Nếu nhạc sĩ là hội viên của hội chuyên ngành hay ca sĩ là "quân" của một đoàn nghệ thuật nào đó thì khi cho ra đời tác phẩm hay biểu diễn trên sân khấu đều nhận được những khoản thù lao nhất định. Tuy nhiên, với những ca sĩ, diễn viên quần chúng, nhạc sĩ "miệt vườn" thì chỉ là con số 0.
Nếu nhạc sĩ là hội viên của hội chuyên ngành hay ca sĩ là “quân” của một đoàn nghệ thuật nào đó thì khi cho ra đời tác phẩm hay biểu diễn trên sân khấu đều nhận được những khoản thù lao nhất định. Tuy nhiên, với những ca sĩ, diễn viên quần chúng, nhạc sĩ “miệt vườn” thì chỉ là con số 0.
Các ca sĩ, diễn viên quần chúng tại TX.Long Khánh biểu diễn phục vụ miễn phí người dân mừng Quốc khánh vào tối 1-9-2016 tại Trung tâm Văn hóa - thể thao thị xã. Ảnh: V.TRUYÊN |
Vì đam mê, trách nhiệm với cộng đồng mà những ca sĩ, diễn viên quần chúng, nhạc sĩ miệt vườn phải tự lo tất cả mọi thứ để đem những khúc hát, điệu múa đến với mọi người.
Mang niềm vui đến…
Vừa chỉnh lại dây đàn để chuẩn bị cho một buổi diễn văn nghệ phục vụ bà con trong xã, bà Lý Thị Mày (62 tuổi, ngụ ấp 8, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán), thành viên của Đội văn nghệ ấp 8 vừa chia sẻ rằng trang phục, phấn son trang điểm, nhạc cụ mỗi người đều tự mua để sử dụng. Còn khi tham gia vào những buổi tập văn nghệ thì tất cả đều tự nguyện, không đòi hỏi hỗ trợ gì, miễn sao là được biễu diễn cho mọi người xem, tạo không khí vui tươi trong cộng đồng là được.
Ngoài sự nhiệt tình sẵn có, các ca - nhạc sĩ miệt vườn còn rất quan tâm đầu tư cho phần nghe, nhìn. “Chúng tôi luôn tìm kiếm những bài hát mới để đưa vào chương trình nhằm làm cho đêm diễn phong phú. Ưu tiên là các ca khúc ngợi ca Đảng, Bác Hồ, tiếp đến là những bài hát viết về quê hương nơi mình sinh sống... Ngoài ra, mỗi người đều tự nghiên cứu và bỏ tiền ra để mua sắm hoặc thuê trang phục sao cho phù hợp với nội dung từng bài hát” - bà Nguyễn Thị Hương Lý (60 tuổi, ngụ xã Phú Trung, thành viên Đội văn nghệ Phú Trung, xã Phú Trung, huyện Tân Phú) cho biết.
Riêng ông Bùi Danh Ca (ngụ xã Tà Lài, huyện Tân Phú), một nhạc công có khá nhiều bản phối khí, hòa âm dành cho những nhạc cụ truyền thống thì cho hay: “Mỗi khi biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con, tôi và những thành viên khác trong đội văn nghệ của xã luôn muốn làm mới chương trình để không gây nhàm chán cho mọi người. Vậy nên ngoài việc chọn lọc những bài hát hay, nội dung đẹp, trong khả năng của mình tôi cố gắng tìm ra cách hòa âm, phối khí mới khi ban nhạc biểu diễn những khúc đàn bầu, tiêu, sáo để hấp dẫn người nghe mà không cần bất kỳ sự trả công nào”.
Mong mỏi chính đáng
Bên cạnh những đóng góp về công sức, vật chất nhằm đưa âm nhạc đến với sinh hoạt của cộng đồng, những ca sĩ, diễn viên quần chúng, nhạc sĩ miệt vườn cũng có nhiều mong mỏi. Theo ông Bùi Danh Ca: “Hiện nay, phụ huynh chủ yếu cho con em đi học nhạc cụ hiện đại, còn nhạc cụ dân tộc ít người đoái hoài tới. Vậy nên tôi lo sợ rồi đây khi lớp già chúng tôi chẳng còn, mấy ai ở xã biết sử dụng nhạc cụ dân tộc để đưa âm nhạc truyền thống đến với mọi người. Tôi mong sẽ sớm có những lớp học về âm nhạc dân tộc được tổ chức ngay tại địa phương để lớp trẻ được học nhạc”.
Còn anh Thổ Ngọc Tùng (dân tộc Chơro, một cây văn nghệ chuyên biểu diễn tại các sự kiện văn hóa văn nghệ, ngụ xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết thêm: “Tôi được biết trong ấn phẩm của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai có giới thiệu các bài hát mới do nhạc sĩ trong cũng như ngoài tỉnh sáng tác. Tôi rất mong ấn phẩm này sẽ được các cơ quan chủ quản phân phối về cho địa phương để từ đó những người trực tiếp tham gia vào phong trào văn hóa - văn nghệ ở cơ sở có thêm nhiều bài hát mới để luyện tập chứ không cần phải lên internet tìm kiếm, chọn lọc như hiện nay”.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa cho biết để quảng bá, giới thiệu sáng tác âm nhạc đến với công chúng, nhất là bà con ở cơ sở, thời gian qua Hội đã chủ động phối hợp cùng Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện chương trình giới thiệu các ca khúc của văn nghệ sĩ trong tỉnh đến với khán giả qua sóng truyền hình mỗi quý/lần.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cùng Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chuyên mục về âm nhạc Đồng Nai đều đặn hàng năm.
Ngoài ra, các hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi văn nghệ các cấp dành cho lứa tuổi thiếu nhi, học sinh, thanh niên, người cao tuổi cũng được Hội phối hợp cùng ngành văn hóa, các địa phương tổ chức thường xuyên và liên tục để những người dân trực tiếp tham gia vào công việc đưa âm nhạc đến với quần chúng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và việc làm này sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới.
Văn Truyên