Sau thời gian "tạm lắng", đến tháng 8-2016 vừa qua tình trạng mất cắp hiện vật tái diễn tại một số di tích trong tỉnh.
Sau thời gian “tạm lắng”, đến tháng 8-2016 vừa qua tình trạng mất cắp hiện vật tái diễn tại một số di tích trong tỉnh.
Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), nơi vừa bị kẻ xấu lẻn vào lấy một chiếc chuông đồng cùng nhiều hiện vật được trưng bày tại đây. Ảnh: N.Sơn |
Điều đáng nói, thực trạng mất cắp hiện vật xảy ra không có gì bất ngờ và đã được các cơ quan chức năng dự báo từ trước. Song làm gì để bảo vệ hiện vật tại di tích đang là bài toán được đặt ra trong công tác bảo tồn di tích hiện nay.
Nỗi lo trở lại
Tháng 8 vừa qua, tại di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch), kẻ gian đã đột nhập vào khuôn viên đình và lấy cắp 2 cặp cá hóa long và 1 con lân (chất liệu gốm).
Cũng trong thời gian này, tại di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đình Bình Quan (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), kẻ xấu cũng đã lấy 1 chiếc chuông đồng cùng nhiều hiện vật được trưng bày ở đây.
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích - danh thắng tỉnh, tình trạng mất cắp hiện vật ở di tích tại Đồng Nai đã diễn ra nhiều năm qua. Cụ thể, vào các năm 2013, 2014 và đầu năm 2015, nhiều di tích đã xếp hạng lẫn phổ thông đều thông báo bị mất cắp hiện vật. Điển hình, tại di tích phổ thông đình Đa Lộc (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu), nhân lúc trời mưa to kẻ trộm đã phá khóa và lẻn vào đình lấy cắp 1 bộ lư, 1 cái kẻng, 1 chiêng và 2 cồng bằng đồng. Riêng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh miếu Tổ sư (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng mất cắp tượng ông Nhật - bà Nguyệt trên mái chính điện và một bộ lư trưng bày bên trong chính điện...
Những hiện vật kể trên đều có niên đại từ xa xưa nên rất có giá trị về văn hóa, lịch sử, là phần hồn của di tích. Và tất cả những sự việc này đều có một điểm chung là khi phát hiện ra vụ mất cắp, ban quý tế đình và ban công tác của ấp đã trình báo lên công an phường, xã và huyện, thành phố nhưng chưa có kết quả.
Làm gì để giữ hiện vật?
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các hiện vật tại di tích, các địa phương có di tích, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản, hiện vật. Ban quý tế mỗi di tích cần nâng cao trách nhiệm, tính cảnh giác không chủ quan trong việc trông nom di tích. Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích` - danh thắng tỉnh, ban quý tế, ban quản lý các di tích nên hạn chế việc mang hiện vật về nhà để tự trông nom vì sẽ làm giảm tính thiêng, giá trị văn hóa - lịch sử của di tích. |
Từ trước đến nay, việc bảo vệ di tích vẫn được thực hiện theo kiểu giao toàn bộ cho một mình ông từ trông nom. Tuy nhiên, do mức trả công cho ông từ chỉ từ 1-1,5 triệu đồng/tháng nên để đảm bảo cuộc sống, những người được xem là có mặt thường trực tại các di tích phải đi làm thêm nhiều công việc ở bên ngoài. Đó là với các di tích đã được xếp hạng, còn di tích phổ thông thì hoàn toàn không có người trông coi mà các thành viên trong ban quý tế chỉ luân phiên nhau đến thắp nhang hàng ngày.
Chính khoảng thời gian di tích không người trông coi đã tạo cơ hội cho kẻ xấu thực hiện việc đánh cắp hiện vật. Từ đó có thể thấy rằng, việc bảo vệ di tích phải gắn liền với đảm bảo đời sống của người trông nom. Thực tế đã có một số di tích tự giải quyết khó khăn về kinh phí thuê mướn người trông coi bằng cách tổ chức hoạt động dịch vụ giải khát, cho thuê diện tích sân để làm vườn ươm cây kiểng, bãi đậu xe như tại di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình Tân Lân, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền thờ Đoàn Văn Cự... với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ đó mà việc đảm bảo an toàn cho hiện vật của di tích cũng khá tốt.
Song, chỉ một thời gian sau các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu ban quý tế, ban quản lý các di tích ngừng thực hiện những hoạt động này. “Trong khi chúng ta kêu gọi đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn di tích thì việc ban quý tế, ban quản lý các di tích chủ động đề ra những hoạt động dịch vụ không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, tính trang nghiêm của di tích lại bị cấm. Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến kinh phí hoạt động của di tích, du khách phàn nàn vì thăm thắng cảnh tại Đồng Nai mà phần lớn nơi nào cũng không có lấy một dịch vụ tối thiểu. Vậy nên chỉ khi nào cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện để ban quý tế, ban quản lý các di tích thực hiện hoạt động dịch vụ ngay tại di tích thì việc bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, nghệ thuật kiến trúc mới có thể chuyển biến, bởi kinh phí Nhà nước không thể bao quát hết hàng ngàn di tích trong tỉnh” - ông Lê Trí Dũng phân tích.
Sông Thao