Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) để tạo nền tảng phát triển đất nước, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang loay hoay với quy hoạch phát triển NLTT. Có quá nhiều rào cản cần tháo gỡ và hướng đi cho tương lai cần được xác định…
Phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) để tạo nền tảng phát triển đất nước, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang loay hoay với quy hoạch phát triển NLTT. Có quá nhiều rào cản cần tháo gỡ và hướng đi cho tương lai cần được xác định…
TIN LIÊN QUAN
* Những trói buộc
Trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017 (từ 24-8 đến 30-8-2017) khởi động tại Hà Nội và Cần Thơ. Tại hội thảo “Chiến lược, triển vọng phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050” nhiều chuyên gia cho rằng, còn quá nhiều rào cản khiến việc đầu tư NLTT mãi ì ạch, khai thác nhỏ chưa xứng với tiềm năng.
Điện gió ở Bạc Liêu (Ảnh Phan Thanh Cường) |
Rào cản đầu tiên được chuyên gia đề cập đến, đó là rào cản bởi cơ chế. Theo TS. Hoàng Xuân Quốc, Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Tổng công ty Khí Việt Nam), thời điểm hiện tại, chi phí cho dự án phát triển NLTT khá cao, lại phải lựa chọn khu vực thuận lợi để khai thác hiệu quả nguồn cung, xây dựng cơ sở hạ tầng thích hợp… Trong khi đó, giá NLTT thấp hơn và giá thành đầu tư cho NLTT lại cao hơn so với giá các năng lượng khác. Do đó, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh khung giá thích hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Chẳng hạn như tỉnh Bình Định, nơi có tiềm năng phát triển NLTT lớn nhất nhì cả nước, hiện có 2 dự án điện gió là Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai I và Dự án Nhà máy Phong điện Phương Mai III, dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cả chục năm nay nhưng vẫn “án binh bất động” vì vướng cơ chế. Còn ở TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có 1 dự án xử lý chất thải rắn có kết hợp với thu hồi năng lượng để phát điện vì nhiều nhà đầu tư không mặn mà do cơ chế phức tạp. Riêng tại Bình Thuận, dù có tới 9 dự án điện gió được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, nhưng đến nay cũng mới chỉ có 3 dự án đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang được triển khai với tiến độ rất chậm.
Từ thực tế, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng – Bộ Công thương) đã chỉ ra những vướng mắc cụ thể: “Cơ chế, chính sách và các quy định hành lang cho lĩnh vực NLTT còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ. Việc chi phí đấu nối vào hệ thống điện quốc gia cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, chúng ta còn thiếu kinh nghiệm phát triển đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề cho các dự án NLTT; thiếu thông tin, cơ sở dữ liệu không đủ tin cậy… đã ảnh hưởng tới tiến độ và việc mở rộng dự án phát triển NLTT trong cả nước”.
Rào cản đáng kể nhất là vấn đề giá điện. Chính sách của Nhà nước hỗ trợ về giá để phát triển NLTT chưa đủ mạnh, một số cơ chế, chính sách chưa được ưu đãi, trong đó quan trọng nhất là giá bán điện còn thấp, đã không khuyến khích các nhà đầu tư vào sản xuất NLTT. Trong khi phát triển NLTT như: điện gió, mặt trời, sinh khối… là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng giá bán điện thấp khiến các nhà đầu tư kém mặn mà. Thêm vào đó, những khó khăn về thủ tục khiến các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất vay còn cao nên làm nản lòng nhà đầu tư đầu tư.
Một rào cản khác nữa là công nghệ cũng được ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chỉ ra: “Khó khăn lớn nhất với NLTT ở Việt Nam là vấn đề công nghệ. Lưu điện để bảo đảm ổn định tần số điện rất cần công nghệ lưu điện bằng pin lithium, nhưng hiện nay chúng ta không đủ khả năng để sản xuất. Hầu như công nghệ trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về máy móc, thiết bị cho các ngành năng lượng mới, các nhà đầu tư hầu như phải nhập khẩu công nghệ và thiết bị từ nước ngoài”.
Ngoài ra, hàng loạt cơ chế khác như cơ chế hạn ngạch (định mức chỉ tiêu), cơ chế giá cố định, cơ chế đấu thầu, cơ chế cấp chứng chỉ cũng chưa rõ ràng, hợp lý… cũng được chỉ ra và chính đây là những khó khăn khiến cho hoạt động đầu tư, phát triển NLTT như bị trói buộc.
* Xác định hướng đi cho tương lai
NLTT là giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai, đồng thời giúp chống lại biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt Nam cần tháo dỡ nút thắt cản trở sự phát triển NLTT cũng như xác định hướng đi cho tương lai.
Có cơ chế hỗ trợ đối với những doanh nghiệp sản xuất các linh kiện phục vụ lắp đặt, sử dụng năng lượng mặt trời |
TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật (Bộ Công Thương) đặt vấn đề: Từ nhiều năm nay, Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư làm năng lượng tái tạo nhưng thực tế, kết quả triển khai lại rất khiêm tốn là vì giá điện của Việt Nam vẫn thuộc diện bao cấp, chưa theo cơ chế giá thị trường. Thế nên khi làm năng lượng, người ta sẽ tìm đến các nguồn năng lượng giá rẻ, năng lượng truyền thống với suất đầu tư thấp, lợi nhuận lại cao thay vì đầu tư vào NLTT với suất đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn thấp. Vì thế, giải quyết cơ chế về giá phải được ưu tiên hàng đầu.
Góp ý cho vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam: Để phát triển NLTT cần một chiến lược tổng thể, dài hơi, kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp theo hướng kết hợp công - tư. Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam nhìn nhận: “Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần rà soát, loại bỏ những dự án không hiệu quả, đồng thời vực dậy, tăng tốc cho các dự án có tính khả thi cao và điều chỉnh giá điện ở mức hợp lý. Cùng với đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dự án NLTT. Ngoài ra, đã đến lúc phải có cơ chế riêng, thậm chí phải sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo.
Theo khuyến nghị PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ): “Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp NLTT, như: Cơ chế hạn ngạch, giá cố định, cơ chế đấu thầu và cần có sự công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân, tránh sự độc quyền; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này; đồng thời thu hút đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực NLTT tại Việt Nam”.
Thực hiện chiến lược phát triển nguồn NLTT cũng như đưa ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đạt được những cam kết công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đối khí hậu (UNFCCC) cũng như cam kết giảm phát thải tại COP21 Paris, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đổi sang hệ thống năng lượng hiệu quả hơn với tỷ trọng các nguồn NLTT lớn hơn và ít phát thải hơn, thay vì phụ thuộc vào hệ thống năng lượng thiên về nhiên liệu hóa thạch.
Để đạt được điều này, theo GreenID, Việt Nam cần thực hiện 4 hành động ưu tiên sau: Tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động; Cần khẩn trương thực thi các chính sách khuyến khích cạnh tranh và sự tham gia bình đẳng của các thành phần kinh tế trong xã hội, để đầu tư ngay vào các dự án NLTT và thúc đẩy tăng các nguồn vốn đầu tư cho NTT trong thời gian tới; Dừng đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện than mới và nhà máy điện hạt nhân, đồng thời đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ khi chúng đã hết khấu hao; cuối cùng là Ưu tiên hỗ trợ các giải pháp NLTT độc lập thay vì mở rộng lưới điện cho các cộng đồng chưa được nối lưới ở Việt Nam
Phương Liễu