Văn hóa

Duyên sách cũ

Nghe nhà văn Thu Trân có việc làm đầy ý nghĩa là tổ chức một cuộc họp mặt để những người yêu văn chương và nhà hảo tâm mua tập truyện Tà đạo - thử một lần nhằm lấy tiền làm từ thiện, tôi hẹn đến một quán bình dân hỏi thêm chuyện.

Nghe nhà văn Thu Trân có việc làm đầy ý nghĩa là tổ chức một cuộc họp mặt để những người yêu văn chương và nhà hảo tâm mua tập truyện Tà đạo - thử một lần nhằm lấy tiền làm từ thiện, tôi hẹn đến một quán bình dân hỏi thêm chuyện. Trên đường đi đến Mũi Tàu gần Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa), thấy còn sớm so với giờ hẹn nên tôi cùng một đồng nghiệp ghé vào chỗ bán sách cũ trên vỉa hè đường Cách Mạng Tháng Tám, gần đình Phước Lư. Đây là điểm bán sách “tài tử” của một người yêu sách đứng tuổi, tên là Đức. Rất tình cờ, tại đây tôi gặp Khúc tráng ca dã tràng cũng của Thu Trân và có cả chữ ký tặng của tác giả cho một ai đó. Tôi liền mua tặng bạn đồng nghiệp. Gặp nhau ngay sau đó, Thu Trân “xin” lại cuốn sách và lần sau gặp lại mới cho biết người nhà của người được tặng sách đã bán ve chai (!) cuốn sách ấy trong một lần dọn nhà.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Nhà văn nhận lại cuốn sách đã ký tặng của mình được bán ở vỉa hè, chắc là buồn, nhưng nghĩ kỹ tôi thấy nên vui vì… sách còn được bán.

Tôi thường đến các nơi bán sách cũ, ở Biên Hòa ngoài điểm ở gần đình Phước Lư, còn có 2 điểm khác là Nhà sách Trọng gần Trường đại học Đồng Nai và Nhà sách Thiên Phú trên đường Nguyễn Ái Quốc (cách Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân chừng trăm mét). Đến các điểm bán sách cũ còn để giải trí, có cuốn nào ưng thì mua, không chủ tâm tìm một cuốn cụ thể nào. Nhà sách Trọng bán sách cũ lớn nhất Biên Hòa. Nhà giáo về hưu Hà Xuân Sơn, nguyên giáo viên môn Văn Trường THPT Ngô Quyền là khách hàng quen thuộc ở đây, cho biết đối tượng mua - bán sách chủ yếu là sinh viên, học sinh. Sách ở đây phần lớn là sách phục vụ giảng dạy và học tập. Còn chủ Nhà sách Thiên Phú thì khá “tâm lý” với mỗi khách hàng quen. Do đó, anh thường giới thiệu cho tôi sách tra cứu, chuyên đề và tôi đã từng mua được những cuốn ưng ý.

 Đến các nhà sách hay điểm sách cũ, tôi quan tâm đến các tác giả quen biết, tác giả trong tỉnh. Trong số các tác giả có sách xuất hiện ở điểm bán sách cũ, có sách của anh Mai Sông Bé, một cuốn ít được nhắc tới là Những lá thư thất lạc do Nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2014. Mới đây tôi mua được tập 1 Tuyển tập Chế Lan Viên, điều may mắn hiếm gặp là có bút tích của nhà thơ, không phải lời đề tặng mà là một bài tứ tuyệt. Bài thơ có tựa Sương trên cành (chưa tìm ra là đã in ở đâu), xin chép ra đây: Chim cu gù ánh sáng/ Hạt sương trên cành chưa rơi/ Anh ở hoàng hôn của tuổi/ Nên yêu sương móc của đời.

 Đi mua sách cũ, có khi gặp cuốn quý, như có lần tôi mua được cuốn Một thời đạn bom - Một thời hòa bình của Lý Chánh Trung. Tôi chơi với nhà báo Lý Chánh Dũng, nghe anh kể nhiều chi tiết về cha mình nhưng đọc cuốn sách mới thấy thêm nhiều điều lạ, nhất là trong sinh hoạt nghị trường trước và sau năm 1975.

 Sách cũ còn được bán qua mạng, nhờ kênh này tôi mua được cuốn Diện mạo thơ Đường của GS. Lê Đức Niệm, người thầy thỉnh giảng ở Trường đại học tổng hợp TP.Hồ Chí Minh năm 1977; lúc tôi học chỉ được phát giáo trình in roneo, nay là sách giấy đẹp. Giá inbox chỉ 40 ngàn nhưng chuyển qua tài khoản mất thêm 17 ngàn đồng, người bán ở tận Hà Nội. Có lần tôi còn mua được cuốn Thuở lập thân của Vũ Đình Hòe, giảm giá đồng hạng chỉ 10 ngàn đồng ở Hội sách Công viên Lê Văn Tám (TP.Hồ Chí Minh) trong khi giá bìa 97 ngàn đồng.

Duyên sách cũ nhưng có lẽ luôn mới ở từng điểm bán sách trong những tình huống mua sách thú vị.

Trần Phi Châu

Đồng Nai

© 2021 FAP
  579,042       3/1,113