Văn hóa

Làn gió mới cho hoạt động đờn ca tài tử

Một năm sau khi Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tiến hành khảo sát tình hình thực tế về các câu lạc bộ đờn ca tài tử đồng thời đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn nghệ thuật truyền thống này, tình hình đã có nhiều chuyển biến.

Chương trình nghệ thuật Trình diễn đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Nai năm 2019 do Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Vĩnh Cửu tổ chức . ngày 28-6-2019. ảnh: Tuyến Đỗ
Chương trình nghệ thuật Trình diễn đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Đồng Nai năm 2019 do Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai phối hợp cùng Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao huyện Vĩnh Cửu tổ chức . ngày 28-6-2019. ảnh: Tuyến Đỗ

Những giải pháp, hành động thiết thực được thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh đã làm cho những người tham gia hoạt động đờn ca tài tử gắn bó hơn với môn nghệ thuật truyền thống này. Qua đó, bức tranh về nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh có thêm những gam màu sáng.

* Đưa sân khấu về từng địa phương

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến trình diễn đờn ca tài tử ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là điểm mới so với những năm trước khi mà mỗi năm chỉ có 1 chương trình liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh và 1 chương trình giao lưu đờn ca tài tử khu vực Đông Nam bộ được tổ chức.

Toàn tỉnh hiện có 26 câu lạc bộ đờn ca tài tử với gần 300 thành viên, giảm 5 câu lạc bộ và khoảng 50 người so với năm 2016 - năm bắt đầu thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ở những chuyến đưa sân khấu đờn ca tài tử về từng địa phương, Ban tổ chức không chỉ tập trung vào phần trình diễn trên sâu khấu mà còn có thêm phần trưng bày hình ảnh, giới thiệu các cá nhân có đóng góp cho đờn ca tài tử cũng như chiếu phim tư liệu về sự hình thành, phát triển, định hướng hoạt động đối với đờn ca tài tử. Việc mời các nghệ nhân đờn ca tài tử được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian đang sinh sống ở Đồng Nai và một số địa phương lân cận đến nói chuyện cũng góp phần làm cho hoạt động này thêm hấp dẫn.

Theo ông Lê Văn Có, một nghệ nhân đờn - người có nhiều năm gắn bó với hoạt động đờn ca tài tử ở huyện Vĩnh Cửu, việc đưa các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử về với địa phương đã tạo điều kiện cho những người hoạt động trong lĩnh vực đờn ca tài tử có nhiều hơn cơ hội trình diễn trên sân khấu. Bởi trước kia, chương trình trình diễn nghệ thuật đờn ca tài tử diễn ra 1 lần/năm, mỗi địa phương chỉ chọn từ 7-10 người tham gia nên thiệt thòi cho nhiều tài tử đờn, tài tử ca không được lên sân khấu. Còn khi tổ chức thêm chương trình ở địa phương, những người làm nghệ thuật đờn ca tài tử ở huyện đều có cơ hội lên sân khấu thể hiện.

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử do Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai tổ chức, nhiều địa phương còn chủ động tổ chức các hội thi, liên quan đến đờn ca tài tử. Như tại TP.Biên Hòa cùng 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch, hằng năm đều có từ 2-4 hoạt động liên quan đến biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử.

Theo ông Phạm Minh Hoàng, Tổ trưởng Tổ Văn hóa văn nghệ thuộc Trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa, việc tổ chức các hội diễn, liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử nhằm “giữ lửa” cho những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực này có nơi cống hiến, tham gia hoạt động.

* Những tín hiệu vui

Có thể nói, chưa năm nào mà sân khấu dành cho đờn ca tài tử lại sáng đèn nhiều như nửa đầu năm 2019. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, số lượng chương trình biểu diễn đờn ca tài tử đã gấp đôi so với năm 2018 (năm 2018 có 2 chương trình thì 6 tháng đầu năm 2019 đã có 5 chương trình biểu diễn, liên hoan, hội thi đờn ca tài tử được thực hiện).

Thông qua việc tổ chức ngày càng nhiều chương trình trình diễn, liên hoan, hội thi liên quan đến biểu diễn đờn ca tài tử… đã làm cho những người có tâm huyết với nghệ thuật đờn ca tài tử thêm gắn bó với nghề.

Bà Nguyễn Thị Phụng, tài tử ca, Câu lạc bộ đờn ca tài tử, cải lương huyện Long Thành cho hay: “Mong muốn nhất của người theo đuổi nghệ thuật đờn ca tài tử chính là có nhiều sân khấu biểu diễn. Do vậy mà khi có nhiều sân khấu biểu diễn hơn, người làm nghề vực dậy được tinh thần, lòng yêu nghề”.

Theo Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình, với những người biết ca, biết đờn nhưng chưa thật nhuần nhuyễn, Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã chủ động tìm đến để hướng dẫn giúp nâng cao khả năng, tạo nguồn tài tử đờn, tài tử ca nhằm góp phần nâng cao hoạt động của phong trào đờn ca tài tử ở địa phương. Bên cạnh đó, để ngày càng có thêm nhiều bài ca, bài đờn mới về đờn ca tài tử, mới đây Trung tâm văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã phát động cuộc thi đặt lời mới cho 20 bài bản tổ. Ban tổ chức nhận được gần 100 bài đờn, ca tài tử mới và hiện đang tiến hành in thành tuyển tập phát hành đến các địa phương giúp người yêu nghệ thuật đờn ca tài tử có thêm những bản nhạc mới để sử dụng.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  671,470       1/876