Toàn tỉnh hiện có gần 29 ngàn doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với gần 996 ngàn người lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia xây dựng thiết chế công đoàn còn rất hạn chế...
Toàn tỉnh hiện có gần 29 ngàn doanh nghiệp được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh với gần 996 ngàn người lao động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia xây dựng thiết chế Công đoàn (như: nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, các công trình văn hóa, thể thao…) phục vụ cho người lao động còn rất hạn chế.
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh; bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial thăm hỏi công nhân bị bệnh nằm điều trị tại phòng khám do Công ty cổ phần Taekwang Vina đầu tư. |
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ngoài việc doanh nghiệp hạn hẹp về kinh phí còn phải kể đến những thủ tục hành chính phức tạp khi triển khai xây dựng các thiết chế Công đoàn khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà.
* Chưa đáp ứng nhu cầu
Ông Đoàn Văn Đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: “Để người lao động an tâm làm việc và cống hiến, các doanh nghiệp cần có thêm nhiều phúc lợi mang tính cạnh tranh hơn nữa. Chúng tôi sẽ đề xuất với các cấp quản lý có những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm với người lao động”. |
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho biết: “Dù là tỉnh đông công nhân trong tốp đầu cả nước, nhưng Đồng Nai vẫn chưa có thiết chế văn hóa nào trong các khu công nghiệp. Để tổ chức các hoạt động văn hóa cho công nhân lao động, các đơn vị thường sử dụng khuôn viên trong trụ sở Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa”.
Thời điểm này, số doanh nghiệp có đầu tư các hạng mục văn hóa, thể thao phục vụ công nhân lao động mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay , nhưng với quy mô nhỏ và không đồng nhất.
Điển hình như Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Công ty Changshin Việt Nam, Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Tập đoàn Phong Thái…
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa, một số doanh nghiệp rất muốn xây dựng các thiết chế Công đoàn để nâng cao phúc lợi cho người lao động nhưng không có quỹ đất sạch, vì quỹ đất trong các khu công nghiệp ở Biên Hòa đã xây dựng các công trình khác kín hết. Do đó, việc người lao động không có thiết chế Công đoàn để hoạt động, vui chơi sau mỗi giờ làm việc căng thẳng vẫn là bài toán chưa có lời giải của nhiều doanh nghiệp.
Còn ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) thì cho hay, công ty vừa tận dụng một phần đất hoặc các phòng trống để làm sân chơi thể thao, phòng tập aerobic cho công nhân giải tỏa căng thẳng sau những giờ làm việc vất vả.
Cũng theo ông Tú, với trách nhiệm của Công đoàn, hơn 1 năm qua Công đoàn cơ sở đã mở một lớp học tiếng Anh và Toán miễn phí cho con của công nhân lao động. Có khoảng 300 cháu từ lớp 6 đến lớp 9 đang theo học ở đây. Vẫn còn khoảng 1 ngàn công nhân cũng đăng ký cho con học nhưng do cơ sở vật chất không đảm bảo nên công đoàn không dám nhận.
"Vì không có quỹ đất nên Công đoàn phải thuê căn nhà cấp 4 có diện tích khoảng 100m2, nằm bên cạnh công ty để mở lớp. Mà đã đi thuê thì có thể bị lấy lại bất cứ lúc nào. Phía Công đoàn cũng như lãnh đạo công ty gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất để xây dựng các thiết chế Công đoàn cho người lao động” - ông Tú bộc bạch.
Con công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam được học tập trong ngôi trường do công ty đầu tư xây dựng - Trường mầm non Những Bông Hoa Nhỏ (xã Hóa An, TP.Biên Hòa). |
* Còn nhiều bất cập
Theo đại diện một số doanh nghiệp trong tỉnh, không phải doanh nghiệp không có thiện chí xây dựng các thiết chế Công đoàn để nâng cao phúc lợi cho người lao động, nhưng việc triển khai gặp phải nhiều khó khăn.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa), cho hay công ty hiện có siêu thị bình ổn giá, nhà trẻ cho con công nhân, phòng khám đa khoa phục vụ công nhân.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, quá trình xin thành lập siêu thị nhiêu khê với rất nhiều thủ tục hành chính. Mặc dù siêu thị ra đời không nhằm mục đích lợi nhuận nhưng đon vị phải chạy vạy khắp nơi, từ cơ quan này đến cơ quan khác để hoàn tất thủ tục. Hay như việc xây dựng trường mầm non cho con công nhân, đơn vị đã có kế hoạch và chủ trương xin đất sạch từ rất lâu nhưng chờ mãi không thấy cơ quan nhà nước cấp đất.
"Cuối cùng, công ty đã phải bớt một phần đất mà doanh nghiệp đã thuê trước đó để xây dựng. Điều này lại vấp phải quy định không được xây nhà trẻ trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Rồi chúng tôi lại phải đi xin chuyển đổi quyền sử dụng đất. Xây trường xong lại phải đi xin giấy phép hoạt động. Để có thể cho ra đời một thiết chế Công đoàn, phía công ty phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính rườm rà” - ông Phúc nói.
Mong muốn của các chủ doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở là các cấp quản lý nhà nước cần tạo điều kiện, có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, giảm bớt thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Bởi doanh nghiệp đã chấp nhận bỏ tiền xây thiết chế Công đoàn phục vụ người lao động mà vấp phải những thủ tục quá rắc rối, nhiêu khê như vậy sẽ rất dễ buông xuôi. Và thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động.
Hạnh Dung