Văn hóa

Thân tầm gửi trên cây đời tục lụy

Câu thơ trên trích từ bài thơ An nhiên có lẽ là câu thơ đầy xúc cảm nhất về thân phận người giữa cuộc đời này trong tập thơ Sóng chữ sông quê vừa mới ra mắt của nhà thơ Văn Nguyên Lương...

Câu thơ trên trích từ bài thơ An nhiên có lẽ là câu thơ đầy xúc cảm nhất về thân phận người giữa cuộc đời này trong tập thơ Sóng chữ sông quê vừa mới ra mắt của nhà thơ Văn Nguyên Lương (ảnh) - một gương mặt thơ trẻ dự hội nghị những người viết văn trẻ TP.Hồ Chí Minh lần thứ IV do Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua.

Tập thơ được anh cấu trúc thành 2 phần, như 2 mảnh cảm xúc, 2 phía suy tư khôn nguôi trước cuộn xoáy của dòng đời. Phần đầu với tên gọi Mắc cạn sông quê là những trăn trở của nỗi nhớ, của hoài niệm về nơi chôn nhau cắt rốn mà anh vì cuộc mưu sinh đã phải lìa xa bao nhiêu năm ròng.

Vốn là một người con của “dòng sông Thoa chảy dọc tiếng Quảng thiết tha” anh trôi dạt làm phận một anh giáo ở tận phương Nam, nơi mà những bon chen nhọc nhằn luôn làm người ta cảm thấy bơ vơ, cần bấu víu và nương tựa vào hình bóng cũ của quê nhà, vào hình ảnh người mẹ tảo tần luôn đầy tình yêu thương dành cho con, vào cây khế, bông hoa, con chim, cánh bướm theo ta suốt những năm tháng thiếu thời. Nỗi nhớ ấy, làm vực dậy ý chí sống, cảm xúc sống biết bao trong tâm hồn thơ ấy.

Vậy mà, nghiệt ngã thay, như anh chàng Robinson từ hoang đảo sau 10 năm quay về quê cũ mới biết là quê cũ chỉ còn tồn tại trong tâm trí, như Lưu Nguyễn ngày xưa từ chốn Đào Nguyên tiên cảnh quay về trần gian, thấy cảnh xưa không còn, người xưa đã khác, tâm hồn thơ ấy hụt hẫng soi hình xuống dòng sông hoài niệm,  mà thốt lên rằng: “Bỗng giật mình/ Dòng sông quê mắc cạn/ In bóng người khúc xạ những vết thương” (Mắc cạn sông quê). Biết là mọi thứ sẽ đổi thay, và chính mình cũng đổi thay mà sao hoài niệm về quê hương, về ký ức vẫn không thôi đeo bám lấy đời người. Không thôi đeo bám lấy đời người nên mới sinh ra một đời thơ như vậy.

Đời mà nghĩ nên thơ thì thật ra cũng đầy vết thương. Và quả vậy, đến phần thứ 2 của tập thơ người đọc sẽ thấy một Văn Nguyên Lương đang Vấp tình trong từng câu chữ. Cũng có những khởi đầu cho tình yêu đẹp như bao người khi mà Chú ve non thức tiếng dậy thì/ Giục chúng mình hẹn ước”, cũng đẹp quá chừng với “Ánh mắt dài như sợi chỉ/ Khâu nỗi buồn anh hóa kiếp/ Anh như dãy hình dung từ/ Vẽ em trong ngôn ngữ/ Trinh nguyên…” (Bức thư tình đầu). Và cũng ngay liền đó, Văn Nguyên Lương liền thấy: “Sáng nay/ Tình cờ giữa phố quen/ Em ngoảnh mặt cuối con đường kỷ niệm/ Anh nghe xa lạ đến ngỡ ngàng” (Vấp tình). Rồi sau bao cay đắng tình cờ mà hữu duyên ấy, tận sâu tâm hồn rung động kia cũng nhận ra rằng “Hoa có thể rụng/ Màu có thể phai/ Nhưng mùa hoa không thể khác”. Và mùa yêu không thể khác, mùa người không thể khác, đó như là định mệnh vốn sẵn cho ai có mặt trên trần gian đầy hỉ, nộ, ái, ố này.

Là tập thơ đầu tay, hẳn nhiên còn nhiều điều để bàn về Sóng chữ sông quê của Văn Nguyên Lương. Nhưng bỏ qua những vụng về của lần đầu, người đọc sẽ chào đón một chàng thơ đang bước đi trên một con đường vốn đầy chông gai và thách thức.

Lê Trọng Nhã Anh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  681,278       1/566