Trong khi bạn bè đồng trang lứa đã tới trường, thì không ít đứa trẻ là con của những lao động tự do nay đây mai đó phải ở nhà tự trông nhau hoặc làm việc nhà phụ giúp cha mẹ.
3 con của vợ chồng anh Trần Văn Thuận tự trông coi nhau trong phòng trọ, không được đến trường.Ảnh: C.Nghĩa |
Vợ chồng anh Trần Văn Thuận (quê ở tỉnh Bạc Liêu) là lao động tự do hết ở Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh rồi Bà Rịa - Vũng Tàu giờ lại đến Đồng Nai. Anh chị có 3 con, 2 đứa lớn đã tới tuổi đi học nhưng đều thất học.
* Ước mơ tới trường
Cách đây vài tháng, gia đình anh Thuận chuyển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến thuê phòng trọ tại phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) để đi làm thợ hồ cho một công trình xây dựng. Căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 10m2, không có đồ dùng sinh hoạt nào đáng giá. Mỗi ngày vợ chồng anh đi làm từ 7 giờ sáng, để 3 con ở nhà tự trông coi nhau.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2016-2017 tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng ở một số trường ngoài công lập khá cao, có trường từ 5-6%. Nguyên nhân là cha mẹ hoàn cảnh khó khăn, học phí các trường ngoài công lập khá cao khiến nhiều em không theo nổi. |
Trần Văn Hải là con trai lớn nhất của vợ chồng anh Thuận, năm nay 13 tuổi, còn người em kế là Trần Văn Thắng năm nay 7 tuổi, nhưng cả 2 chưa biết chữ vì không được đến trường. Khi được hỏi 2 anh em có muốn đi học không, Hải đưa tay gãi đầu rồi trả lời: “Con muốn đi học mà cha mẹ kêu ở nhà trông em”.
Còn Thắng thì cho biết sau này lớn lên muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho em. Hỏi ra mới hay cậu em út chưa đầy 1 tuổi thường bị viêm phế quản, mỗi lần bị bệnh là ho cả tuần mới dứt. Nhưng khi được hỏi em không đến trường, không biết chữ thì sao có thể làm bác sĩ, Thắng chỉ cười với ánh mắt ngây thơ mà không thể trả lời.
Chị Nguyễn Thị Vy, vợ anh Thuận, cho biết cứ làm thuê hết công trình xây dựng ở tỉnh này xong, vợ chồng chị lại cùng các con chuyển tới công trình khác nên không thể ổn định lâu dài để các con đi học. Hơn nữa, vợ chồng chị không có hộ khẩu tại Biên Hòa nên không thể xin cho con đi học trường công, còn học trường tư thì học phí cao không thể lo nổi, mà con út lại không có người trông coi.
* Còn nhiều trở ngại
Huỳnh Thị Thảo năm nay 11 tuổi, cùng với em gái 8 tuổi theo mẹ từ tỉnh Vĩnh Long lên ở trọ tại phường Trung Dũng
(TP.Biên Hòa) kiếm sống nên không có điều kiện đi học tiếp. Hàng ngày chị em Thảo đi bán vé số dạo, còn mẹ thì đi làm vệ sinh cho nhà hàng tại phường Thống Nhất. Nói đến chuyện đi học, Thảo cho biết: “Em đã học hết lớp 5 ở quê, còn em gái học hết lớp 3 thì bỏ học theo mẹ đi làm. 2 chị em cũng muốn đi học lại nhưng không có tiền và đi học thì không thể kiếm tiền phụ mẹ”.
Là cha mẹ ai cũng mong con mình được đến trường một cách bình thường, song với những công nhân tự do nay đây mai đó thì sẽ khó lòng thực hiện được mong muốn bình thường đó. Cha con anh Nguyễn Văn Sang (ở Lâm Đồng), làm nghề bán hoa lan dạo trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc (trước Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa), cho biết: “Con tôi đang học lớp 6 ở một trường ngoài công lập thuộc phường Tân Tiến
(TP.Biên Hòa) nhưng phải bỏ học vì học phí cao quá, không theo nổi nên giờ tôi cho con nghỉ học đi bán hoa dạo. Cũng may là cháu biết đọc, biết viết rồi nên sau này có điều kiện thì tôi sẽ tính chuyện cho con đi học lại”.
Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa, cho biết: “Đầu năm học, Phòng GD-ĐT đã có văn bản gửi đến hội đồng giáo dục các xã, phường để thông báo, tuyên truyền vận động học sinh tới tuổi đến lớp. Do đó tỷ lệ học sinh có hộ khẩu thường trú, tạm trú đến lớp đạt tỷ lệ rất cao. Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi đối tượng học sinh được tới trường, không phân biệt học sinh có hộ khẩu thường trú hay tạm trú”.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT cũng chia sẻ, lao động nhập cư tại Biên Hòa rất đông nên khó tránh khỏi để “lọt” học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình, bươn chải kiếm sống. Dù năm học mới đã bắt đầu từ tháng 8, nhưng đến nay Phòng GD-ĐT vẫn chỉ đạo các trường phải nhận học sinh có nhu cầu đến lớp, không phân biệt hộ khẩu. Trường nào hết khả năng tiếp nhận thì báo về Phòng GD-ĐT để bố trí cho học sinh sang trường khác… Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà trường, còn có sự hỗ trợ của Hội Khuyến học, của cộng đồng và xã hội. Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải có ý thức tạo điều kiện đưa con đến trường.
Công Nghĩa