Xã hội

Học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV: Vượt qua khó khăn

Ngày 5-12 tới đây, Báo Đồng Nai tổ chức trao học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tài trợ. Sẽ có 100 học sinh bậc tiểu học và THCS được tiếp tục nhận học bổng lần này.

Ngày 5-12 tới đây, Báo Đồng Nai sẽ tổ chức trao học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) tài trợ. Sẽ tiếp tục có 100 học sinh bậc tiểu học và THCS được nhận học bổng với số tiền 2 triệu đồng/suất. Học bổng nhằm tạo thêm động lực cho học sinh nghèo vượt qua khó khăn trên hành trình hướng tới tương lai tươI sáng phía trước.

Con đường đến trường của em Phùng Hoàng Thủy Tiên phải vượt qua  2 con suối. Ảnh: C.Nghĩa
Con đường đến trường của em Phùng Hoàng Thủy Tiên phải vượt qua 2 con suối. Ảnh: C.Nghĩa

Từ số này, Báo Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số gương mặt tiêu biểu sẽ nhận học bổng lần này.

* Cô học trò mồ côi

Bà Nỉ A Mùi (ở ấp 11, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) năm nay ngoài 66 tuổi, sức đã yếu, hoàn cảnh lại khó khăn nhưng phải đùm bọc thêm cháu ngoại Phùng Hoàng Thủy Tiên mồ côi cha mẹ, hiện là học sinh lớp 7 tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ).

Để vào được căn nhà của bà Mùi và Thủy Tiên đang sinh sống, phải vượt qua gần 2km đường gập ghềnh đá ong và lội qua 2 con suối. Bà Mùi chia sẻ: “Mấy hôm nay trời không có mưa, suối cạn nước nên lội qua được, chứ có ngày mưa lớn liên tục, nước suối dâng cao thì chỉ biết đứng nhìn chứ không dám đi qua”.

Bà Mùi kể: “Cha mẹ Thủy Tiên quen nhau trong thời gian làm công nhân ở Bình Dương rồi sinh cháu. Đến khi cháu được 2 tuổi, cha qua đời vì tai nạn giao thông. 4 năm sau thì mẹ bị ung thư phổi rồi qua đời khiến cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ”.

Làm theo lời trăn trối gửi gắm của con gái trước khi qua đời, bà Mùi đã đón Thủy Tiên từ Bình Dương về chăm sóc nuôi nấng cho đến nay.

Chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống nhưng không vì thế mà Thủy Tiên đầu hàng số phận. Từ lớp 1 đến lớp, 6 em đều nỗ lực để được công nhận là học sinh tiên tiến. Trong lớp, em là học sinh năng động, tự giác trong học tập và còn biết giúp đỡ bạn bè trong học tập.

Khi được hỏi vệ sự quan tâm của mọi người dành cho em, Thủy Tiên cho hay: “Ngoài sự đùm bọc của ông bà, cậu mợ, em còn nhận được rất nhiều sự quan tâm của thầy cô, bạn bè trong lớp. Những sự quan tâm đó luôn làm em cảm thấy ấm lòng, vơi bớt đi sự thiệt thòi, bất hạnh”.

* Hoàn cảnh khó khăn của Thắng

Dù đã là học sinh lớp 5 nhưng em Lê Văn Thắng (lớp 5/6 Trường tiểu học An Hòa, TP.Biên Hòa) chỉ mới nặng 23kg, là học sinh nhỏ nhất lớp. Không những vậy, bản thân em còn thường xuyên đau ốm.

Em Lê Văn Thắng phụ giúp bà ngoại rửa chén.
Em Lê Văn Thắng phụ giúp bà ngoại rửa chén.

Cô Đậu Thị Mỹ Long, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết gia đình Thắng có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Bà ngoại Thắng có 7 người con nhưng 1 người mất, 1 người ở xa, còn lại đang ở với bà. Trong số đó, có 3 người bị ảnh hưởng của chất độc hóa học, thần kinh không ổn định, có người bị khuyết tật phải ngồi xe lăn. Mẹ của Thắng thần kinh cũng không ổn định, thường xuyên đi lang thang ngoài đường...

Để trang trải cuộc sống cho 10 người vừa bệnh vừa đang tuổi ăn học, hàng ngày bà ngoại Thắng nay đã ở tuổi 68 vẫn phải đi lượm ve chai, đi xin đồ ăn thừa để bán cho những hộ chăn nuôi heo. Số tiền kiếm được khoảng 70 ngàn đồng/ngày được chia ra các khoản mua gạo, mua thức ăn cho cả nhà.

Tuy nhiên, với 4 đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, khoản tiền nhỏ bé đó chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu rất nhỏ của các em. Riêng với Thắng, do không có tiền để đi khám, chữa bệnh nên thi thoảng lại đau tai, đau mắt, đau đầu, sốt cao.

Từ năm 2001 đến nay đã có 2.216 học sinh được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó có 7 lần tổ chức đầu do Công ty TNHH Happy Cook Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) tài trợ, từ lần thứ VIII cho tới nay đều do Công ty cổ phần ô tô Trường Hải tài trợ.

Thương hoàn cảnh của Thắng nên nhà trường đã miễn hết tất cả các khoản đóng học, mua thẻ bảo hiểm y tế cho em cũng như các anh chị của Thắng. Các cô giáo trong trường cũng thường xuyên giúp đỡ Thắng. Có cô thì cho sách vở, cô thì cho quần áo, bánh kẹo. Có chương trình học bổng gì, nhà trường cũng ưu tiên Thắng trước, để em an tâm, vui vẻ đến trường.

Cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Xuân cho hay Thắng rất ngoan ngoãn, chăm học. Mặc dù sức khỏe không tốt nhưng luôn cố gắng đi học, cố gắng tiếp thu bài giảng.

“Bản thân tôi rất cảm ơn Báo Đồng Nai và các mạnh thường quân vì thường xuyên quan tâm đến những học sinh nghèo. Số tiền 2 triệu đồng tuy không quá lớn với nhiều người, nhưng với gia đình Thắng, số tiền đó rất có giá trị, giúp bà ngoại trang trải phần nào cuộc sống thường nhật, có tiền đi khám, chữa bệnh cho Thắng, giúp anh em Thắng vững bước hơn mỗi khi đến trường” - cô Xuân chia sẻ.

* Em muốn được đi học

Đó là chia sẻ của em Nguyễn Cửu Hưng (học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) khi nói về mong ước được đến trường của mình.

Em Nguyễn Cửu Hưng (học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cùng cha trên đường đi học về.
Em Nguyễn Cửu Hưng (học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) cùng cha trên đường đi học về.

“Ngày nào được đi học có bạn, có thầy cô em cũng thấy vui. Lúc bệnh phải nghỉ học em rất buồn”- Cửu Hưng nói. Bởi, bản thân Cửu Hưng khi mới sinh ra đã mắc bệnh về tủy sống, thiếu máu nên sức khỏe em rất yếu, phải thường xuyên đến bệnh viện chữa trị.

Hoàn cảnh gia đình Cửu Hưng lại nghèo, bố mẹ đều làm thuê làm mướn. Gần đây mẹ em lại phát hiện mắc bệnh nan y nên điều trị tại bệnh viện dài ngày. Ba em, dù thương vợ nhưng phải nhờ người cùng phòng bệnh trông chừng, mua đồ ăn nước uống khi vợ cần để ban ngày đi làm phụ hồ để kiếm tiền thuốc thang, ăn uống cho cả nhà.

Vậy nên, mỗi khi ở nhà Cửu Hưng đều tự lo cho bản thân từ việc học hành, vệ sinh cá nhân và phụ giúp làm việc nhà để ba mẹ không phải lo nghĩ nhiều. Theo thầy Lý Trần Phú Hòa, giáo viên Trường THCS Trà Cổ, gặp hoàn cảnh như vậy nhưng Cửu Hưng rất chăm học và ngoan nên ai cũng thương yêu em.

Khi biết tin Cửu Hưng được nhận học bổng Vượt khó vì tương lai lần thứ XV, do Báo Đồng Nai trao tặng ai cũng mừng cho em. Với hoàn cảnh như Cửu Hưng thì giá trị học bổng không chỉ lớn về vật chất mà còn là sự động viên cho em và gia đình.

* Cô học trò nghèo và ước mơ làm công an

Theo chân cô Trần Thị Tú Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 9/4 Trường THCS Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) vượt qua 2km đường đất đá gồ ghề, bụi bặm chúng tôi đến với gia đình em Trịnh Hoàng Nhung, ở KP.2, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).

Em Trịnh Hoàng Nhung chuyên cần học tập.
Em Trịnh Hoàng Nhung chuyên cần học tập.

Căn nhà cấp 4 được xây dựng đã lâu nên mọi thứ đều đã cũ kỹ, chưa kể chiều cao căn nhà khá khiêm tốn, lại lợp bằng tôn nên trời nắng ở trong nhà rất oi bức. Thế nhưng, đó lại là nơi mà cả gia đình em Trịnh Hoàng Nhung sinh sống nhiều năm nay.

Hoàn cảnh gia đình em cũng không khá hơn. Nhung kể, cha em làm thuê công việc không ổn định, hay chán nản, rượu chè. Anh trai bị bệnh viêm màng não, thỉnh thoảng lên cơn đập phá đồ đạc nên không thể lao động. Còn mẹ trước đây làm nghề mua bán ve chai nhưng cách đây mấy năm bị tai nạn, việc đi lại trở nên khó khăn nên xin vào làm tạp vụ trong Công ty TNHH sản xuất giày Đồng Nai Việt Vinh (Khu công nghiệp Sông Mây).

Mẹ của Nhung, bà Phan Thị Hân, chia sẻ thấy cha mẹ vất vả, Nhung nhiều lần xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền nhưng bà quyết tâm dù có phải đi lượm ve chai vẫn sẽ cố gắng cho Nhung đi học. Mỗi ngày, sau khi chở mẹ đến chỗ đón xe đi làm, Nhung đạp xe một mạch đến trường, lấy sách vở ôn lại bài cũ, xem bài mới trong thời gian chờ đến giờ học. Thời gian rảnh, Nhung tự học ở nhà, tranh thủ phụ cha mẹ việc nhà, đi cắt cỏ bò, dạy em học bài.

Nói thêm về học trò nhỏ,  cô Trần Thị Tú Nga cho hay Nhung là học trò ngoan, chăm chỉ. “Với sự chăm chỉ, chịu khó hiện tại của Nhung và nếu như có được sự quan tâm của gia đình, hỗ trợ từ cộng đồng, ước mơ trở thành người công an nhân dân mà Nhung từng chia sẻ với tôi sẽ trở thành hiện thực” - cô Nga nói.

Nhóm P.V VHXH

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,998,838       2/1,523