Nhìn lại phim điện ảnh Việt năm 2017, giới phê bình chuyên môn lẫn người yêu môn nghệ thuật thứ bảy này có lẽ có cùng một cảm giác rằng đây là một năm lượng phim Việt được phát hành khá nhiều về số lượng và cũng tạp chủng về chất lượng lẫn doanh thu.
Năm 2017 có khoảng 40 phim được ra rạp, qua đó chứng kiến nhiều phim chênh nhau về mặt đẳng cấp đến mức độ người xem cảm thấy có thể dùng từ “thượng vàng hạ cám” để diễn tả tình trạng này.
Nói thượng vàng, bởi có không ít những bộ phim thành công về mặt nghệ thuật như: Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Có căn nhà nằm nghe nắng nghe mưa, Dạ cổ hoài lang… hay thành công về mặt doanh thu như phim Cô ba Sài Gòn 60 tỷ đồng, Cô gái đến từ hôm qua sau 10 ngày công chiếu thu về 50 tỷ đồng dù sau đó không công bố doanh thu cuối cùng. Và phá vỡ kỷ lục phòng vé phim Việt chính là bộ phim Em chưa 18 với doanh thu 169 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó không thiếu những phim trong giai đoạn quảng bá làm khán giả khấp khởi đợi chờ như: Mẹ chồng, Giấc mơ Mỹ, Chí Phèo ngoại truyện... rồi đến khi công chiếu như tạt một gáo nước lạnh vào mặt khán giả bởi sự dở đến khó hiểu.
Có khá nhiều lý do để phim Việt nhìn chung bị xem là dở như nhiều nhà phê bình đã đánh giá rất nhiều trước đây. Tuy nhiên, riêng năm 2017 phim Việt hầu hết thành bại dường như nằm ngay ở kịch bản phim là vấn đề đầu tiên luôn được nhắc tới. Cha cõng con, Đảo của dân ngụ cư, Em chưa 18... thành công ngay ở khâu ý tưởng và kịch bản. Mẹ chồng, Giấc mơ Mỹ, Chí Phèo ngoại truyện... thất bại cũng ở ngay khâu kịch bản.
Như phim Mẹ chồng, vì kịch bản lỏng chỏng làm cho dàn diễn viên toàn những ngôi sao, người mẫu tham gia biến thành một màn trình diễn thời trang hơn là đóng một bộ phim. Sự không lớp lang, tình huống hời hợt và có khi vô lý là cái thường thấy chung ở những bộ phim này. Đến như một phim được cho là thành công về mặt doanh thu như Cô ba Sài Gòn được đầu tư chỉn chu mọi khâu ngoại trừ khâu kịch bản quá yếu, nếu không chắc chắn bộ phim này sẽ đạt được thành công gấp nhiều lần so với thực tế.
Dân gian có câu “có bột mới gột nên hồ”, nhìn lại phim Việt trong năm qua, dù lượng phim ra khá nhiều nhưng lượng “bột” kịch bản dường như lúc dày lúc mỏng làm cho chất lượng các phim chênh lệch một cách quá ngưỡng như vậy. Khi kịch bản quá yếu thì các yếu tố đạo diễn giỏi, diễn viên ngôi sao hay diễn xuất tốt cũng khó mà vớt vát được.
Để giải thích cho yếu tố kịch bản này, có ý kiến cho rằng bởi nước ta hiện nay đang thiếu một cách trầm trọng những nhà biên kịch chuyên nghiệp và chắc tay mà hầu hết là từ các nhà văn chuyển sang làm nhà biên kịch hay đạo diễn lại kiêm luôn phần viết kịch bản. Mà cả 2 nguồn kịch bản này chắc chắn không thể cho ra một lượng phim tương đối đồng đều nhau về mặt chất lượng được.
Chính hiện thực trên đây có thể cho chúng ta một dự báo về tương lai đối với chất lượng các kịch bản phim Việt. Sẽ tiếp tục có sự chênh lệch lớn và tiếp tục làm cho khán giả rơi vào trạng thái hồi hộp trước khi mỗi phim được công chiếu chính thức với tình hình này.
Bảo Bình