Xã hội

Tăng sức cạnh tranh cho thí sinh

Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 sau thời gian lấy ý kiến các sở GD-ĐT và các trường đại học, cao đẳng. Theo đó kỳ thi năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 27-6, sớm hơn kỳ thi năm trước 3 ngày.

Cán bộ tuyển sinh Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) tư vấn cho thí sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh). Ảnh: C.NGHĨA
Cán bộ tuyển sinh Trường đại học Nguyễn Huệ (Trường sĩ quan lục quân 2) tư vấn cho thí sinh Trường THPT Long Khánh (TX.Long Khánh). Ảnh: C.NGHĨA

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay sẽ có nhiều điểm mới so với những kỳ thi trước. Đáng lưu ý là những thay đổi trong cách tính điểm kết quả bài thi, điểm ưu tiên khu vực, bỏ quy định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng không đào tạo giáo viên và ngành sư phạm có quy định điều kiện và ngưỡng xét tuyển đầu vào.

* Tổ chức thi 5 bài thi

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ tiếp tục duy trì 5  bài thi, trong đó có 3 bài thi độc lập là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. 2 bài thi còn lại là dạng bài tổ hợp liên môn, trong đó bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên gồm các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Còn bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đối với thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên sẽ không phải thi môn Giáo dục công dân. Trong số 5 bài thi, chỉ duy nhất môn Ngữ văn làm bài theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều làm theo hình thức trắc nghiệm.

Nhiều hình thức xét tuyển

Ngoài hình thức xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng bằng điểm thi THPT quốc gia, các thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào một số trường đại học, cao đẳng có hình thức xét tuyển bằng học bạ và xét tổ hợp 3 môn học của lớp 12. Các trường còn được phép tuyển sinh nhiều đợt trong năm 2018 thay vì một đợt sau kỳ thi THPT quốc gia.

Đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên có thể chọn làm bài thi môn Ngoại ngữ để lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên điểm thi môn Ngoại ngữ sẽ không được dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Một điều đáng lưu ý, thí sinh có quyền chọn cả 2 bài thi tổ hợp liên môn để làm và điểm bài thi tổ hợp liên môn nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên khi thí sinh đã đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp liên môn từ đầu thì bắt buộc phải làm cả 2 bài thi này. Nếu bỏ một trong 2 bài thi sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm trước, năm nay thi chỉ để lấy kết quả để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ phải làm một bài thi độc lập và một bài thi tổ hợp, hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng. Ví dụ, thí sinh tự do xét tuyển vào ngành có xét tuyển các môn thi Toán, Vật lý, Hóa học sẽ phải thi môn Toán và 2 môn thi trong bài thi tổ hợp liên môn khoa học tự nhiên là Vật lý và Hóa học, không cần thi môn Sinh học.

* Những lưu ý quan trọng

Từ ngày 1 đến 20-4 các thí sinh bắt đầu ghi phiếu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và nộp cho trường nơi đang học. Với thí sinh tự do phải nộp thêm 1 bì thư đã dán tem ghi rõ địa chỉ nhận của thí sinh và gửi đến trường muốn xét tuyển. Các trường sẽ tiến hành nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi. Từ sau ngày 20-4 các thí sinh không được thay đổi các thông tin đã đăng ký trước đó.

Sau khi hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tạo điều kiện cho thí sinh có 1 lần được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thời gian là từ ngày 19 đến 28-7. Có 2 hình thức để thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển là bằng phiếu đăng ký xét tuyển hoặc bằng hình thức điều chỉnh trực tuyến qua mạng internet vì mỗi thí sinh sẽ được cấp tài khoản quản lý thi THPT quốc gia. Với tài khoản này, thí sinh có thể xem được mọi thông tin dự thi và xét tuyển, phát hiện sai sót để phản hồi kịp thời.

Để đảm bảo công bằng hơn cho các đối tượng thí sinh, quy chế mới của Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khá mạnh điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực. Từ năm 2017 về trước quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5 điểm thì từ năm 2018 chỉ còn 0,25 điểm. Quy định này hạn chế được tình trạng thí sinh có điểm thi cao nhưng điểm ưu tiên khu vực thấp lại không trúng tuyển. Cũng từ năm nay, quy định điểm kết quả bài thi sẽ không được làm tròn như những năm trước, ví dụ bài thi 9,85 điểm sẽ không được làm tròn thành 10 điểm.

Một thay đổi lớn nữa là từ năm 2018 Bộ GD-ĐT sẽ chính thức bỏ quy định điểm sàn đối với các trường đại học, cao đẳng không đào tạo ngành giáo viên. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT sẽ áp dụng quy định mới đối với thí sinh muốn xét tuyển vào các trường sư phạm. Cụ thể, thí sinh muốn xét tuyển vào đại học sư phạm trước tiên phải có học lực giỏi ở lớp 12, còn xét tuyển vào trường cao đẳng sư phạm, hoặc hệ cao đẳng sư phạm phải có học lực khá trở lên ở lớp 12. Ngoài ra Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra mức điểm sàn để làm căn cứ xét tuyển vào ngành sư phạm, điểm sàn được đưa ra dựa trên kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Lịch thi THPT quốc gia năm 2018

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,969,068       2/879