Văn hóa

Trên Đồi Đất Đỏ

Nhà văn Nguyễn Trí vừa tặng bạn đọc nhỏ tuổi một món quà dễ thương: cuốn truyện thiếu nhi Trên Đồi Đất Đỏ (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019).

Bìa sách Trên Đồi Đất Đỏ
Bìa sách Trên Đồi Đất Đỏ

Nhà văn Nguyễn Trí vừa tặng bạn đọc nhỏ tuổi một món quà dễ thương: cuốn truyện thiếu nhi Trên Đồi Đất Đỏ (Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019). 

Bé Linh - nhân vật chính của cuốn truyện sinh ra, lớn lên trong gia đình có cha tên Tính, mẹ tên Hường. Do cha mẹ không nghề nghiệp, gặp gì làm đó, Linh phải sống trong cảnh thiếu thốn. Nhưng cũng nhờ hoàn cảnh thắt ngặt mà Linh quen tự lập, cô bé 8 tuổi “biết kho thịt, nấu canh, biết mang áo quần xuống sông giặt thay cho má, biết cả khâu vá áo quần” (tr4) . Linh ngoan, lại thuộc lòng truyện thơ Lục Vân Tiên và hiểu chuyện nên được dân xóm Sông khen “Vợ chồng ông Tính khéo sanh, khéo dạy con Linh” (tr4).

Biến cố xảy ra với gia đình Linh khi bà Hường bất hòa với chị em gái, bỏ gia đình ngoại về chiếc lều của gia đình mình. Gặp lúc ông Tính vào rừng khai thác mây tre lá thuê, bà Hường quyết định mang theo con út và Linh vào rừng phụ việc cho chồng. Nhờ đó cô bé Linh biết đến địa danh Đồi Đất Đỏ, được sống chung với những gia đình cùng chung cảnh ngộ. Thời gian sống ở Đồi Đất Đỏ đã mang lại cho Linh nhiều thứ: những người bạn tốt, sự trải nghiệm, cơ hội tiếp xúc với nhiều loại người, được chứng kiến cả cái tốt lẫn cái xấu. Truyện khép lại khi Linh bị sốt rét rừng quật ngã và cô Nguyệt, chủ phòng mạch đã khuyên cha Linh đưa con gái về nhà sau “ba tuần trong rừng thẳm” (tr134) để cô bé tiếp tục đi học.

Trên Đồi Đất Đỏ nếu chỉ kể chuyện… khổ nghèo thì sẽ buồn tẻ và dễ chán. Nhưng nhà văn Nguyễn Trí đã dẫn dắt câu chuyện qua nhiều biến cố, nhiều sự việc, thông qua đó “trình làng”một loạt nhân vật cá tính, thú vị, mỗi người mỗi vẻ. Ông Tính hiền lành, chịu nhịn mà không chịu nhục, sẵn sàng “thua đủ” với bọn lưu manh đồng thời luôn dạy con biết sống hiếu thảo, rộng lượng, coi trọng tình nghĩa. Bà Hường đáo để, cãi lại cha mẹ nhưng cũng là người phụ nữ đảm đang, hy sinh tất thảy cho chồng con, khôn khéo “giải cứu” cô em gái khỏi vụ đánh ghen ầm ĩ. Nhân vật Cóc bịch xấu từ danh xưng đến tính cách. Cậu bé Bảy Xoáy “lăn lộn khắp nơi trong rừng” (tr58) nên thuộc rừng như thuộc lòng bàn tay, thông minh, láu lỉnh khác người... Cả một xã hội thu nhỏ với đủ cách mưu sinh nhọc nhằn, cũng có kẻ xấu lừa gạt, có người trọng đồng tiền hơn tính mạng đồng loại.

Ngoài những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục về thái độ sống, mối quan hệ giữa người với người, Trên Đồi Đất Đỏ còn đem lại cho trẻ em  nhiều kiến thức bổ ích về thiên nhiên hoang dã, về thế giới động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Nhà văn Nguyễn Trí dành nhiều trang mô tả phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó bạn đọc nhỏ tuổi học được nhiều kỹ năng sống, biết trân trọng sức lao động, biết yêu quý thiên nhiên, có ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường.

Hồng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  553,790       1/963