Văn hóa

Đầu năm xem kịch Dấu xưa

Trong những ngày đầu năm 2017, vở kịch Dấu xưa của Nhà hát kịch 5B đã diễn báo cáo và ra mắt công chúng tại rạp Hưng Đạo, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Có rất đông cán bộ lãnh đạo, nghệ sĩ và khán giả hâm mộ thể loại kịch truyền thống đã đến xem, cổ vũ cho vở kịch.

Trong những ngày đầu năm 2017, vở kịch Dấu xưa của Nhà hát kịch 5B đã diễn báo cáo và ra mắt công chúng tại rạp Hưng Đạo, quận 1, TP.Hồ Chí Minh. Có rất đông cán bộ lãnh đạo, nghệ sĩ và khán giả hâm mộ thể loại kịch truyền thống đã đến xem, cổ vũ cho vở kịch.

Các cảnh trong vở kịch Dấu xưa.
Cảnh trong vở kịch Dấu xưa.

Kịch bản Dấu xưa của tác giả Thanh Bình, được nghiệm thu từ trại sáng tác chuyên nghiệp của các tác giả sân khấu vào năm 2014, được Nhà nước chọn đầu tư dàn dựng vào năm 2015. Sau hơn 2 năm chuẩn bị tập luyện và trau chuốt, vở diễn hình thành vào tháng 1-2017.

Điều đặc biệt là mọi người được nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ thông qua hình tượng nhân vật do nghệ sĩ Thanh Điền thủ diễn. Vở kịch mang đề tài những tưởng khô khan nhưng đã được dàn dựng khéo léo, thu hút sự quan tâm của người xem.

Kịch bản viết khá hóm hỉnh, chắc tay với liều lượng chi tiết vừa phải và có chắt lọc, trong đó hình tượng Bác Hồ khắc họa gần như nguyên bản trong các câu chuyện về học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Qua bàn tay dàn dựng của NSƯT, đạo diễn Trần Minh Ngọc, kịch bản trên giấy của Thanh Bình đã hóa thành những cảnh diễn sôi nổi, chặt chẽ và đầy sinh động trên sân khấu, nêu bật được những thông điệp quan trọng mà chủ đề của kịch bản nói đến: một tấm gương đạo đức của vị lãnh tụ vì dân phục vụ, không lãng phí vật chất, gần dân và tránh để dân bị phiền nhiễu.

Kịch bản Dấu xưa lấy bối cảnh của một làng quê miền Bắc, mượn câu chuyện một nông dân già phản ứng việc bị tịch thu đất đai làm công trình công cộng, ngầm phê phán một số thói hư, tật xấu của một số cán bộ, mà tiêu biểu nhất là thói cửa quyền, giáo điều trong công tác dân vận, thói xa hoa lãng phí, thói ưa thích hình thức, chuộng bề nổi khi báo cáo thành tích...

Với nhân vật bị phê phán là một cán bộ xã, vở kịch đã phục dựng lại tính cách của những quan chức sử dụng cán bộ theo cảm tính, đánh giá con người qua lý lịch… đã  xuất hiện trong liều lượng đủ dài để tạo điểm nhấn và làm cho vở diễn thêm tròn đầy.

Ngoài ra, cách xử lý đạo cụ và cảnh trí của vở kịch cũng là một ưu điểm đáng ghi nhận, thể hiện tài hoa của họa sĩ kết hợp hài hòa với công tác dàn dựng câu chuyện và ánh sáng, âm thanh. Các cảnh trí được chính các nhân vật xử lý một cách biến hóa, cộng các lớp thoại ngoài màn, các lớp diễn với đèn khoanh vùng, khiến toàn buổi diễn không hề lãng phí thời gian nào để thay cảnh. Đây cũng là một thủ pháp điểm nhấn khiến người xem phải “dính ghế” cho đến hết vở.

NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát kịch 5B, là người chủ trì thực hiện vở kịch mong muốn Dấu xưa trong thời gian tới sẽ được đến với công chúng nhiều hơn nữa, cụ thể là phục vụ các trường học, các tổ chức đoàn thể, các địa bàn dân cư để qua đó góp phần tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác Hồ.

Dù là đề tài truyền thống thường bị “mặc định” là khô khan, xơ cứng nhưng Dấu xưa đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách rất riêng, rất khác và qua đó tạo một dấu ấn tốt cho hoạt động nghệ thuật vào đầu Xuân Đinh Dậu này.

Triều Yên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  589,428       1/868