Xã hội

Ươm mầm tài năng nhí

Từ khát vọng giải quyết các yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống, các em học sinh từ 6-19 tuổi trong tỉnh đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, thiết thực.

2 em Đinh Hoàng Công Văn và Đoàn Nam Long (lớp 9/4 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) giới thiệu “Máy rót nước dành cho nguời già và người khiếm thị”. Sản phẩm này đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG
2 em Đinh Hoàng Công Văn và Đoàn Nam Long (lớp 9/4 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) giới thiệu “Máy rót nước dành cho nguời già và người khiếm thị”. Sản phẩm này đoạt giải nhì cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Trong số 488 giải pháp tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai lần thứ 2-2017, ban tổ chức đã lựa chọn 28 giải pháp xuất sắc nhất để dự thi cuộc thi cấp quốc gia.

* Ý tưởng vì cộng đồng

TS.Vy Văn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết cuộc thi nhằm tạo ra một sân chơi trí tuệ để học sinh thể hiện niềm đam mê khoa học, khả năng sáng tạo và những kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm…

 
Ngày 15-8, tại nhà hát Đài PT-TH Đồng Nai, Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2017 sẽ tổ chức trao giải cuộc thi.  Có 60 giải pháp/488 giải pháp dự thi được trao giải (2 giải nhất, 8 giải nhì, 18 giải ba và 32 giải khuyến khích). Ngoài ra, còn có các giải phụ dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, giải pháp có ý tưởng sáng tạo, giải dành cho các đơn vị tuyên truyền, tổ chức triển khai xuất sắc.

Có những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giảng dạy Toán học trong nhà trường như: “Thiết kế công cụ hỗ trợ học tập hình học không gian 3D ứng dụng công nghệ Halogram” của học sinh Trường THPT Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ); giải pháp “Bộ thiết bị phun sương thông minh” của 3 học sinh Trường THPT Ngô Sỹ Liên (huyện Trảng Bom) giúp tiết kiệm nhân công, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi trang trại; giải pháp “Xe đẩy nhặt trái điều tiết kiệm sức lao động” của 2 học sinh Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) có thể ứng dụng ngay trong sản xuất nông nghiệp.

Hay như giải pháp “Máy rót nước dành cho người già và người khiếm thị” của 2 học sinh Đinh Hoàng Công Văn và Đoàn Nam Long (lớp 9/4 Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) lại có tính nhân văn sâu sắc.

Chia sẻ về ý tưởng thực hiện giải pháp, Đinh Hoàng Công Văn cho biết: “Việc rót nước hàng ngày để uống rất đơn giản, dễ dàng. Nhưng với người già và người khiếm thị thì có đôi chút khó khăn, bởi vì không nhìn thấy được mà nhiều khi người khiếm thị rót nước tràn ly. Chúng em muốn phát triển chiếc máy rót nước này để giúp người già, người khiếm thị khắc phục hết những khó khăn trên”.

Bên ngoài chiếc máy là khung hình chữ nhật bằng gỗ, bên trong có một thùng đựng nước, bên trên nắp có lắp một bộ cảm biến có nhiệm vụ phát hiện nước trong bình hết để thông báo cho người dùng. Phía dưới gần vòi nước có 2 bộ cảm biến để đo khoảng cách từ cảm biến đến ly nước và đo mực nước quy định của ly để rót nước. Đặc biệt, phía bên trong thùng nước có thêm một bộ nguồn để cung cấp điện cho thùng nước khi bị mất điện.

Để máy hoạt động chỉ cần cắm dây điện của thùng nước vào ổ điện, sau đó bật nút “Bắt đầu” để máy ở chế độ chờ. Lúc này, 2 bộ cảm biến phía dưới sẽ luôn sử dụng sóng siêu âm để đợi chiếc ly đặt vào đúng vị trí. Khi chiếc ly đã được đặt vào vị trí rót nước, chiếc máy sẽ kêu tiếng “bíp, bíp“ và nước sẽ liên tục chảy vào ly cho tới khi tiếng kêu “bíp” sẽ giảm thì việc rót nước đã hoàn tất. Khi lấy ly nước ra thì máy sẽ quay lại chế độ chờ. Nếu bình hết nước, bình sẽ kêu tiếng “bíp”, sau 3 giây sẽ lặp lại để người dùng biết và đổ nước vào bình.

* Ý tưởng bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp

Dự án “Thùng rác tự động” của 2 học sinh Hoàng Mạnh Dũng và Phan Trọng Huy, Trường THCS Ngô Quyền (huyện Cẩm Mỹ) được đánh giá cao bởi ý tưởng bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Hoàng Mạnh Dũng cho biết thùng rác được trang bị 3 bộ cảm biến gắn trên nắp thùng rác: bộ cảm biến thứ nhất dùng để nhận biết người; bộ cảm biến thứ 2 và thứ 3 dùng để nhận biết rác. Ngăn thùng rác thứ nhất để đựng rác không tái chế được; ngăn thùng thứ 2 để đựng rác tái chế được; Khi nhận biết được rác ở trên nắp thùng, thùng rác sẽ tự động mở ra rồi tự động đóng vào.

Cũng theo anh Dũng, hệ thống mở nắp thùng rác được cấu tạo gồm cảm biến, xi lanh và van điện. Khi cảm biến cảm nhận được người, thùng rác sẽ tự động phát ra âm thanh “Xin chào các bạn, hãy bỏ rác vào đây. Rác có thể tái chế xin bỏ vào thùng rác số 1, rác không thể tái chế xin bỏ vào thùng rác số 2”. Khi đã nhận được rác, thùng rác sẽ tự đóng lại và phát ra âm thanh “Xin cảm ơn”.

Trong lĩnh vực sản phẩm thân thiện với môi trường còn phải kể đến các giải pháp: “Đánh giá khả năng dẫn dụ ruồi đục quả từ lá cây trầu Nam Mỹ và đề xuất áp dụng phương pháp diệt an toàn sinh học” của 2 học sinh Lê Phước An, Lê Thị Ánh Hồng (Trường THPT Võ Trường Toản, huyện Cẩm Mỹ), “Nhang trừ muỗi chiết xuất từ tinh dầu sả” của Trần Trung Thắng, Phạm Trần Đan Thùy (Trường THCS Đông Du, huyện Thống Nhất), “Nghiên cứu khả năng trị rầy sáp từ acid có trong nước vo gạo sau khi lên men” của Phùng Thị Thanh Thảo, Quảng Thị Trọng Thủy (Trường THCS Võ Trường Toản, huyện Vĩnh Cửu).

Nhằm phát huy khả năng sáng tạo của học sinh trong tỉnh, ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học - kỹ thuật tỉnh, Phó trưởng ban Tổ chức cuộc thi, cho biết: “Ban tổ chức sẽ mở một lớp tập huấn về kỹ năng tư duy khoa học, tư duy sáng tạo, phương pháp sáng tạo với sự hướng dẫn của các chuyên gia giỏi trong và ngoài tỉnh để các em có đam mê khoa học tham dự. Chúng tôi mong muốn sẽ gợi được đam mê nghiên cứu, sáng tạo của học sinh, góp phần xây dựng những nhà khoa học trong tương lai”.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,028,162       2/879