Xã hội

Cô giáo làng gốm

Nặng tình với những người dân làng gốm Tân Vạn (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) từng cưu mang mình, cô giáo trẻ Đỗ Thị Ánh Tuyết (giáo viên bộ môn Hóa - Sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, phường Tân Vạn) đem hết tâm huyết vào những tiết giảng.

Đối với những học trò nghèo, gia cảnh bất hạnh có ý định bỏ học, câu chuyện tuổi thơ lăn lóc nơi làng gốm của cô giáo Tuyết trước kia làm các trò nhỏ xúc động.

Cô giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết hạnh phúc khi được về giảng dạy ở làng gốm Tân Vạn.
Cô giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết hạnh phúc khi được về giảng dạy ở làng gốm Tân Vạn.

Không họ hàng thân thích, mẹ ruột bị bệnh tâm thần, tuổi thơ của cô giáo Tuyết gắn với chuỗi ngày khổ cực theo mẹ xin ăn, bán vé số, làm gốm, làm gạch thuê ở làng gốm Tân Vạn.

* Ước mơ cổ tích

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa) Đinh Minh Hùng, cái duyên để cô giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết gắn bó với học trò nhỏ làng gốm Tân Vạn vào năm học 2016-2017 khi nhà trường thiếu giáo viên bộ môn Hóa - Sinh. Đó cũng là cơ hội để cô giáo Tuyết được về địa phương giảng dạy và trường được bổ sung một cô giáo tâm huyết, trách nhiệm với học trò.

Hơn 20 năm trước (năm học 1994-1995), ước mơ đầu tiên của cô bé Tuyết là đến 6 tuổi sẽ được vào lớp 1 khi tiếng trống tựu trường nổi lên dồn dập như bao đứa trẻ con em dân lao động nghèo nơi làng gốm Tân Vạn. Rồi cô bé cũng được nhà trường, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học. Trong khi đó, người mẹ bị bệnh tâm thần của cô bé cứ mỗi lần phát bệnh là dắt đứa con gái gầy yếu lang thang ngoài đường.

10 tuổi, cô bé Tuyết đã đủ khôn ngoan tìm cách trốn mẹ, không để bà Ngà (mẹ ruột cô giáo Tuyết) dắt cô bé đi lang thang ngoài đường khi cơn tâm thần tái phát. Cũng cái tuổi ấy, cô bé quen cảnh bữa đói bữa no đi học, phụ việc vặt cho các chủ lò gạch, lò gốm trong vùng. Và cô bé Tuyết cũng có một chút tủi thân khi nhìn bạn bè được cha mẹ dắt tay đến lớp với đồng phục mới, được đưa đón bằng xe máy.

Được đến trường với áo quần, sách vở từ thiện, cô bé Tuyết thích thú nên càng chăm học, chăm làm. Năm lên lớp 6, Tuyết được người đàn bà nghèo bán rau củ và nước đá lẻ ở góc chợ Tân Vạn là Bùi Thị Độ nhận làm con nuôi. Được mẹ nuôi bù đắp cho những điểm khuyết của mẹ ruột, cô bé Tuyết bớt dần đi sự vất vả tuổi thơ.

Có 2 mẹ thương yêu và được thầy cô, nhà trường, địa phương quan tâm giúp đỡ, cô bé Tuyết càng nỗ lực học tập. Tuy vậy, thỉnh thoảng thầy cô, bạn bè của cô bé Tuyết cũng bồn chồn lo lắng khi cô bé vắng học để chăm sóc mẹ ở bệnh viện dài ngày. Những lúc như vậy, cô bé Tuyết vẫn để lại niềm tin với mọi người rằng cô bé sẽ không bao giờ bỏ học, vì giấc mơ làm cô giáo trong cô bé luôn cháy bỏng.

12 năm liền là học sinh giỏi với chiếc xe đạp cộc cạch đi học và dạy kèm, Tuyết vỡ òa cảm xúc khi nhận thông báo trúng tuyển Trường cao đẳng sư phạm Đồng Nai (nay là Trường đại học Đồng Nai) niên khóa 2007-2010.

3 năm đi học bằng xe buýt, tất bật dạy kèm để có tiền ăn học, nuôi mẹ ruột bị bệnh tật, chăm sóc mẹ nuôi già yếu, cô sinh viên Đỗ Thị Ánh Tuyết vẫn cháy bỏng giấc mơ làm cô giáo ở gần nhà để được dạy dỗ các học trò nghèo nơi lò gạch, lò gốm của mình.

