Văn hóa

Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn

Ngày 20-8-2018 là tròn 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 của tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền.

Ngày 20-8-2018 là tròn 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhân dịp này, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930 của tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền.

Với 200 trang, cuốn sách “chứa đựng rất nhiều nguồn tư liệu quý cho độc giả muốn tìm tòi, học hỏi và tự rèn luyện bản thân qua cuộc đời hoạt động, cống hiến của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với Đảng, với dân tộc và bạn bè quốc tế” (lời của Nhà xuất bản).

Cuốn sách gồm 3 phần: Tôn Đức Thắng - tuổi trẻ và chí hướng; Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn thời kỳ 1920-1930 và Một vài nhận xét về vai trò của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn.

Phần 1 của cuốn sách đã khái quát cô đọng cuộc đời cao đẹp của Bác Tôn từ khi sinh ra đến lúc kéo cờ trên Biển Đen phản đối hành động can thiệp của nước Pháp vào nước Nga Xô Viết. Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 tại làng An Hòa, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Lòng yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, khâm phục con đường cứu nước của những chí sĩ, nghĩa sĩ tiền bối, căm thù những kẻ cướp nước và bán nước đã hun đúc nên tinh thần, khí phách Tôn Đức Thắng. Xuất thân trong một gia đình cơ bản có điều kiện, lẽ ra khi học xong sơ học vào năm 1906, Tôn Đức Thắng có thể theo học để đạt tới danh vọng và địa vị trong xã hội, thế nhưng Tôn Đức Thắng chọn con đường học để làm thợ. Trong môi trường vừa làm thợ vừa học nghề, Tôn Đức Thắng “đã nhận thấy sức mạnh của thợ thuyền, nếu họ đồng lòng với nhau. Việc của người này ảnh hưởng đến việc của người khác. Một người nghỉ việc thì việc trước ùn lại, việc sau không làm được, như một chuỗi mắt xích không thể tách rời nhau” (trang 63). Từ đó, Tôn Đức Thắng tham gia rất nhiều phong trào đấu tranh như: bãi công, đình công, lãn công của công nhân.

Phần 2 của cuốn sách viết về vai trò của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn thời kỳ 1920-1930. Ra đời trong hoàn cảnh chưa có đảng lãnh đạo nhưng tổ chức Công hội do Tôn Đức Thắng sáng lập là tổ chức chính trị đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam trên cơ sở phong trào công nhân gắn với phong trào yêu nước. Và “sự ra đời của Công hội bí mật có một ý nghĩa chính trị quan trọng đánh dấu một thời kỳ mới, thời kỳ mà giai cấp công nhân Việt Nam ý thức rõ rệt về sức mạnh của giai cấp mình. Tổ chức Công hội đã tập hợp được lực lượng công nhân chủ yếu của thời đại, dù là phôi thai, từng bước đưa giai cấp công nhân lên vũ đài chính trị” (trang 95).

Vừa là người sáng lập vừa là người lãnh đạo và tổ chức đấu tranh của Công hội, Tôn Đức Thắng thực sự là linh hồn của Công hội bí mật Sài Gòn. Từ năm 1920-1925, khắp Sài Gòn - Chợ Lớn đều có cơ sở của Công hội và số hội viên từ vài chục người đã phát triển lên 300 người. Phần lớn các cơ sở Công hội được tổ chức ngay trong các xí nghiệp của thực dân Pháp hoặc của tư bản nước ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Tôn Đức Thắng, từ năm
1922-1925 đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn mà tiêu biểu nhất là 2 cuộc bãi công của thợ nhuộm Chợ Lớn và công nhân Ba Son tạo nên tiếng vang lớn trong và ngoài nước…

Phần thứ 3 là Một vài nhận xét về vai trò của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn. Tác giả nhận định rằng để đánh giá đúng các nhân vật lịch sử, trong đó có Tôn Đức Thắng không phải là việc dễ dàng và đòi hỏi phải có cách nhìn nhận đánh giá khách quan, khoa học. Tuy nhiên, những cống hiến và công lao của Tôn Đức Thắng đối với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ 20 là vô cùng to lớn, nên các đánh giá, nhận định của cuốn sách đều dựa trên những dữ liệu trung thực, khách quan, đã nêu bật được tầm vóc, công lao, cống hiến của Bác Tôn đối với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ 20. Những nhận định và đánh giá đó là: Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ tiêu biểu cho giai cấp công nhân Việt Nam trong phong trào công nhân quốc tế; Tôn Đức Thắng - người sáng lập và là linh hồn của Công hội bí mật Sài Gòn; Tôn Đức Thắng - người góp phần đặt nền móng cho sự hình thành tổ chức cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công nhân ở Nam kỳ và Tôn Đức Thắng - người lãnh đạo xuất sắc, người con ưu tú và niềm tự hào của công nhân Sài Gòn và giai cấp công nhân cả nước.

Vũ Trung Kiên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  682,326       4/567