Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, với cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo tất cả các trí thức có tinh thần dân tộc, yêu nước đều phải được trân trọng.
Bác Hồ (giữa), cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài bên phải) và Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. |
Rất nhiều trí thức, quan lại cao cấp của triều đình phong kiến là những người có danh vọng trong xã hội đã đi theo cách mạng và có những đóng góp quan trọng cho đất nước và dân tộc. Một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất về cách quy tụ và vận động trí thức của Hồ Chí Minh chính là việc Bác Hồ đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ.
Người trí thức…
Huỳnh Thức Kháng sinh ngày 1-10-1876, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên. Năm 1900, ông thi hương đậu giải nguyên và năm 1904 đậu Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Mặc dù thi đỗ tiến sĩ nhưng Huỳnh Thúc Kháng lấy cớ bị bệnh để không ra kinh đô nhậm chức vì “việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn”. Đứng trước tình cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, muôn dân lầm than, đói khổ, năm 1905 ông cùng các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiến hành vận động các phong trào Nam Du, Duy Tân với tuyên ngôn: “Hỡi người trí thức kia ơi/Quăng vứt bút đi, vứt bút đứng lên/Đừng cam chịu tiếng ươn hèn/Hơi tàn còn thở, chớ quên phục thù”. Sau đó, ông trở về quê nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Quảng Nam.
Thương tiếc trước sự ra đi của cụ Huỳnh, Hồ Chủ tịch đã viết thư cho đồng bào cả nước, trong đó có đoạn: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội, đầy ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết. Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập...”. |
Tháng 3-1908, ông tham gia lãnh đạo phong trào chống thuế ở Trung kỳ và bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo. Sau 13 năm ngồi tù Côn Đảo, năm 1921 ông được trả tự do, bị quản thúc ở quê nhà. Để mua chuộc ông, thực dân Pháp mời ông cộng tác song ông khước từ. Tháng 7-1926, ông trúng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ và được cử làm Viện trưởng. Tháng 10-1927, nhận thấy tính chất bù nhìn của cơ quan này, ông tuyên bố từ chức trước khi đọc một bài phát biểu nảy lửa. Năm 1927, ông sáng lập tờ báo Tiếng Dân, một trong những tờ báo đầu tiên ở Trung kỳ. Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Thúc Kháng được Nhật mời tham gia nội các nhưng ông từ chối…
Người đạo đức danh vọng
Cách mạng tháng Tám thành công, cuối năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ Huỳnh điện trả lời Bác Hồ: “Thời tiết xấu, tôi chưa đi được và không thể nhận chức Bộ trưởng, nhưng trước sau gì tôi cũng ra gặp Cụ”. Sau đó ít ngày, Bác Hồ đánh bức điện thứ hai gửi cụ Huỳnh do đích thân Hồ Chủ tịch và Võ Nguyên Giáp - người đã có thời kỳ cùng làm báo Tiếng Dân với cụ Huỳnh - ký tên với nội dung: “Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ!”.
Trước tấm lòng tha thiết của Bác Hồ, cụ Huỳnh ra Hà Nội, đồng ý nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ (Bộ Công an hiện nay). Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Quốc hội họp để thông qua danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đề nghị. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giữ chức Bộ Nội vụ: một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết, đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng!”. Sau đó, cụ Huỳnh còn nhận nhiệm vụ làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Liên Việt).
Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường sang Pháp, trước giờ lên máy bay, Bác Hồ nắm tay cụ Huỳnh với lời nhắn gửi: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở cụ cùng với anh em giải quyết cho. Mong cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không thay đổi để đối phó với muôn sự thay đổi)”. Trong thời gian Bác Hồ ở Pháp, cụ Huỳnh được giao ủy nhiệm là Quyền Chủ tịch nước. Trong thời gian này, chính cụ đã chỉ đạo phá vụ án phố Ôn Như Hầu nổi tiếng của lực lượng công an cách mạng. Sau khi ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, có một số ý kiến quy cho Hồ Chí Minh bán nước, cụ Huỳnh đã nhận lãnh trách nhiệm đứng ra giải thích: “Hội đồng Chính phủ không bán nước!... Tôi xin tuyên bố vắn tắt với anh em, đó chẳng qua là một nước cờ của Hồ Chủ tịch với cả nước Pháp lẫn Tưởng Giới Thạch. Hồ Chủ tịch là một tay cao cờ. Tôi chắc chắn và anh em cứ đinh ninh rồi đây thế nào mình cũng thắng thế”.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, cụ Huỳnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đi kinh lý miền Trung và Nam Trung bộ. Có lần, cụ đã tâm sự với mọi người: “Tôi đã vào loại sáng nhưng Cụ Hồ lại sáng hơn tôi nhiều. Cụ Hồ có những người giúp việc thông minh lắm, giỏi lắm, tin tưởng lắm. Cụ Hồ rất vĩ đại, dưới có đội ngũ giúp việc tài năng, nhất định sẽ đưa dân tộc ta đến toàn thắng. Ở Hà Nội, Hồ Chủ tịch tiết kiệm lắm. Mỗi bữa cơm, Cụ Hồ chỉ dùng có một quả trứng…”.
Ngày 14-4-1947, khi đang thực hiện nhiệm vụ kinh lý ở Quảng Ngãi, cụ Huỳnh bị bệnh nặng và đã đọc cho người thư ký riêng của mình ghi bức thư gửi Hồ Chủ tịch: “Kính gởi Hồ Chủ tịch! Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dắt quốc dân trên đường vinh quang hạnh phúc. Chào vĩnh quyết”.
Hồng Phúc