Văn hóa

"Ăn chơi" ở Đồng Nai xưa

Là vùng đất địa đầu phương Nam, tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa từ khắp nơi, vấn đề ẩm thực và trò tiêu khiển, thú vui chơi của người dân Đồng Nai thời mở cõi cũng có những nét riêng độc đáo.

Một nhóm đánh cờ tướng ở Công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) - hình ảnh thường thấy ở Đồng Nai.
Một nhóm đánh cờ tướng ở Công viên Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa) - hình ảnh thường thấy ở Đồng Nai.

* Ăn đa dạng

Do thời khí của 2 mùa mưa nắng, vừa có vườn ruộng phong phú vừa có sản vật biển, rừng, sông hồ nên cách ăn uống của người Đồng Nai có sắc thái riêng của địa phương, cách chế biến cũng phong phú. Theo Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), Đồng Nai là xứ có nhiều sông ngòi nên người dân ưa ăn mắm, “có người một bữa ăn hết 2 hũ mắm độ 20 cân, để đố cuộc nhau cho vui”. Mắm ở Đồng Nai đa dạng, mang tên gọi của vật liệu: mắm cá đồng (lóc, sặc, linh), mắm cá biển (nục, cơm), mắm còng, mắm tép, mắm chua (tôm và đu đủ), mắm ruốc, mắm nêm… Đặc biệt, người Đồng Nai do ảnh hưởng của người Hoa nên thích ăn cá mặn, chế biến thành món hàm dĩ (cá mặn bằm chung với thịt heo, trộn trứng vịt đem chưng cách thủy). Người Đồng Nai cũng thích ăn lẩu - món ăn được người Hoa mang sang, từ lẩu do từ “lô” (bếp lò, cách ăn lẩu là phải có bếp lò tại bàn) trong tiếng Hoa mà ra.

Khác với đám tiệc ở miền Bắc thường có 4 món chính: ninh, giò, nem, mọc, ở Đồng Nai cơ cấu 4 món chủ yếu là: hầm, luộc, kho xào, nhiều nơi có thêm món phụ như: nướng, rau dưa, gỏi, bánh trái tráng miệng. Món hầm thường là giò heo hầm măng, ngụ ý nhớ gương hiếu thảo “Mạnh Tông khóc măng” trong Nhị thập tứ hiếu. Món luộc cũng là kiểu nấu chín rau, thịt cá bằng nước sôi, nhưng có nhiều kiểu luộc: chín, nhừ, trụng (luộc sơ)… Món chiên, xào dùng dầu mỡ làm chín thức ăn, nhưng người Đồng Nai có cách chế biến “chiên xù” để làm giòn, đặc biệt là với cá. Xào thì ngoài xào chua, xào ngọt, xào mặn còn có các món xào chua ngọt và xào giòn (mì xào giòn) là ảnh hưởng từ người Hoa.

Món kho dễ thực hiện, rất phổ biến, nguyên liệu và cách chế biến lại phong phú: thịt, cá, tôm tép, kể cả các loại rau củ (kho chay); kho tàu (có nước), kho ngót (kho nhưng vị lạt), kho khô, kho quéo, kho rặc; kho tộ (kho trong cái tô lớn)… Món nướng cũng có nhiều cách chế biến: nướng mọi (không sử dụng gia vị hoặc sử dụng ít, chủ yếu là muối ớt theo cách của đồng bào dân tộc thiểu số), nướng lụi (ghim vào que tre để nướng), nướng đất sét (bọc lớp đất sét bên ngoài), nướng gói (dùng lá cây như lá chuối, lá lốp bọc bên ngoài), nướng trui (đốt bằng rơm, hoặc vùi trong bếp lửa), nướng tréo (nướng nguyên cả con). Người Hoa còn có cách nướng riêng gọi là quay.

Chuyện ăn và chơi không chỉ là ăn chơi, mà thể hiện nét văn hóa, kinh tế - xã hội của vùng miền, cộng đồng. Đồng Nai là xứ đất đai màu mỡ, được thiên nhiên ưu đãi nên đời sống người dân ngày càng phát triển, nhất là từ năm 1802 Gia Long lên ngôi, chấm dứt cuộc chiến giằng co giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn. Cuộc sống dễ dàng, lòng người cũng rộng mở, phóng khoáng. Nếp ăn, nếp chơi ở làng xã Đồng Nai biểu trưng sống động cho tinh thần đoàn kết, hợp nhất của người dân, góp phần làm đậm nét bản sắc văn hóa của Đồng Nai.

