Những ngày qua, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh, huyện, xã đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm và phát hiện nhiều sai phạm.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh kiểm tra một cơ sở sản xuất giò chả ở TP.Biên Hòa. Ảnh: A.Thư |
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh do Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đồng Nai (trực thuộc Sở Y tế) làm trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất Cơ sở sản xuất và kinh doanh bánh mì Tuấn Mập (ở KP.6, phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) phát hiện khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm của cơ sở này không đảm bảo vệ sinh.
* Không đảm bảo vệ sinh, nguồn gốc
Khu vực sơ chế và chế biến của Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì Tuấn Mập sát nhà vệ sinh; tường khu vực sơ chế bị bong tróc, khu vực chế biến bề bộn; chưa có bàn để sơ chế thực phẩm; bảo quản thực phẩm không đúng quy định (thực phẩm chín bỏ chung với thực phẩm sống trong tủ cấp đông). Nhân viên tham gia sản xuất, chế biến không được trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ lao động; chưa có vòi rửa tay, xà phòng trong khu vực chế biến...
Cẩn trọng khi sử dụng thức ăn đường phố Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đồng Nai, khuyến cáo trong những ngày tết, nhu cầu sử dụng thức ăn đường phố tăng cao. Do đó khi sử dụng thức ăn đường phố cần chú ý chọn cửa hàng cách xa nguồn ô nhiễm, cống rãnh, rác thải; chọn nơi có chỗ sơ chế, chế biến thực phẩm sạch sẽ, dụng cụ chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, người trực tiếp chế biến thực phẩm có trang phục sạch sẽ, nguồn nước sử dụng không bị ô nhiễm… để phòng ngừa các bệnh rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm trong những ngày tết. |
Trước tình hình các quán trà sữa mọc lên như nấm ở TP.Biên Hòa, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở nấu hạt trân châu Sencha Tea (ở KP.2, phường Tam Hiệp).
Tại đây, chủ cơ sở chưa xuất trình được các hợp đồng, hóa đơn, giấy tiếp nhận bản công bố, giấy xác nhận công bố nguồn gốc bao bì, nguyên liệu thực phẩm (trà, hạt trân châu trắng, hạt trân châu đen, phô mai, tinh bột sắn, bột kem không sữa…), phụ gia thực phẩm đang sử dụng; chưa có nhãn hàng hóa đối với nguyên liệu trà, hồng trà hiện đang sử dụng. Cơ sở này cũng chưa xuất trình được giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe của chủ cơ sở và nhân viên.
Tại Cơ sở Kim Bình sản xuất và mua bán chả cá, cá xay sẵn, tôm viên, bò viên, mực viên, hải sản (ở phường Hố Nai, TP.Biên Hòa), đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh đã phát hiện 14 gói sản phẩm có ngày sản xuất ghi trên nhãn sản phẩm chưa đúng theo thực tế sản xuất.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh kiểm tra một quán ăn ở TP.Biên Hòa vi phạm quy định để chung thực phẩm sống và thực phẩm chín trong tủ cấp đông. |
Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở này cũng chưa xuất trình được hợp đồng, hóa đơn, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của nguyên liệu (thịt cá basa, thịt bò, bột bắp, tôm, bột mì), giấy xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm của phụ gia dùng để sản xuất thực phẩm; kết quả kiểm nghiệm định kỳ của các sản phẩm đang sản xuất, kinh doanh.
* Xử lý nghiêm các sai phạm
Ông Nguyễn Văn Hữu, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Đồng Nai, cho biết trong đợt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm cao điểm Tết Nguyên đán 2018 tập trung vào các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết và mùa lễ hội, như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả... các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán cho thấy một số vi phạm thường gặp là các cơ sở không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu thực phẩm đầu vào, nguồn gốc của các chất phụ gia; điều kiện vệ sinh của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức của người chế biến thực phẩm cũng chưa cao… từ đó tạo nguy cơ về ngộ độc thực phẩm rất cao từ nguồn thực phẩm nhiễm khuẩn và các chất phụ gia có chứa hóa chất độc hại.
Theo ông Nguyễn Đình Minh, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của tỉnh, đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm đều bị lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định hoặc chuyển hồ sơ cho Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng địa phương giải quyết theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, khó khăn hiện nay là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh quá nhiều, trong khi lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm còn mỏng. Do đó, vai trò của người tiêu dùng trong dịp tết vẫn quan trọng hàng đầu. Cần lựa chọn thực phẩm ở những cơ sở có uy tín, có thương hiệu, nhãn mác, hạn sử dụng để đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe trong những ngày nghỉ tết.
Anh Thư