xa… Thậm chí giờ tập thể dục giữa giờ, sân trường cũng không đủ chỗ xếp hàng cho học sinh cả trường cùng tập một lúc.
Theo một số giáo viên dạy bộ môn thể dục, nếu có điều kiện về cơ sở vật chất, nhà trường nên cho học sinh chọn lựa môn thể dục mà học sinh yêu thích. Thực tế, học sinh được hướng dẫn học nhiều môn thể dục - thể thao nhưng chỉ học qua loa, khó hình thành thói quen luyện tập lâu dài… |
Một số trường ở nội ô TP.Biên Hòa có diện tích rộng rãi, nhưng do được đầu tư xây dựng từ khá lâu nên hầu như không có các công trình phục vụ tập luyện thể dục - thể thao cho học sinh. Học sinh chỉ có một nơi duy nhất để tập luyện thể dục - thể thao là sân trường. Tuy nhiên, sân trường là nền bê tông nên khả năng gây chấn thương cho học sinh là khá cao.
Một giáo viên của Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết: “Các môn thể dục trong nhà trường mới chỉ dừng lại ở một số môn phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, không thể triển khai những môn vận động trên diện tích sân bãi lớn. Do đó học sinh không có nhiều lựa chọn môn thể thao mà mình ưa thích. Đó là chưa kể nhiều học sinh “ngại” vận động vì áp lực học hành quá cao”. Không ít học sinh có điểm số các môn học khác rất cao, nhưng điểm môn thể dục thì chỉ đạt mức trung bình, đôi khi giáo viên còn phải “chiếu cố” cho điểm 5 để khỏi ảnh hưởng đến xếp loại học lực.
Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền, cho biết: “Trường không có nhà thi đấu nên tập luyện thể dục đều tổ chức ở ngoài trời, ngày nắng chúng em còn ráng tập luyện, ngày mưa thì phải ngồi trong lớp. Hơn nữa, số giờ học thể dục mỗi tuần quá ít lại không có sự lựa chọn nào, thầy dạy môn nào thì luyện tập theo môn đó”.
* Không thể “tập chay”
Trái ngược với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể dục - thể thao của các trường công lập, các trường tư thục lại chủ động đầu tư khá đồng bộ. Học sinh các trường ngoài công lập có nhiều lựa chọn hơn với môn thể dục. Điển hình trong số đó là Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường tiểu học - THCS - THPT song ngữ Lạc Hồng, Trường tiểu học - THCS - THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Biên Hòa)… Ở những trường này, học sinh được lựa chọn tập luyện nhiều môn thể thao hơn như: bơi lội, bóng rổ, bóng bàn, bóng đá…
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết hiện nay 100% trường phổ thông trong tỉnh đã áp dụng chương trình giáo dục thể chất chính khóa, nhiều trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt như: nhà thi đấu, sân tập... đã triển khai thêm cả chương trình thể dục - thể thao ngoại khóa. Tuy nhiên, với số lượng trường lớp đông thì nguồn lực đầu tư cho hoạt động giáo dục thể chất phải phấn đấu từng bước chứ không thể thực hiện ngay được. |
Thầy Trần Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: “Khi cơ sở vật chất phục vụ tập luyện thể dục - thể thao đảm bảo thì học sinh dễ dàng lựa chọn môn theo sở thích, phù hợp với điều kiện sức khỏe hơn, hiệu quả hơn, đồng thời giảm được các rủi ro về chấn thương. Học sinh còn có điều kiện tiếp cận với các môn thể thao giúp giúp các em thoát nạn khá tốt, trong đó có môn bơi lội”.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS - THPT song ngữ Lạc Hồng Đỗ Thị Lan Đài, cho biết: “Việc lựa chọn các môn thể thao của học sinh hoàn toàn không bị “ép”. Nhà trường cho học sinh lựa chọn một số môn thể thao, thậm chí học sinh còn có thể tập luyện thể thao ngoại khóa với các môn như: bóng đá, bơi lội, bóng bàn, võ thuật. Khi được thoải mái lựa chọn thì việc học sinh tập luyện thể dục sẽ không bị nhàm chán mà ngược lại rất hứng thú”.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Long Thành Trần Đức Dưỡng cho rằng: “Trước đây do kinh phí xây dựng có hạn nên việc giải quyết chỗ học là mục đích chính. Tuy nhiên, áp lực học hành ngày càng nhiều thì càng phải khuyến khích học sinh tập luyện thể dục. Do đó trong kế hoạch xây mới trường học sắp tới, chúng tôi đều kiến nghị với đơn vị thiết kế và chủ đầu tư phải có các công trình phục vụ tập luyện thể dục - thể thao cho học sinh như: nhà thi đấu đa năng, sân tập, hồ bơi. Đây còn là một trong những tiêu chí để đánh giá là trường chuẩn quốc gia”.
Công Nghĩa