Nếu như với nghệ thuật biểu diễn, âm nhạc... cần có sân khấu nhiều màu sắc để đưa tác phẩm đến gần công chúng thì với mỹ thuật và nhiếp ảnh lại cần không gian trưng bày.
Không gian đó không chỉ giới thiệu, tôn vinh tác phẩm mà còn là nơi để người dân và du khách tham quan, hưởng thụ nghệ thuật.
Nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến bên tác phẩm gốm Sử công Đồng Nai đặt tại Xưởng gốm Hiến Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa). Ảnh: M. Ny |
Có một thực tế đang diễn ra là sau mỗi cuộc thi hay triển lãm, các tác phẩm nghệ thuật lại được tác giả đem về một cách lặng lẽ, hoặc cất giữ, bán hay làm gì thì cũng không ai quan tâm. Điều này khiến tác phẩm không có nơi để “đối thoại” với người cảm thụ; tác giả đam mê và tâm huyết với nghệ thuật không khỏi chạnh lòng.
* Xong triển lãm “ai về nhà nấy”
Họa sĩ Nguyễn Quang Hoàng cho biết, theo quy định của mỗi cuộc thi hay triển lãm, các tác giả tham gia đều có thời gian nhất định để sáng tạo và đem tác phẩm đi trưng bày. Kết thúc đợt trưng bày vài ngày, tác phẩm sẽ được nhận về và trưng bày ở đâu, làm gì thì tùy tác giả. “Ở mỗi lần triển lãm, Ban tổ chức đều chọn ra những tác phẩm chất lượng nhất, có tính thẩm mỹ cao nhất để trao giải. Chỉ tiếc, sau giải thưởng và triển lãm như thế, tác phẩm lại đưa về nhà vì không có chỗ phù hợp để trưng bày” - họa sĩ Quang Hoàng bày tỏ.
Theo nghệ nhân gốm Hoàng Ngọc Hiến, vài năm trở lại đây, ngoài bảo tàng ở Biên Hòa có thêm Vườn tượng danh nhân văn hóa Trấn Biên và công viên phía sau Văn miếu Trấn Biên có trưng bày một số tác phẩm điêu khắc đá. Tất nhiên chưa có không gian cho các thể loại tranh, gốm và điêu khắc trên các chất liệu khác...
“Vì không có nơi trưng bày nên hàng chục, hàng trăm tác phẩm ra đời, giới thiệu cho người xem được vài ngày lại âm thầm cùng tác giả... về nhà. Việc giữ ở nhà không khác gì để những tác phẩm ấy chết dần, chết mòn” - vừa nói, nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến vừa chỉ cho chúng tôi xem những tác phẩm qua các kỳ liên hoan được anh đặt rải rác trong xưởng gốm Hiến Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) của mình. Từ ngoài sân cho đến trong góc nhà, tất cả tác phẩm đều phủ đầy một lớp bụi. Bao nhiêu năm nay vẫn như thế. Bán thì không ai mua, để thì không có chỗ trưng bày.
“Vì “trót” đam mê nghệ thuật nên đành phải theo. Hơn bao giờ hết, chúng tôi trông chờ một nơi trưng bày phù hợp để tác phẩm của mình có điều kiện đến với công chúng. Tôi tin, khi được công chúng quan tâm, các ý tưởng sáng tạo mới sẽ “ra lò” nhiều hơn và như thế, nghệ thuật có cơ hội phát triển” - nghệ nhân Hoàng Ngọc Hiến chia sẻ.
Là một trong những người trẻ có tác phẩm trưng bày tại công viên phía sau Văn miếu Trấn Biên, với tác giả điêu khắc Trần Đình Thắng đó là niềm vui, là vinh dự. Bởi hơn 10 năm theo đuổi nghệ thuật, Trần Đình Thắng mới chỉ có hai trong số hàng chục tác phẩm được trưng bày tại những không gian mở. Còn lại đều được đưa về xưởng, xếp vào kho.
Rất nhiều nghệ sĩ nói rằng, nếu như có được phòng trưng bày hợp lý, chắc chắn sẽ có thêm nhiều triển lãm cá nhân hay triển lãm nhóm của các nghệ sĩ tạo hình, nhiếp ảnh. Các triển lãm này không chỉ góp phần lan tỏa rộng rãi những giá trị nghệ thuật và nhân văn mà còn tạo thành điểm đến mới của Đồng Nai. Ở đó, người dân sẽ được hưởng thụ giá trị nghệ thuật đúng nghĩa là “món ăn tinh thần”.
* Cần một “địa chỉ” văn hóa ổn định
Đồng Nai rất tự hào khi có một lực lượng họa sĩ tạo hình và nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên, không chuyên nghiệp hùng hậu. Hằng năm, trong tỉnh có nhiều cuộc triển lãm lớn, nhỏ. Địa điểm trưng bày thường đặt tại Trung tâm văn miếu Trấn Biên hay sân trước của Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh, vì đây là những nơi trung tâm nhất của Biên Hòa. Mặc dù không có chức năng là nơi triển lãm tranh, ảnh nhưng những địa chỉ ấy vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho nghệ sĩ giới thiệu và quảng bá tác phẩm.
Nói về không gian trưng bày nghệ thuật, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Giang Mạnh Hà cho biết, Hội đã xin chủ trương của tỉnh về tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu tác phẩm văn học - nghệ thuật. Trong đó, ngoài trưng bày mỹ thuật, nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế, trong nước và giải của tỉnh thì sẽ giới thiệu thêm các tác phẩm âm nhạc, các đầu sách quý về Biên Hòa - Đồng Nai. Ngoài ra, Hội cũng đang xin chủ trương về việc xét giải thưởng văn học - nghệ thuật hằng năm và có ý tưởng thực hiện con đường gốm sứ Đồng Nai.
“Cũng giống như sân khấu phải có nơi để diễn, các bộ môn nghệ thuật khác cũng cần có một địa chỉ văn hóa ổn định để giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Tất nhiên, nó không mang mục đích kinh doanh mà tạo sân chơi nghệ thuật cho văn nghệ sĩ, hướng đến phục vụ công chúng” - ông Giang Mạnh Hà nhấn mạnh
Có thể nói, Biên Hòa - Đồng Nai là nơi mà sự hội nhập kinh tế, du nhập văn hóa nhanh, mạnh, đòi hỏi sự giao tiếp, thông thương lớn nên nhu cầu về không gian văn hóa với quy mô, chất lượng, thẩm mỹ ngày càng cao. Sự sang trọng, văn hóa, tính đại diện và tiêu biểu là “chất và hồn cốt” của sự phát triển văn minh, bền vững, làm nên bản sắc đáng tự hào của vùng đất hơn 320 năm hình thành và phát triển.
My Ny