Đó là chia sẻ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường khi nói về 25 năm cầm máy ảnh của mình.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường (giữa) nhận giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015) của UBND tỉnh Đồng Nai trao tặng vào tháng 9-2017. Ảnh: V.TUYÊN |
Từ khi bắt đầu biết nhiếp ảnh cho đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh vừa bước qua tuổi 59 này đã có may mắn được tiếp cận với nhiều sự kiện quan trọng để tác nghiệp, đi nhiều nơi… và có trong tay gần 200 giải thưởng lớn, nhỏ.
* Đeo bám đến cùng
Chia sẻ về những gì mình đạt được, người nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện đang sinh sống tại phường Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) cho hay đó như là một cái duyên, một sự may mắn mà số phận đã dành cho ông khi bắt đầu cầm máy. Song ông cũng có bí quyết riêng cho mình đó là đeo bám sự việc đến cùng. Bởi theo ông, chỉ khi sự việc có sự quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra thì người cầm máy mới thể hiện hết trách nhiệm với nghề.
Trong 25 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường có gần 200 giải thưởng lớn nhỏ, trong đó tiêu biểu có: giải nhất cuộc thi ảnh nghệ thuật Đồng Nai năm 2005 do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai. Giải nhất cuộc thi ảnh đẹp do Fujifilm và Tạp chí Nhiếp ảnh tổ chức năm 2006. Giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ II (2000-2005), được UBND tỉnh Đồng Nai trao năm 2008. Giải nhất cuộc thi ảnh an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai năm 2012, do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức. Giải nhất cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật Đồng Nai năm 2013, được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai. Giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần thứ IV (2011-2015). Giải C cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2017, do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức… |
Cũng như nhiều anh em có cùng đam mê nhiếp ảnh tại Đồng Nai, Trần Hữu Cường chủ yếu tự đi chụp ảnh phong cảnh, chân dung con người trong sinh hoạt hàng ngày là chính. Chỉ khi Hội Văn học nghệ thuật tỉnh mở trại sáng tác, ông với tư cách là hội viên mới có điều kiện vào nhà máy, trang trại và những khu vực hạn chế người ra vào để chụp ảnh. Còn với những sự kiện mang tầm quốc gia dù diễn ra ngay tại Đồng Nai nhưng anh em hội viên phải bốc thăm chọn người bởi tất cả không thể đi hết vì nhiều yếu tố.
Vậy là, để có cơ hội được tiếp cận sự kiện tác nghiệp theo cách không chính danh, ông phải vận dụng sự kiên trì đeo bám, cộng thêm chút ít may mắn. Đó cũng là lý do vì sao tháng 7-2017, tại lễ truy điệu hài cốt liệt sĩ hy sinh năm 1968 được tìm thấy ở Sân bay Biên Hòa, trong khi nhiều nhiếp ảnh gia khác đến cổng rồi phải ra về vì không được tiếp cận địa điểm thì ông lại có mặt để ghi hình, và bộ ảnh Làm theo lời Bác với 8 bức ảnh chụp tại sự kiện đã ra đời. Bộ ảnh này sau đó đoạt giải C cuộc thi sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017 do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức.
“Sự kiên trì, đeo bám đến cùng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường khiến tôi rất phục. Tôi cũng đang cố gắng học tập để có được thành công trong nghề” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Hòa (hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, ngụ huyện Trảng Bom) nói.
* Sống với nghề
Khi nghĩ về 25 năm cầm máy ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường đúc kết: “Nhiếp ảnh đã cho tôi và gia đình nhiều thứ quý giá trong cuộc sống, không chỉ là vật chất mà còn là giá trị tinh thần và cách nhìn nhận vấn đề”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường chuẩn bị máy trước giờ thực hiện chuyến đi săn ảnh. Ảnh: V.Tuyên |
Ít ai biết được rằng trước năm 1993, Trần Hữu Cường là công nhân làm việc trong công ty nước ngoài với thu nhập thuộc dạng cao so với mặt bằng chung lúc bấy giờ. Nhưng vì nhiều lý do, ông mất việc. Một lần tình cờ, đọc Báo Đồng Nai thấy đăng thông tin tuyển học viên tham gia lớp chụp ảnh dài 3 tháng, ông đăng ký tham gia. “Khi học tôi thấy rất thích, rồi từ kiến thức do các anh phóng viên của Báo Đồng Nai là Phan Dẫu, Đỗ Trung Tiến truyền đạt, tôi bắt đầu chụp dịch vụ và chơi ảnh nghệ thuật. Lúc đó thu nhập từ chụp ảnh, quay phim dịch vụ giúp gia đình tôi có cuộc sống tốt. Nghề này giúp tôi vừa kiếm được tiền vừa thỏa đam mê” - ông Trần Hữu Cường kể.
Cũng nhờ có nghề chụp ảnh mà ông được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống. Ông chia sẻ có lần khi chụp dịch vụ cho một đám cưới tại khu vực Bến Gỗ, khi lễ gia tiên vừa xong thì cũng là lúc thành viên 2 nhà trai gái xông vào đánh nhau không thương tiếc. Nguyên nhân là do nhà gái khinh nhà trai nghèo mà có thái độ không đúng mực. Hay có lần, 2 họ đang ăn tiệc bỗng nhảy vào đánh nhau mặc cho cô dâu, chú rể can ngăn cũng vì nhà trai cho cô dâu vàng giả, mà nguồn cơn bắt nguồn do nhà gái thách cưới quá nhiều, vượt khả năng của đàng trai nên gia đình chú rể phải mua vàng giả mong qua mặt đàng gái để con mình cưới được vợ.
“Những câu chuyện này kể ra có người cho là chuyện vui, nhưng tôi lấy đó để răn mình và dạy dỗ các con sống tốt với mọi người, nhìn nhận sự việc khách quan và biết cảm thông với từng hoàn cảnh” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hữu Cường nói.
Võ Tuyên