Xã hội

Bẫy muỗi sinh học

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng vào mùa mưa, bác sĩ Phan Lê Ý, Trạm y tế xã An Phước, huyện Long Thành đã triển khai thí điểm mô hình bẫy muỗi sinh học ở ấp 3, nơi có nhiều ca sốt xuất huyết của xã. Mô hình này bước đầu có hiệu quả.

Trong tháng 3, ngành y tế sẽ ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.
Ngành y tế thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết (Ảnh minh họa).

Bác sĩ Ý tốt nghiệp bác sĩ hệ dự phòng nên thường xuyên tìm hiểu và ứng dụng một số mô hình phòng bệnh tại xã An Phước, trong đó có mô hình bẫy muỗi sinh học. Theo bác sĩ Ý, bẫy muỗi sinh học không phải là một mô hình mới vì đã được ứng dụng ở một số nơi.

Theo bác sĩ Ý, cách làm bẫy muỗi sinh học rất đơn giản, dễ làm, với những nguyên liệu sẵn có: chỉ cần một chai nhựa khoảng 1 lít, cắt làm đôi, sau đó cho nước sạch, đường và men rượu vào. Sau một thời gian, hỗn hợp này lên men tạo ra nhiều khí CO2 để thu hút muỗi sốt xuất huyết bay vào.

Tuy nhiên, bác sĩ Ý có sáng tạo là cho thêm bột năng vào dung dịch nói trên nhằm tạo môi trường hiếu khí cho quá trình lên men, thu hút nhiều muỗi chui vào bẫy và cũng giúp giữ dung dịch này sử dụng được lâu hơn.

Ông Nguyễn Tùng Quân (ở ấp 3, xã An Phước) cho biết bẫy muỗi sinh học này dễ làm, hiệu quả vì ở nhà ông thấy có muỗi tự chui vào bẫy chết, trong đó có cả muỗi sốt xuất huyết. Ở nhà ông cũng dùng nhiều cách phòng ngừa sốt xuất huyết nhưng do nhà buôn bán, đồ đạc nhiều nên cũng không ngăn ngừa hết được muỗi phát triển. Dùng bẫy muỗi sinh học có thể đặt nhiều ngóc ngách trong nhà để bắt muỗi, giảm nguy cơ gây bệnh sốt huyết cho mọi người nên ông xung phong làm thí điểm.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ý, hạn chế của mô hình bẫy muỗi sinh học là việc người dân đổ tỷ lệ nước, đường, men và bột năng chưa đúng; đặt bẫy quá thưa trong diện tích rộng hiệu quả sẽ không cao, chỉ cần khoảng 20-30m2 đặt một cái bẫy là được.

Một trong những khó khăn nữa là mô hình mới thí điểm nên người dân còn chưa mặn mà hưởng ứng, nên số hộ triển khai thí điểm chưa nhiều. Do đó, thời gian tới y tế địa phương tiếp tục vận động người dân triển khai mô hình này rộng rãi hơn nữa.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,025,983       4/879