Năm học 2010-2011, 2 người mẹ nghèo của cô giáo Tuyết tự hào khi thấy cô áo dài tươi tắn lái chiếc xe máy cà tàng đến nhận trường, nhận lớp.

Cô giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết cùng các học sinh lớp 8/2 (năm học 2016-2017) do cô làm chủ nhiệm lớp.
Cô giáo Đỗ Thị Ánh Tuyết cùng các học sinh lớp 8/2 (năm học 2016-2017) do cô làm chủ nhiệm lớp.

* Làm bạn với học trò

Đứng trên bục giảng, phía dưới học trò chăm chú nhìn lên, cô giáo Tuyết muốn kể cho các trò nhỏ câu chuyện tuổi thơ kém may mắn của cô.

Suốt 6 năm làm giáo viên bộ môn Hóa - Sinh tại Trường THCS Tân An (xã Hóa An, TP.Biên Hòa), cô giáo Tuyết tận tụy cùng đồng nghiệp dìu dắt nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn quyết tâm bám lớp, bám trường. Tuy vậy, cô giáo Tuyết vẫn khát khao một ngày nào đó được chuyển về dạy học ở xóm lò gốm Tân Vạn. Vì ở nơi đó có tuổi thơ và tình thương yêu của các thầy cô giáo đã dành riêng cho những học trò nhỏ làng gốm nghèo như cô bé Tuyết ngày nào.

Năm học 2016-2017, cô giáo Tuyết đón nhận tin vui khi được Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tiếp nhận về trường giảng dạy và làm chủ nhiệm lớp 8/2.

Cô Tuyết kể, lớp 8/2 do cô làm chủ nhiệm, mỗi trò nhỏ là mỗi hoàn cảnh cần chăm chút, ươm mầm. Trong số đó, có vài em có hoàn cảnh giống như cô giáo Tuyết ngày trước.

Ngoài những tiết dạy tại lớp, cô giáo Tuyết biến ngôi nhà tình thương của cô ở KP.4, phường Tân Vạn thành lớp học để bồi dưỡng riêng những học sinh học yếu, trung bình. Trò nào có tiền thì trả thù lao, không có tiền hoặc phụ huynh quên thì cô trò cười cho qua để sớm bước vào tháng mới.

Học trò của cô giáo Tuyết ngoài chuyện thiếu thốn về vật chất, một số còn hụt hẫng về tinh thần, tình cảm khi cha mẹ ly hôn, bị bệnh tật, không quan tâm đến con em. Cô giáo Tuyết tự nguyện đứng ra làm bạn với các em. Lúc thì cô trò dắt nhau đi ăn chè, đi chùa ngắm cảnh, tỉ tê khát vọng để quyết tâm học tập nhằm thay đổi cuộc đời.

Em T.A. học lực khá nhưng có tính bướng bỉnh và hay “nổi hứng” nghỉ học vì thích ở nhà. Cô giáo Tuyết phải nhiều lần đến nhà tìm, chở A. vào lớp khi em đang ngồi ở nhà chơi với em, xem tivi.

Còn em P.T. học lực giảm sút vì hay bị cha la rầy, mẹ bệnh tật nằm một chỗ; em L. thì thích làm nữ cảnh sát nhưng lại không quyết tâm xây ước mơ cũng thường được cô giáo Tuyết nhắc nhở, tìm cách giúp đỡ…

Cô giáo Tuyết kể mỗi khi gần gũi với học trò, cô được nghe các em tâm sự đủ điều về chuyện gia đình, về trường lớp, về lý do chán học. Có em lần đầu tiên được cô dắt đi chơi còn nói với cô giáo rằng được làm bạn với cô giáo khi rời bục giảng thích hơn làm học trò của cô ở trường. Vì vậy, em đề nghị cô giáo Tuyết thường xuyên dắt em đi chơi để cô trò tâm sự thật nhiều, vì ở nhà cha mẹ ít khi nói chuyện với em.

Chuyện của học trò hôm nay chính là câu chuyện học tập của cô giáo Tuyết trước đây. Bên cô giáo Tuyết lúc ấy chỉ có người mẹ bệnh tâm thần, người mẹ nuôi già tần tảo vun vén từng đồng phụ giúp cô ăn học. Suốt 15 năm học từ tiểu học đến cao đẳng, cô giáo Tuyết phải vừa học vừa làm và nhận được rất nhiều tình thương, sự giúp đỡ của mọi người mới có được ngày hôm nay. Cho nên, cô giáo Tuyết dồn hết tình thương cho các học trò của mình ở lớp, ở nhà để trường lớp, cuộc sống, trái tim nhà giáo thêm trọn đầy.

Đoàn Phú

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,015,114       18/894