Xã hội

Tạo động lực cho học sinh sáng tạo

Từ sự khơi dậy khả năng sáng tạo của người thầy, nhiều học sinh đã mạnh dạn bước ra ngoài những trang sách giáo khoa và làm được nhiều điều hơn cả giáo viên mong đợi...

STRONG>

Học sinh Trường THPT Tam Phước trải nghiệm các thiết bị in 3D hiện đại từ chương trình tư vấn hướng nghiệp của các trường đại học đưa đến.
Học sinh Trường THPT Tam Phước trải nghiệm các thiết bị in 3D hiện đại từ chương trình tư vấn hướng nghiệp của các trường đại học đưa đến.

Nguyễn Ngọc Phương Anh và Thái Quỳnh Như (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) dù mới học lớp 12 nhưng đã có đề tài khoa học khá “nặng ký” là “Đánh giá hiệu quả ức chế của D-Limonene trên tế bào ung thư vú”.

* Bước ra khỏi sách giáo khoa

Ngày 16-3, đoàn học sinh Đồng Nai gồm 6 đội tuyển sẽ tham dự hội thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc tại Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Hội thi diễn ra từ  ngày 17 đến 20-3 với 34 đơn vị tham gia dự thi, trong đó có 32 sở GD-ĐT từ Đà Nẵng trở vào cùng Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh và Trường đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

Đề tài này của Phương Anh và Quỳnh Như được trao giải nhất hội thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh đầu năm 2018 vừa qua và là đề tài được chọn dự hội thi khoa học - kỹ thuật học sinh trung học toàn quốc.

Quỳnh Như cho hay: “Nhóm ấp ủ đề tài này gần 3 năm nay. Năm 2017 nhóm viết xong đề cương đã gửi đến một số phòng nghiên cứu sinh học phân tử một số viện và trường đại học để xin làm thí nghiệm, nhưng bất thành. Chỉ khi nhóm tiếp cận được với ThS. Nguyễn Kim Thạch, Phó trưởng bộ môn Hóa Sinh - sinh học phân tử Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) mới được nhận cho làm thí nghiệm”.

Nhờ sự đỡ đầu của ThS. Thạch mà Phương Anh và Quỳnh Như đã có cơ hội thực hiện đề tài tại phòng thí nghiệm hiện đại của Trường đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch 3 buổi/tuần.

ThS.Thạch cho biết: “Lần đầu tiên tôi thấy 2 học sinh phổ thông có mong muốn thiết tha được đến phòng thí nghiệm của một trường đại học để nghiên cứu đề tài khoa học. Điều này khá hiếm gặp và tôi thấy như vậy là rất đáng quý. Khi Phương Anh và Quỳnh Như quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng một cách rất nghiêm túc, tôi đã hỗ trợ ngay và kết quả nghiên cứu của 2 em được đánh giá rất cao”.

Là 2 học sinh ở huyện miền núi Tân Phú còn khó khăn nhưng Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Văn Dương (Trường THPT Đoàn Kết) đã mày mò viết ra phần mềm thông minh giúp thầy cô chấm bài thi trắc nghiệm nhanh và chính xác.

Khi điện thoại được cài đặt phần mềm của Đức và Dương viết, chỉ cần mở camera của điện thoại thông minh có thể quét và cho ra kết quả chấm chính xác 100%. Tốc độ quét và cho ra kết quả bài thi chỉ từ 1-3 giây, học sinh dùng viết chì hay mực để tô đáp án thì đều phát hiện được.

Đức và Dương còn ấp ủ phát triển phần mềm lên mức độ cao cấp hơn để có thể chuyển giao cho thầy cô trong và ngoài trường sử dụng không chỉ để chấm bài nhanh mà còn nhiều chức năng mới, như: trộn đề thi từ ngân hàng câu hỏi, giúp giáo viên và ban giám hiệu quản lý điểm…

Thầy Nguyễn Đình Dũng, giáo viên Công nghệ Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Long Thành), chia sẻ trong điều kiện thiết bị phục vụ dạy học còn hạn chế, phần lớn giáo viên còn đang phải “dạy chay” thì người giáo viên tâm huyết vẫn có thể khởi gợi cho học sinh tinh thần sáng tạo.

Ngày nay giáo viên ngoài dạy lý thuyết còn có thêm những clip minh họa trình chiếu cho học sinh tham khảo thêm, đặc biệt là có thể tận dụng nhiều vật liệu bán sẵn trên thị trường hay phế liệu để làm ra sản phẩm như trong sách giáo khoa hướng dẫn với sự hỗ trợ của giáo viên.

* Đồng hành cùng học sinh

Thầy Phan Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa), được xem là người có vai trò lớn hình thành nên những phương tiện phục vụ giảng dạy hiện đại cho giáo viên và học sinh hưởng thụ.

Thầy Vinh cho biết năm 2015 sau khi được Sở GD-ĐT cho chủ trương, nhà trường đã đầu tư số tiền lớn mua sắm máy quay, âm thanh và ánh sáng, thiết bị cách âm… để hình thành một phim trường ảo. Từ phim trường này, các giáo viên thu hình những bài giảng mẫu của mình và học sinh có thể tham khảo những bài giảng mẫu này để hiểu sâu hơn về kiến thức học trên lớp.

“Học sinh rất thích thú khi không chỉ được nghe cô giáo giảng trên lớp mà còn được theo dõi những bài giảng trên màn hình và có thể xem lại bất cứ ở đâu, khi nào” -  Thầy Vinh nói.

Nhờ sự hỗ trợ và dẫn dắt của giáo viên các bộ môn, đến nay Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom) đã thành lập được Câu lạc bộ ươm mầm khoa học - kỹ thuật. Câu lạc bộ hình thành hơn 3 năm nay và hoạt động khá sôi nổi, có nhiều đề tài được triển khai từ đề cương thành mô hình thực nghiệm, nếu có tiền đầu tư thì khi hoàn thành có thể ứng dụng vào thực tiễn.

Cụ thể là hệ thống “Điều khiển hệ thống điện tiết kiệm trong phòng học”. Đề tài này do học sinh của trường viết dưới sự hỗ trợ đắc lực của giáo viên công nghệ của trường. Theo đó hệ thống điện chiếu sáng, quạt máy trong phòng học có thể tự mở và tắt theo thời gian biểu của mỗi tiết học, thậm chí hệ thống đèn có thể tự mở hoặc tắt khi có người ngồi ở khu vực đó.

TS. Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng đồng thời là thành viên ban giám khảo hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh nhiều năm liền, chia sẻ: “Qua thực tế, tinh thần sáng tạo và đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông khá phong phú. Tuy nhiên học sinh cần có những “người đỡ đầu” và môi trường trải nghiệm. Để làm tốt điều này thì các trường đại học với thiết bị giảng dạy đa dạng, hiện đại có thể kết nối với các trường phổ thông toàn tỉnh để học sinh có cơ hội thực nghiệm đề tài. Đây còn là một kênh tốt để vun đắp tinh thần học tập sáng tạo và giúp học sinh hướng nghiệp sớm một cách cụ thể và dễ hiểu”.

Công Nghĩa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,970,588       2/869