Nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng tuổi của người dân rất lớn, nhất là lao động xa quê không có người thân ở gần hỗ trợ. Do không thể gửi con vào các trường mầm non đủ tin cậy nên nhiều bậc cha mẹ phải gửi vào các nhóm trẻ gia đình để đi làm.
Một nhóm trẻ tại xã Hóa An (TP.Biên Hòa) có tới 20 trẻ và 3 bảo mẫu nhưng diện tích sàn nhà sinh hoạt chưa đầy 20m2. Ảnh: C.Nghĩa |
Chị Nguyễn Thị Nhâm, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), sinh con được 6 tháng thì phải gửi để đi làm vì hết thời gian nghỉ thai sản. Chị cho hay: “Con còn nhỏ nhưng tôi phải gửi để đi làm. Mấy ngày đầu vì chưa quen nên bé bị bệnh, quấy khóc quá, tôi đành nghỉ phép để chăm rồi lại gửi tiếp…”.
* Lo cũng phải gửi
Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết thời gian qua sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT tiến hành kiểm tra và rà soát lại các nhóm trẻ gia đình. Với các nhóm trẻ không đủ các điều kiện thì buộc phải ngưng hoạt động. Với những nhóm có số lượng trẻ đông, sở sẽ tạo điều kiện nâng cấp thành trường mầm non để đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ được tốt hơn trong bối cảnh còn thiếu trường mầm non. Bên cạnh đó, sở cũng tạo điều kiện để tư nhân tham gia xây dựng trường học, nhất là trường mầm non. |
Theo chị Nhâm, Nhà nước chỉ cho nghỉ thai sản 6 tháng, còn các trường mầm non thường không nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi là một khó khăn với các bậc cha mẹ.
Nơi chị Nhâm gửi con là một căn nhà cấp 4 có 2 gian nằm trong hẻm, gian ngoài khoảng 20m2 là nơi vui chơi, ăn uống và ngủ của hơn 20 trẻ, còn gian trong chật hẹp hơn là nhà vệ sinh, bếp và chứa đồ.
Khi được hỏi gửi con ở nơi chật chội như vậy chị có lo lắng không, chị Nhâm cho biết: “Lo lắng là đương nhiên nhưng tôi không có sự lựa chọn nào khác”.
Ở các khu dân cư đông công nhân ở trọ, nhất là gần các khu công nghiệp, để tìm một điểm giữ trẻ tư nhân từ 6 tháng tuổi trở lên không mấy khó khăn. Chỉ một con hẻm thuộc ấp An Hòa (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) dài chưa đầy 100m đã có tới 4 gia đình nhận trông giữ trẻ.
Còn tại ấp Hương Phước, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) hiện có hàng chục hộ gia đình tổ chức trông giữ trẻ với quy mô từ 5-7 trẻ, có gia đình nhận trông giữ lên tới 20 trẻ. Hay ở một con hẻm thuộc ấp Thanh Hóa, xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) dài khoảng 200m đã có 7 gia đình nhận giữ từ 5-30 trẻ.
Chị Phạm Thị Thảo, công nhân Công ty cao su Kenda (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) hiện ở trọ tại ấp Thanh Hóa (xã Hố Nai 3), cho biết chị không có ông bà nội, ngoại ở gần nên chị đành mang đứa con 8 tháng đi gửi ở nhóm trẻ gia đình.
Gửi con ở nhóm trẻ gia đình trong điều kiện chật chội, người coi giữ lớn tuổi, chậm chạp nên chị Thảo không thể yên tâm, vừa đi làm vừa lo, chỉ mong sớm tan ca đón con về nhà lúc nào yên tâm lúc ấy.
Một gia đình trưng dụng căn nhà cấp 4 thành điểm giữ trẻ gia đình, được Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cấp phép hoạt động. |
* Tiềm ẩn mất an toàn với trẻ
Dù điều kiện nhận trông giữ trẻ không mấy đảm bảo nhưng hàng tháng các bậc cha mẹ có con nhỏ gửi tại các nhóm trẻ gia đình vẫn phải đóng một khoản tiền không mấy chênh lệch so với những trường mầm non đảm bảo về chất lượng.
Trong đó, gửi một trẻ nhỏ 6 tháng tuổi, cha mẹ phải đóng khoảng 1,7 triệu đồng/tháng, từ 1 tuổi trở lên sẽ thấp hơn do các bé bắt đầu biết ngồi, việc ăn uống cũng dễ hơn nên người trông giữ không phải bế ẵm nhiều mà chỉ việc thả xuống sàn nhà cho trẻ tự chơi với nhau.
Theo tìm hiểu, điều kiện trông giữ trẻ ở nhiều nhóm trẻ gia đình rất đáng lo ngại. Ngoài không đảm bảo về cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ, thì điều kiện ăn uống của trẻ cũng không mấy vệ sinh. Tại một gia đình nhận trông giữa trẻ ở xã Hóa An (TP.Biên Hoà) tới giờ uống sữa thay vì mỗi bé một bình sữa riêng để bú thì bảo mẫu lại pha chung vào chiếc tô lớn và dùng chung một chiếc muỗng để đút cho trẻ.
Những trẻ 6-8 tháng tuổi sinh hoạt chung với những trẻ đã biết đi, chỉ cần bảo mẫu không để mắt là các trẻ lớn hơn có thể ngã đè lên trẻ nhỏ nằm dưới sàn nhà. Đó là chưa kể tới các mầm bệnh truyền nhiễm có thể lây lan do không đảm bảo vệ sinh như: chân tay miệng, tiêu chảy...
Theo một cán bộ của xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), trên địa bàn xã hiện có nhiều gia đình nhận trông giữ trẻ quy mô từ 5-20 trẻ mỗi gia đình. Có nhiều gia đình đến xã đăng ký và xã đã báo với Phòng GD-ĐT huyện để cấp phép.
Có những nhóm trẻ quy mô lớn hơn đủ điều kiện đã được công nhận thành trường mầm non tư thục. Tuy vậy có nhiều hộ chỉ nhận trông giữ 5-7 trẻ thì không khai báo. Khi tới kiểm tra, họ khai là con cháu trong nhà nên khó mà xử lý.
Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 172 ngàn học sinh mầm non nhưng chỉ có hơn 290 trường mầm non công lập và ngoài công lập, đáp ứng chỗ học cho khoảng 50 ngàn trẻ. Cả tỉnh có gần 920 nhóm trẻ, trong đó 870 nhóm trẻ được cấp phép. Chỉ tính riêng TP.Biên Hòa hiện nay đã có tới gần 600 nhóm trẻ gia đình đang hoạt động. Số nhóm trẻ chưa được các hộ gia đình đăng ký hoạt động chui có thể là không nhỏ.
Công Nghĩa