Văn hóa

Hang Tám Cô và những tiếng vọng

Chạy dọc con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại nối liền Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, khi đi qua huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình), không ai không thấy thổn thức khi nghe kể về Di tích lịch sử Hang Tám Cô - nơi nằm xuống của 8 cô gái, chàng trai thanh niên xung phong tuổi chỉ mới đôi mươi.

Khách đến viếng hang Tám Cô.
Khách đến viếng hang Tám Cô.

Chúng tôi viếng Di tích lịch sử Hang Tám Cô vào một ngày cuối tháng 5 nắng nóng. Để đến cửa hang phải leo bộ qua con dốc được trải nhựa rộng rãi, bên đường là bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Cửa hang nằm giữa cánh rừng bát ngát của dãy Trường Sơn, xung quanh chỉ thấy núi non trùng điệp, hùng vĩ.

* Hiến dâng tuổi đôi mươi

Chiến tranh đã qua đi nhiều năm nhưng câu chuyện kể về hang Tám Cô vẫn khiến cho những ai một lần ghé qua đây đều nghiêng mình cảm phục về sự hy sinh anh dũng của những thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 8 (phụ trách đoạn qua trọng điểm km16 đường 20 Quyết Thắng).

8 liệt sĩ hy sinh trong Hang Tám Cô đều là những người con huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) gồm: Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1952); Nguyễn Văn Phương (sinh năm 1954); Hoàng Văn Vụ (sinh năm 1953); Nguyễn Mậu Kỷ (sinh năm 1947); Trần Thị Tơ (sinh năm 1954); Lê Thị Lương (sinh năm 1953); Đỗ Thị Loan (sinh năm 1952) và Lê Thị Mai (sinh năm 1952).

Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, hướng dẫn viên Khu di tích Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết Thắng kể, 8 thanh niên nam nữ quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nhập ngũ cùng đợt, khác ngày sinh tháng đẻ nhưng họ lại mất cùng ngày, cùng nơi. Những thanh niên năm ấy đã hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc.

8 người con của vùng đất Hoằng Hóa tự hào trở thành người thanh niên xung phong 163 của ban 67 bám trụ trên đường 20 Quyết Thắng để nhanh tay mở đường cho xe qua. Chiều 4-11-1972, trong lúc quân ta đang tập trung lực lượng xe pháo lớn vượt trọng điểm trên đường 20 Quyết Thắng, đoạn qua huyện Bố Trạch thì những trận mưa bom trút xuống cày nát cả quãng đường km16.

Hàng trăm thanh niên xung phong, trong đó có 8 thanh niên quê ở Hoằng Hóa đang cật lực mở đường, nghe tiếng bom dội đã tìm chỗ ẩn nấp trong các hang đá, hầm trú ẩn. 8 thanh niên xung phong Hoằng Hóa cũng cùng nhau chạy vào một chiếc hang gần đó. Những tưởng nơi đây là nơi trú ẩn an toàn thì một loạt bom trút xuống làm rung chuyển cả một triền núi.

Đợi ngừng trận mưa bom, các đồng đội bắt đầu tìm nhau trong đống đổ nát thì phát hiện khối đá khổng lồ đã vùi lấp cửa hang nơi 8 thanh niên xung phong Hoằng Hóa đang trú ẩn. Đồng đội bắt đầu leo dây qua các khe đá tìm lối vào hang thì phát hiện có một lỗ thông xuống hang chỉ đủ để đẩy chiếc ống nứa vào trong. Khi đẩy ống vào được 5-6m thì thấy động đậy và nghe tiếng kêu cứu vọng từ ống nứa nên đồng đội xác định 8 thanh niên xung phong (4 nam, 4 nữ) vẫn còn sống.

1T3.jpg
1T3.jpg

Trước mắt, mọi người chỉ có thể đổ cháo loãng, nước uống xuống cho đồng đội thông qua ống nứa cứu đói. Họ tính dùng mìn phá cửa hang nhưng sợ sức ép sẽ khiến 8 người trong hang chết nên dùng xe xích móc cáp vào hòn đá kéo ra, nhưng tảng đá quá lớn nên phương án này cũng không thực hiện được.

Tiếng cuốc, tiếng xẻng chan chát đào vào từng tảng đá, khối đất hòng mở lối cứu đồng đội, nhưng khối đất đá ấy cứ trơ ra như thách thức lòng người, rồi ngày một, ngày hai trôi qua trong vô vọng. Mọi người bên ngoài chỉ còn nghe thấy tiếng vọng yếu ớt “Bầm ơi cứu chúng con, anh chị ơi cứu chúng em với”. Ban đầu là tiếng kêu lớn đồng thanh của các cô gái, chàng trai nhưng qua từng giờ, từng ngày thì tiếng vọng ấy cứ nhỏ dần rồi 9 ngày sau thì tắt lịm phía sau khối đá vô tình.

* Ngày trở về

8 thanh niên xung phong cứ thế nằm im trong lòng đất, hòa thân mình vào thiên nhiên để “ngủ” một giấc an lành chờ ngày dân tộc được độc lập. Những mầm xanh của cây rừng, nơi vách núi đá khô cằn ấy cứ thế vươn lên. Họ cứ “ngủ” yên bình trong vách núi ấy và những đồng đội còn sống vẫn không thể nào quên tiếng vang vọng kêu cứu năm xưa.

Đoàn Báo Đồng Nai nghe hướng dẫn viên kể chuyện trong chuyến công tác đến thăm hang Tám Cô.
Đoàn Báo Đồng Nai nghe hướng dẫn viên kể chuyện trong chuyến công tác đến thăm hang Tám Cô.

Mãi đến 24 năm sau (tức năm 1996), khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt. Lúc này hình hài của 8 thanh niên xung phong chỉ còn là những bộ xương được gói ghém cẩn thận, đưa về quê mẹ yên nghỉ.

Theo lời kể lại của những người đặt chân vào hang Tám Cô đầu tiên thì những bộ xương đó không nằm tách rời nhau mà ôm chầm lấy nhau thành một khối như ngọn lửa đang nhen nhóm. Có lẽ họ ôm nhau để thấy không đơn độc, không lạnh lẽo giữa núi rừng vắng lặng và để sát cánh cùng nhau trong phút giây sinh tử của cuộc đời.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Huệ (đoàn công tác của Đồng Nai) đã không giấu được sự xúc động khi ra thăm hang Tám Cô: “Khi đến tận nơi và được nghe kể câu chuyện về hang Tám Cô mới thật sự cảm nhận được sự hy sinh mất mát quá lớn của những chiến sĩ năm xưa. Hòa bình ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi, nước mắt của bao người đi trước”.

Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng, trung bình mỗi ngày hang Tám Cô đón hàng chục đoàn khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến viếng. Ngoài nhang và lễ được chuẩn bị sẵn tại đây để các đoàn dâng lên các liệt sĩ thì khách còn mang theo lễ của vùng miền nơi họ sinh sống. Nhất là mùa lễ tết, khách viếng thăm thường dâng lên lễ vật là những chiếc bánh chưng tự tay gói để tỏ lòng thành kính đối với những người đã nằm xuống nơi đây.

Không còn nghe tiếng vọng năm xưa nhưng khách đến viếng hang Tám Cô vẫn không khỏi xúc động khi hiểu hơn về sự hy sinh anh dũng, kiên cường của những thanh niên xung phong bạt núi, vượt khe để mở đường cho xe ra tiền tuyến. Sự hy sinh của họ đã trở thành một huyền thoại đẹp trên đường 20 Quyết Thắng, là sự tự hào về tinh thần đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Tố Tâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  558,930       60/2,995