Canh chua là món ăn thường thấy ở các vùng miền, nhưng ở Đồng Nai có nhiều loại gia vị làm chua, ngoài các loại “thừa kế” như: mẻ, hèm rượu, lá giang (vùng gò đồi), me (lá non, trái sống, trái chín)… người dân vùng nước lợ Nhơn Trạch còn có món canh chua “độc chiêu” với gia vị chua từ trái bần. Người Đồng Nai cũng thích ăn canh nấu từ các loại rau vị mát (dền, mồng tơi, sam đất, chùm bao, rau đắng, đọt bầu, đọt bí, đọt mướp, bù ngót) hái trong vườn nhà, gọi là canh tập tàng.

Ở Đồng Nai có món gỏi với cách chế biến độc đáo. Nguyên liệu gỏi đa dạng, không cố định tùy theo sự sáng tạo của người chế biến, gồm nhiều loại rau, củ, quả, hoa (như hoa chuối, còn gọi là bắp chuối) trộn với thịt, cá, tôm tép, thêm gia vị trộn chủ yếu là chua kết hợp với ngọt, mặn theo tỷ lệ nhất định. Chẳng hạn, người miền Bắc ăn gà luộc với lá chanh, nhưng người Đồng Nai có thể trộn với bắp chuối, thân chuối non, bắp cải, cà rốt, ngó sen, rau muống bào mỏng, rau răm, rau húng… chế biến thành món gỏi gà. Vùng Long Thành - Nhơn Trạch, Bà Rịa, Long Hải - những khu vực sông nước, biển còn có món gỏi cá sống.

Về thức uống, người Đồng Nai uống trà như các vùng miền khác nhưng trà vị nhạt hơn, không uống đậm như người miền Bắc. Người địa phương cũng uống trà tươi theo kiểu Huế. Cách pha trà, uống trà không cầu kỳ, thậm chí ở vùng nông thôn người dân còn uống trà bằng tô, chủ yếu là giải khát, giải nhiệt chứ không chỉ uống để thưởng thức. Có lẽ vì ở xứ nóng, nước trà uống loãng, uống nhiều để giải nhiệt đã hình thành thói quen uống trà đá sau này. Không rõ cây trà có mặt ở Đồng Nai từ lúc nào, nhưng Gia Định thành thông chí viết vào khoảng đầu thế kỷ 19 đã nhắc đến trà xứ Đồng Nai. Trà Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) khá nổi tiếng, được nhắc đến qua câu truyền tụng “Nước Mạch Bà, trà Phú Hội”.

Ngoài trà, người Đồng Nai còn chế biến nhiều loại nước giải nhiệt thay lá trà như: nước đậu đen, nước rễ tranh (có thể thêm một số nguyên liệu như râu bắp, mã đề, mía lau), nước lá dứa… Uống để giải khát còn có nước hột é, hột ươi, mủ trôm. Người Hoa có các loại nước uống giải nhiệt như: la hán quả, trà hoa cúc, nước táo đỏ, nước sâm (gồm rong biển, rễ tranh, trường sanh, thục địa, cam cúc hoa, kỷ tử, sâm hồng)…

Thức uống có cồn, Biên Hòa có rượu Thạch Than nổi tiếng từng được nhắc đến trong Gia Định thành thông chí. Rượu đế Bến Gỗ (xã An Hòa, TP.Biên Hòa) được ưa chuộng. Người Đồng Nai cũng thích dùng rượu ngâm, nguyên liệu ngâm phong phú: trái chuối hột, trái ngâu, trái quách; rắn, tắc kè cùng một số động vật khác. Người Hoa có bài thuốc Bắc ngâm rượu gọi là rượ thuốc, khá phổ biến.

