Trong hơn 9 ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh, có gần 70% số gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gia đình có đến 3-4 người mang trong mình hậu quả khốc liệt do chiến tranh gây ra.
Chi đoàn Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Kiên (bìa phải) (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa). |
Để các nạn nhân duy trì sự sống, biết vươn lên làm nhiều việc tốt, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành phải kể đến sự hy sinh, chăm sóc của người thân của nạn nhân da cam/dioxin.
* Những tấm lòng nhân hậu
Bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2017, các cấp Hội Nạn nhân da cam/dioxin đã chi hơn 3,7 tỷ đồng để chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh. Các nạn nhân được trợ cấp sửa nhà, xây nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, trợ cấp học bổng, học nghề, trợ cấp thường xuyên, đột xuất khi đau ốm, qua đời. Ngoài ra, các cấp Hội cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân vào các dịp lễ, tết. Chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức, mạnh thường quân chung tay hỗ trợ, giúp đỡ, cùng nhau xoa dịu phần nào nỗi đau với các nạn nhân da cam/dioxin, giúp họ có thêm niềm tin, động lực để vui sống”. |
Bà Phạm Thị Gái (64 tuổi, ngụ KP.3, phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) là vợ, mẹ của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chồng bà Gái bị thần kinh, bại liệt, không nói được từ năm 1999-2016 sau đó qua đời do bệnh nặng. Con trai bà Gái tên là Nguyễn Kiên năm nay 38 tuổi, khi sinh ra cơ thể yếu ớt, mềm nhũn từ rốn xuống 2 chân khiến anh không thể lật, hay nghiêng người được. Cũng bởi sức đề kháng yếu nên anh Kiên thường xuyên bị sốt, ho, viêm phế quản, đau mắt đỏ, viêm tủy sống, bại liệt, sỏi thận. Hoàn cảnh gia đình vốn khốn khó, nay phải thường xuyên đi bệnh viện theo dõi, thuốc men nên càng khó khăn hơn. Dù thế, suốt 18 năm chăm sóc chồng và 38 năm chăm sóc con, chưa một lần người phụ nữ ấy than vãn. Bà Gái luôn tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng và động viên con vuợt qua nỗi đau bệnh tật để sống, là người có ích cho xã hội.
Là người hoạt động kháng chiến, bị nhiễm chất độc hóa học, suy giảm khả năng lao động 41% nhưng hàng ngày, ông Đinh Xuân Định (65 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu) vẫn cùng vợ chăm sóc cho 2 người con bị bệnh do di chứng của chất độc da cam gây ra. Ông Định kể, 2 con của ông đều bị thiểu năng trí tuệ, suy giảm khả năng lao động 81%, không thể tự phục vụ được. Vợ chồng ông lo chạy chữa thuốc men khắp nơi mong phần nào giảm bớt nỗi đau bệnh tật cho các con nhưng mãi không có kết quả. Dù già yếu, hay đau bệnh lại thuộc diện gia đình khó khăn của xã nhưng người lính già vẫn động viên vợ cố gắng sản xuất, chăn nuôi nhằm cải thiện đời sống.
Trong khi đó, ông Trương Văn Huệ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nhân Tuấn Nhân (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) nhiều năm qua đã tuyên truyền, tham mưu Ban giám đốc công ty quan tâm, hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nặng trên địa bàn. Ông Huệ chia sẻ, chứng kiến nỗi đau của những nạn nhân bị phơi nhiễm, phải nằm một chỗ nhiều năm, ông cảm thấy cần phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ. Đến nay, công ty nhận cấp dưỡng cho 10 nạn nhân da cam/dioxin với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng.
* Không đầu hàng số phận
Từ sự quan tâm, giúp đỡ của người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, nhiều nạn nhân da cam/dioxin đã nỗ lực vượt lên chính mình, vượt qua nỗi đau để sống vui và sống có ích.
Em Nguyễn Văn Hiển (ấp 1, xã La Ngà, huyện Định Quán) luôn ý thức được việc phải cố gắng học hành, tiếp thu những kiến thức hay từ sách vở, cuộc sống chứ không chán nản, tự ti. Đôi chân bị dị tật không phát triển bình thường, đi lại khó khăn, sức khỏe yếu nhưng Hiển không mặc cảm. Ngược lại, đó là động lực để em vươn lên trong học tập và cuộc sống. Suốt 9 năm học, Hiển luôn đạt học sinh khá, giỏi, biết phụ giúp ông bà làm việc nhà, dạy em học bài, là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó để nhiều bạn bè học tập.
Cũng không chịu đầu hàng số phận, chị Trần Thị Huỳnh Trâm (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh) được mọi người trong cơ quan yêu mến, nể phục, là cán bộ công chức trẻ có ý chí phấn đấu trong lao động, học tập. Bị dị tật ở tay, sức khỏe không ổn định nhưng chị Trâm đã ra sức học tập và có trong tay tấm bằng đại học của Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Năm 2006, chị Trâm được nhận vào làm việc ở UBND phường Phú Bình, TX.Long Khánh, phụ trách mảng lao động - thương binh và xã hội. Với những cố gắng không mệt mỏi, năm 2011 chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hàng năm, chị Trâm đều được Đảng bộ, cơ quan đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn tấm gương sáng của vận động viên điền kinh Nguyễn Kiên lại đáng để nhiều người ngưỡng mộ. Bên trong thân hình nhỏ bé, bị nỗi đau da cam hành hạ là một nghị lực phi thường. Đáp lại sự kiên trì tập luyện thể dục - thể thao, từ năm 1993-2017, vận động viên Nguyễn Kiên đã đạt 16 huy chương vàng, 10 huy chương bạc và 9 huy chương đồng tại Giải thể thao người khuyết tật tỉnh Đồng Nai về môn điền kinh (xe lăn) do Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp tổ chức. Ngoài ra, anh còn đạt 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng giải thể thao toàn quốc dành cho người khuyết tật được tổ chức tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Hạnh Dung