Văn hóa

Làng Chơro hiến máu cứu người

"Nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ cho bà con nhà ở, vốn làm ăn, tạo điều kiện cho con cháu đến trường, chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi không có gì để đáp ơn nên tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người"- ông Thổ Phú (65 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TX.Long Khánh), thay mặt bà con người dân tộc Chơro chia sẻ.

“Nhà nước và các mạnh thường quân hỗ trợ cho bà con nhà ở, vốn làm ăn, tạo điều kiện cho con cháu đến trường, chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi không có gì để đáp ơn nên tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người”- ông Thổ Phú (65 tuổi, ngụ xã Bảo Quang, TX.Long Khánh), thay mặt bà con người dân tộc Chơro chia sẻ.

Bà Trần Kim Oanh (bìa trái), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang, TX.Long Khánh liệt kê số lượng giấy chứng nhận số lần hiến máu của gia đình ông Thổ Phú để làm thủ tục khen thưởng.
Bà Trần Kim Oanh (bìa trái), Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang, TX.Long Khánh liệt kê số lượng giấy chứng nhận số lần hiến máu của gia đình ông Thổ Phú để làm thủ tục khen thưởng.

Chính nhờ suy nghĩ tích cực này mà nhiều cá nhân, gia đình người dân tộc Chơro tại xã Bảo Quang đã nhiệt tình tham gia hiến máu cứu người với những con số ấn tượng, như: gia đình ông Thổ Phú có 130 lần hiến máu, gia đình ông Thổ Xịt có 95 lần hiến máu, gia đình Thổ Điểm có 89 lần hiến máu...

* Vượt qua lời đồn

Theo ông Thổ Xịt (60 tuổi), năm 2004 ông được bà Trần Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang đến nhà vận động tham gia hiến máu cứu người. Suy nghĩ mấy ngày, ông Thổ Xịt đồng ý. Nhưng khi nghe ông đi hiến máu, những người trong xóm nói với ông nếu cho máu sẽ bị bệnh, mất sức lao động. “Sợ thì có sợ nhưng đã nhận lời tham gia thì tôi cũng quyết đi thử. Khi lần đầu tới điểm lấy máu tình nguyện, nhìn cảnh kim tiêm đâm vào tay rồi máu chảy vào bịch đựng, tôi sợ. Nhưng khi nằm lên giường để lấy máu thì tôi không còn sợ nữa”- ông Thổ Xịt kể.

Theo bà Trần Kim Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện xã Bảo Quang, địa phương đang tiến hành các thủ tục đề xuất các cấp Hội, chính quyền tuyên dương khen thưởng cho các hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Chơro có nhiều lần hiến máu cứu người. Khi nghe tin này, bà con Chơro rất phấn khởi. Đây cũng là cách để khuyến khích bà con tiếp tục tham gia hiến máu cũng như tạo động lực thu hút thêm nhiều người tham gia vào việc làm ý nghĩa này.

Sau lần đó, cứ 3 tháng/lần, ông Thổ Xịt đều đặn tham gia hiến máu. Đến nay, vợ chồng và con trai ông Thổ Xịt đã có 95 lần hiến máu cứu người. Người nhiều nhất là 33 lần, còn người ít nhất cũng đã có 29 lần hiến máu.

Cũng đi hiến máu nhiều lần với ông Thổ Xịt là ông Thổ Điểm (50 tuổi). Ông Thổ Điểm còn khuyến khích vợ, con cùng làm việc ý nghĩa như mình, vì: “Mọi người sau khi hiến máu trở về nhà đều khỏe, làm rẫy bình thường. Nên mỗi lần có đợt hiến máu là đều hăng hái tham gia”.

Đặc biệt hơn, do là người có loại máu hiếm nên ông Thổ Điểm còn cùng nhiều người khác đăng ký tham gia ngân hàng máu sống để kịp cứu người khi cần. “Có lần đã hơn 21 giờ, cả nhà đang ngủ, nhưng nghe bệnh viện gọi cần loại máu của tôi để cứu người bị tai nạn, tôi liền chạy ngay ra Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh để hiến máu” - ông Thổ Điểm nói.

* Điển hình hiến máu của cộng đồng

Đến nay, ông Thổ Điểm đã hiến máu 42 lần. Vợ ông cũng được chồng vận động và tham gia hiến gần 30 lần. 2 người  con của ông bà cũng đã bắt đầu hiến máu với mỗi người từ 2-6 lần.

Còn gia đình ông Thổ Phú tuy chỉ có 3 thành viên nhưng đã tham gia hiến máu 130 lần. Ông Thổ Phú cho biết: “Tôi là người lớn tuổi trong làng Chơro. Khi tôi tham gia hiến máu về, bà con thấy tôi vẫn khỏe mạnh, hiến máu nhiều lần, còn được thị xã, tỉnh tuyên dương, tặng giấy khen, bằng khen, tiền thưởng thì ai cũng muốn đi”.

Cũng theo ông Thổ Phú, có lần sau khi hiến máu xong, ông còn lấy xe gắn máy chạy nhiều vòng để đưa đón những hàng xóm đến nơi hiến máu và trở về. Sự nhiệt tình của ông cùng với việc sau khi hiến máu cứu người vẫn khỏe mạnh, lao động tốt đã khuyến khích những gia đình Chơro khác cùng tham gia nghĩa cử cao đẹp này.

Theo bà Trần Kim Oanh, câu lạc bộ hiện có 45 thành viên và 5 hộ gia đình tham gia hiến máu tình nguyện. Gần 2/3 số thành viên nòng cốt trong số này là người dân tộc Chơro. Đây là tín hiệu rất mừng, bởi nếu năm 2004 mới chỉ có 5 người dân tộc Chơro tham gia hiến máu cứu người thì nay đã tăng lên nhiều. Cũng chính nhờ những hạt nhân nòng cốt này mà số người Chơro trong xã tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng tăng.

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  673,925       1/1,303