Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ ở nơi có đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt và giam bằng lái xe. Trong khi đó, vượt "đèn đỏ" ở các giao lộ với đường sắt thì vẫn vô tư, dù độ nguy hiểm cao hơn. Tình trạng người dân cố tình "cắt đầu" tàu hỏa ở Biên Hòa hiện diễn ra khá phổ biến.
Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ ở nơi có đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt và giam bằng lái xe. Trong khi đó, vượt “đèn đỏ” ở các giao lộ với đường sắt thì vẫn vô tư, dù độ nguy hiểm cao hơn. Tình trạng người dân cố tình “cắt đầu” tàu hỏa ở Biên Hòa hiện diễn ra khá phổ biến.
Đoạn đường sắt gần Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh dù đã bị bít nhưng người dân vẫn cố mở đường khác để vượt qua. |
Khi dừng xe chờ cho tàu hỏa qua, không khó bắt gặp cảnh nhiều người dân cố tình lách qua đầu cần barie để tiếp tục đi trong tình trạng tàu đang tới. Nhiều phen nhân viên gác chắn và mọi người thót tim.
* Vô tư vượt
Chị Lê Thị Hằng, nhân viên gác chắn đường tàu trên đường Dương Tử Giang, cho hay chuyện đóng chắn rồi nhưng nhiều người vẫn cố lách qua để đi là bình thường. Nhiều người chở con nhỏ đi học cũng vượt vô tư. Không ít trường hợp khi thấy nhân viên đang kéo giàn chắn thì vội vã tăng tốc xe để vượt gây nguy hiểm cho chính bản thân và cả người đóng chắn. “Giàn chắn rất nặng phải cố kéo. Có lần tôi phải bỏ chắn để tránh xe, nếu không thì xe tông trúng; cũng có lúc xe chạy nhanh quá không kịp lách, tông lật cả giàn chắn” - chị Hằng nói.
Điểm giao cắt trên đường Phạm Văn Thuận được xem là phức tạp nhất, tại đây phải bố trí 3 cần barie để chặn. Điểm giao cắt này giữa đường sắt và đường bộ không vuông góc, lại có nhiều hẻm ra ngay khu vực bên trong chắn. Bà Đỗ Thị Thu Hoài, nhân viên gác chắn tại điểm này, cho biết cần barie ở đây đã nhiều lần bị xe cố vượt tông gãy. Ở khu vực này, không chỉ xe máy mà cả xe ô tô và taxi cũng thường xuyên vượt qua cần barie.
Bên cạnh đó, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường khu vực này cũng khá bát nháo. Vào ngày mùng 1 và rằm hàng tháng, người dân tụ tập bán hoa, trái cây bít luôn cả chỗ hạ cần barie nên việc hạ chắn cũng khá khó khăn. Ông Lê Văn Vận, cũng nhân viên gác chắn ở đây, cho hay ông lo lắng nhất là các trường hợp cố vượt tàu vào ban đêm, vì đây thường là các đối tượng đã uống rượu, bia. “Ở đây là giao lộ cắt chéo nên rất dễ lọt bánh xe máy xuống rãnh đường ray. Nếu loay hoay không đưa xe lên kịp, tàu đến là xảy ra tai nạn. Việc này cũng đã từng xảy ra” - ông Vận nói.
* Khó phạt
Ông Hoàng Đông, Đội trưởng Đội Quản lý đường sắt Biên Hòa (thuộc Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn), cho rằng quy định về xử phạt hành chính việc cố tình vượt chắn để đi cũng có, nhưng việc xử phạt thuộc thẩm quyền của công an giao thông, trong khi thực tế không thể bố trí lực lượng công an giao thông hết ở đây được. Theo ông Đông, ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng, bởi phần lớn tai nạn đường sắt là do cố tình vượt tàu.
Ông Đông cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay Đội Quản lý đường sắt đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh rà soát và rào toàn bộ các đường ngang tự phát trên địa phận Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh có 36 điểm giao cắt chính thức có gác chắn, TP.Biên Hòa là 10 điểm. Riêng 1 điểm tự phát ở gần Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (từ phường Tân Biên qua phường Long Bình) cứ rào chỗ này dân lại tự mở chỗ khác để đi. Ông Đông cho biết tốc độ tàu chạy đoạn này lên đến 90km/giờ, rất nguy hiểm. Đoạn này được xem là điểm đen về tai nạn đường sắt. Ông Đông chia sẻ: “Chúng tôi không có chức năng phạt, chỉ là nhắc nhở người đi đường. Nhiều người bị nhắc nhở còn chửi, thậm chí đe dọa cả nhân viên gác chắn”.
Các nhân viên gác chắn cho rằng chuyện bị người vượt tàu chửi là thường xuyên; mọi người ít dám nhắc nhở người đi đường vì sợ bị hành hung, việc này đã từng xảy ra. Chị Nguyễn Thị Minh, nhân viên gác chắn điểm gần cầu Hiệp Hòa, cho hay cách đây khoảng 2 tháng một nữ nhân viên tại đây cũng đã bị đánh vì kéo chắn đường tàu không cho phương tiện vượt qua. Trước đó thì ở điểm chắn trên đường Võ Thị Sáu bị một số người kéo đến đánh nhân viên gác chắn phải nhập viện vì nguyên nhân tương tự.
Vân Nam