Xã hội

Gia tăng số ca nhập viện do tai nạn

Những ngày gần Tết, ở Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất số ca nhập viện do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn rủi ro đã tăng cao, với nhiều ca bệnh rất nặng...

EM>

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết, mọi năm vào những ngày nghỉ Tết mới gia tăng các ca tai nạn giao thông nhưng năm nay khác hẳn, từ đầu tháng 2-2018 đến nay, số ca tai nạn giao thông tăng đột biến, đặc biệt là những ca tai nạn giao thông đa chấn thương, chấn thương sọ não rất nặng, thậm chí tử vong.

* Nhiều ca chấn thương sọ não nặng

Ngày 9-2, anh L.H.T, 25 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu được chuyển tới Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng hôn mê, dãn đồng tử một bên sau tai nạn giao thông.

Bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Khoa Hồ sức, tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khám bệnh cho bệnh nhân L.V.D.
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Khoa Hồ sức, tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất khám bệnh cho bệnh nhân L.V.D.

Kết quả chụp CT scanner cho thấy, bệnh nhân bị dập phù não, máu tụ dưới màng cứng bán cầu não trái. Các bác sĩ Khoa ngoại thần kinh đã tiến hành phẫu thuật lấy máu tụ, giải áp bán cầu não trái. Hiện bệnh nhân vẫn còn rất nặng, hôn mê và đang được điều trị hồi sức, tích cực.

Trước đó vào đêm 8-2, L.H.T đi ăn tất niên về nhà và đã bị tai nạn giao thông được chuyển lên Trạm y tế phường Bửu Long và Bệnh viện ITO Sài Gòn – Đồng Nai cấp cứu.  

Vào ngày 3-2, anh P.B.T, 21 tuổi, ngụ tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cũng bị tai nạn giao thông đa chấn thương rất nặng: vỡ lách, vỡ thận, vỡ gan, chấn thương sọ não, sốc nặng do mất máu. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã phải triển khai báo động đỏ trong cấp cứu để huy động các bác sĩ trưởng khoa về cứu sống bệnh nhân T. bằng phương pháp phẫu thuật cắt lách, cắt thận trái, khâu gan, truyền hơn 3,5 lít máu. Hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân T. tuy đã qua nguy kịch nhưng vẫn chưa hồi phục, đang được điều trị tan máu bầm ở sọ não.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cho biết thêm: “Chưa có thời điểm nào tôi phải mổ sọ não có số lượng nhiều như hiện nay, có ngày tôi phải mổ 8 ca chấn thương sọ não, tình trạng lại rất nặng nề như: máu tụ dưới màng cứng, dập não, phù não…”.

Các bác sĩ Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân L.H.T
Các bác sĩ Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Đồng Nai phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân L.H.T

Đa số bệnh nhân đều bị tai nạn giao thông còn trẻ, trong độ tuổi lao động và đều có nồng độ cồn trong máu cao. Điều đáng nói, khi bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não, bệnh nhân say rượu thường nôn ói gây sặc đường thở, công tác cấp cứu tại hiện trường còn hạn chế sẽ khiến nạn nhân bị thiếu ô xy não lâu, khiến tình trạng chấn thương sọ não nặng nề hơn, dù có phẫu thuật sọ não cứu sống nhưng cũng để lại nhiều biến chứng.

* Phòng ngừa tai nạn rủi ro

Bên cạnh những ca tai nạn giao thông, trong những ngày cận Tết số ca cấp cứu do tai nạn rủi ro, tai nạn lao động cũng có xu hướng tăng , nhiều ca chấn thương nặng nề.

Nhập viện vì tai nạn giao thông tăng đột biến

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, từ đầu tháng 2-2018 đến ngày 10-2, bệnh viện đã cấp cứu cho gần 2 ngàn ca, trong đó có hơn 400 ca tai nạn giao thông (nhưng có đến hơn 200 ca chấn thương đầu mặt và chấn thương sọ não), có 6 ca tử vong do tai nạn giao thông tại bệnh viện. Bệnh viện đã 10 lần thực hiện báo động đỏ toàn bệnh viện trong cấp cứu để cứu các ca bệnh nặng, đa chấn thương…

Đơn cử như trường hợp ông N.T.D, 55 tuổi, ngụ tại huyện Cẩm Mỹ bị té ngã từ trên cao khi đang hái tiêu khiến ông bị gãy đốt sống cổ C1, C2, gãy cẳng tay, gãy xương đùi, xương sườn, dập phổi, tràn khí màng phổi, chảy máu nhiều, suy hô hấp. Sau khi cấp cứu và hồi sức cho bệnh nhân D. qua cơn nguy kịch, Bệnh viện đa khoa Thống đã chuyển ông D. lên tuyến trên để điều trị.

Tương tự, bệnh nhân L.V.D, 42 tuổi, ngụ tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom cũng bị chấn thương nặng do bị nguyên cây sắt đổ vào thành ngực bên phải khi đang làm trong xưởng sắt. Hậu quả, khiến ông D. bị gãy đa xương sườn, dập phổi. Hiện ông D. đang được điều trị hồi sức, tích cực tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất trong tình trạng còn rất nặng, đau đớn do phải nằm cố định một thời gian dài để xương sườn và các nhu phổi tự liền. Hiện tại, ông D. đang được các bác sĩ đặt nội khí quản để thở máy, sử dụng thuốc an thần, giảm đau…

Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó trưởng khoa Hồi sức, tích cực – chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bên cạnh tai nạn giao thông, các ca bệnh nặng hiện nay chủ yếu do tai nạn rủi ro, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt do vội vã, bất cẩn, nhất là đối với những người làm nghề xây dựng, làm ở các công trình, nhà xưởng và dọn dẹp nhà cửa. Hậu quả nhiều ca té ngã bị gãy cột sống, gãy xương… Do đó, người lao động khi phải làm việc trên độ cao cần chú ý phải tập trung, đừng cố với khi ở trên cao rất dễ mất thăng bằng; kê thang chắc chắn, có điểm tựa vững vàng; có dây bảo hộ khi phải leo trèo, làm việc trên cao…để phòng ngừa tai nạn rủi ro có thể xảy ra, để đón một mùa xuân mạnh khỏe, vui tươi bên gia đình.

Anh Thư

  1. Bs Long:
  2. So nao DN: .
Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,978,264       1/899