Văn hóa

Độc đáo triển lãm lấy cảm hứng từ ngọn gió Lào

Vào lúc 17 giờ ngày 6-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh diễn ra khai mạc triển lãm nhóm Gió Lào 2017 với 9 họa sĩ thuộc thế hệ 8X, lớn lên tại vùng đất "đặc sệt" gió Lào và đều học mỹ thuật Huế.

Vào lúc 17 giờ ngày 6-5 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh diễn ra khai mạc triển lãm nhóm Gió Lào 2017 với 9 họa sĩ thuộc thế hệ 8X, lớn lên tại vùng đất “đặc sệt” gió Lào và đều học mỹ thuật Huế. Đây là lần thứ 2 ngọn gió Lào đi vào một triển lãm chung, lần thứ nhất khai mạc ngày 7-6-2014 tại phòng tranh Tự Do (TP.Hồ Chí Minh).

Tác phẩm Khoảng thở (acrylic trên toan, 150cm x 150cm, năm 2016) của Trần Ngọc Bảy tại triển lãm.
Tác phẩm Khoảng thở (acrylic trên toan, 150cm x 150cm, năm 2016) của Trần Ngọc Bảy tại triển lãm.

Lần thứ nhất có 6 họa sĩ trẻ, gồm: Hồ Văn Hưng, Nguyễn An, Nguyễn Văn Tùng, Trần Thế Vĩnh, Trương Thế Linh, Vũ Duy Tâm. Lần này có 9 họa sĩ với gần 40 tác phẩm, trong đó có 5 gương mặt mới bổ sung, gồm: Trần Ngọc Bảy, Nguyễn Văn Hè, Trần Hữu Nhật, Võ Văn Thân, Nguyễn Hoàng Trang.

Các tác giả này có mấy điểm chung, khiến cho triển lãm nhóm của họ đáng chú ý hơn về sự gắn kết. Đầu tiên, họ cùng xuất thân tại vùng đất thuộc Quân khu 4, nơi gần như hứng trọn sự khắc nghiệt nhất của chiến tranh qua các thời kỳ; hứng trọn các đợt gió Lào (còn gọi là gió phơn Tây Nam) khô khốc, rát bỏng…, nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tính, thị giác, thẩm mỹ của từng người. Có thể nói dân Quân khu 4 luôn có một khí chất và lối hành xử riêng, nó khác dân Quân khu 5 kế cận, dù cùng mảnh đất miền Trung khắc nghiệt, lại càng khác Quân khu 3, thiên về phía Bắc.

Họ cùng học tại Trường đại học Huế - nơi có truyền thống và quan niệm đặc thù về mỹ thuật - nên cũng đặt để nhiều “cơ sở” tư duy chung. Nói một cách nôm na, xem tranh của các họa sĩ xuất thân tại đại học này sẽ thấy những khác biệt so với các trường mỹ thuật khác tại Việt Nam.

Hai đặc điểm ở trên có những tác động rõ ràng đến tâm cảnh chung của Gió Lào 2017, dù họa pháp của mỗi người là khác nhau. Dấu ấn của gió Lào, cát trắng, của đời sống hậu chiến, dấu vết văn hóa cũ của kinh đô Huế, ám ảnh tâm linh… là 4 chủ đề xuyên suốt của triển lãm.

Tác phẩm Nước (sơn dầu trên toan, 100cm x 180 cm, năm 2017) của Nguyễn Văn Hè tại triển lãm.
Tác phẩm Nước (sơn dầu trên toan, 100cm x 180 cm, năm 2017) của Nguyễn Văn Hè tại triển lãm.

Điều đó được nhìn thấy rõ ràng qua các tác phẩm của Nguyễn Văn Hè, Trần Thế Vĩnh, Võ Văn Thân, Hồ Văn Hưng, Nguyễn Hoàng Trang, Trần Ngọc Bảy, Nguyễn An… Ngay cả những bức tranh Thơ ngây, vẽ những em bé xinh xắn của Vũ Duy Tâm, hoặc những Giấc mơ hơi phiêu bồng, siêu thực của Trần Hữu Nhật… cũng mang đậm đặc trưng, lối sống của miền đất gió Lào.

Trong Gió Lào 2017, có người đã vào nghề lâu, có người mới vài năm, nhưng tất cả đều tỏ rõ sự nỗ lực trong việc tìm kiếm những dấu ấn riêng trên con đường chinh phục họa giới. Phải đến 4-5 họa sĩ trong số này đã được người xem chú ý qua các triển lãm trước đây. Chính vì vậy, những triển chung như thế này trở thành cơ hội hiếm hoi để người xem khảo sát, tìm hiểu tâm tính và tâm lý sáng tạo của một vùng đất có địa lý, văn hóa, lịch sử đặc thù.

Thêm một điểm đáng lưu ý nữa, tất cả họa sĩ trong Gió Lào 2017 đều còn trẻ hoặc rất trẻ, quá trình sáng tạo chắc còn dài, những tìm tòi hôm nay, qua năm tháng, sẽ trở thành chứng cứ cho việc “tự vẽ nên mình”. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 16-5.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  578,309       7/1,144