* Chơi phong phú

Những trò tiêu khiển thường thấy trong các làng xã là: chơi banh, chơi cờ tướng, đá cầu, đá gà, đá cá, đánh đu, đánh vật, coi hát tuồng, hát bội (sau này có thêm cải lương), múa…

Trong trò chơi banh, người Đồng Nai không dùng chân đá như ngày nay mà dùng một cây gậy nhỏ để đánh banh vào hố đất của đối phương, tương tự như trò chơi đánh phết ở phía Bắc. Còn trong trò chơi đá cầu, người chơi đứng thành vòng tròn dùng chân chuyền cầu cho nhau, ai để rơi cầu thì thua; hoặc mỗi người biểu diễn kỹ thuật cá nhân bằng cách tâng cầu, ai tâng cầu nhiều nhất thì thắng. Đây đều là những môn đòi hỏi sự vận động cao cùng phối hợp tập thể ăn ý, rèn luyện thể lực rất tốt, được các tầng lớp nhân dân ở Đồng Nai ưa chuộng, mang tính phổ quát.

Chơi cờ tướng - một trò chơi trí tuệ cũng được người Đồng Nai yêu thích. Trong cộng đồng, làng xóm luôn có những nhóm thích cờ tướng đánh cờ với nhau gần như hằng ngày. Một số người say mê cờ tướng còn đi khắp nơi để giao lưu, thi đấu. Cho đến nay, tại Đồng Nai vẫn còn hình ảnh vào buổi chiều ở công viên, hè phố, lề đường các “kỳ thủ” say sưa bên bàn cờ tướng, xung quanh là những người quan sát, bình luận từng nước đi, thế cờ.

Một thú chơi khác kén người chơi hơn nhưng cũng khá phổ biến ở Đồng Nai, đó là đá gà. Trong nửa đầu thế kỷ 18 trở về sau, một trong các vị chúa Nguyễn là Võ vương Nguyễn Phúc Khoát rất say mê đá gà, sau đó có Đông Định vương Nguyễn Lữ (một trong 3 anh em nhà Tây Sơn) và Tả quân Lê Văn Duyệt cũng cực yêu thích trò chơi này nên đá gà thịnh hành ở Nam bộ, trong đó tương truyền trò gà tre đá cựa là xuất phát từ Đồng Nai. Già làng Năm Nổi (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cho biết thời xưa dân đá gà ở Đồng Nai thường săn tìm túi xạ hương thu được từ tuyến của con hươu xạ đực (còn gọi là chồn hương), khi gà đá với nhau đến hồ (hiệp) thứ 3 thì tìm cách bôi vào cánh của gà mình, khi gà đối thủ xáp vào (thường nghiêng về phía cánh đối phương để tìm thế tấn công) sẽ bị mùi xạ hương làm rũ liệt nên thua trận.

Dịp lễ tết, thanh niên nam nữ Đồng Nai ưa chơi trò đánh đu. Theo tác giả Gia Định thành thông chí, thể thức đu ở Đồng Nai có khác là “cột tre làm trụ, hai bên tả hữu đều trồng 3 cây một chỗ chân dạng theo vòng tròn. Khoảng giữa giá đu chỗ hai càng đu đưa qua lại, hai bên tả hữu trước sau chia trồng xiên 4 cây trụ tre chân cách rộng ra, buộc túm đầu tre vào cây giá cho chặt. Sáu đầu tre (mỗi bên 3) tại hai chân trụ được buộc túm đầu thật chặt rồi gác ngang ở giữa 1 cây gỗ tròn, xâu 2 cái ròng rọc treo tiếp liền với 2 cán tre dài gần đến đất, ước chừng cho người leo lên được, đầu dưới 2 cán tre gác ngang 1 miếng ván  để làm chỗ đứng, một người leo lên 2 tay cầm 2 cán tre 2 bên, uốn mình nhún xuống đứng lên để đu đưa theo gió chao đảo qua lại giữa không trung, ấy gọi là đánh đu. Có người hiếu sự, treo những khăn, quạt, tiền bạc để làm vật thưởng, ai đu lên cao đến chỗ treo vật thưởng ấy, nhanh tay chộp lấy, được tiếng là xuất chúng, nếu rủi tuột tay ngã xuống thì bị thương, có khi rất nặng. Lại có trò chơi vân xa thu tiên (tục gọi là đu tiên)…”.

PGS-TS.Huỳnh Văn Tới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  762,934       1/731