Văn hóa

Đẹp ngẩn ngơ cùng bậc thầy đạo diễn gốc Việt

Không cần và cũng không có người để so sánh, Trần Anh Hùng vẫn là đạo diễn gốc Việt thành công nhất trên thế giới. Từ ngày 9-9, bộ phim mới nhất của anh là Eternity (Vĩnh cửu) đã công chiếu tại Việt Nam, chỉ sau Pháp có 2 ngày.

Không cần và cũng không có người để so sánh, Trần Anh Hùng vẫn là đạo diễn gốc Việt thành công nhất trên thế giới. Từ ngày 9-9, bộ phim mới nhất của anh là Eternity (Vĩnh cửu) đã công chiếu tại Việt Nam, chỉ sau Pháp có 2 ngày.

Cảnh trong Vĩnh cửu chỉ có đẹp đến tuyệt đẹp.
Cảnh trong Vĩnh cửu chỉ có đẹp đến tuyệt đẹp.

Trong những giải thưởng nhận về, phim Xích lô của Trần Anh Hùng đã đoạt Sư tử vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Venezia 1995. Cùng với Cannes, Oscar, Venezia là một trong vài liên hoan phim danh giá nhất thế giới. Đây cũng là năm điện ảnh thế giới kỷ niệm 100 năm ra đời (1895-1995), Trần Anh Hùng lại là một trong số ít đạo diễn trẻ tuổi đoạt giải này, nên danh tiếng càng vang dội.

Cũng như tất cả các phim của Trần Anh Hùng trước đây, hoàn toàn có thể khẳng định Vĩnh cửu không dành cho số đông, tại Việt Nam chỉ cần bán được vài ngàn vé đã là rất thành công. Thế nhưng đây là phim đáng xem với những ai cần thứ điện ảnh chân chính, thuần khiết, giàu triết lý và đậm tính nghệ thuật.

Phim được chuyển thể từ nguyên tác L’Elégance des veuves của Alice Ferney, sách cũng phát hành tại Việt Nam từ ngày 9-9, do Lê Ngọc Mai dịch, có tên là Nét duyên góa phụ (Nhà xuất bản Hà Nội và Nhã Nam). Đặc biệt, trong sách này có phụ lục kịch bản Vĩnh cửu, với bản dịch của Phùng Hồng Minh.

Gia đình ông Arthur và bà Julie Bourgeois có 5 con gái thì 2 bị chết trẻ, còn lại Hélène, Henriette và Valentine. Dù phim chủ yếu xoay quanh cuộc đời của Valentine, nhưng cuối cùng cũng cho biết rằng từ 3 chị em gái này đã sinh ra 18 người con, 43 người cháu, 154 người chắt, 80 người chút. Trong đại gia đình này đã có vô số người chết trẻ, giống như một định mệnh khắc nghiệt, nhưng rồi sự sống cứ thế nảy nở. Phim chầm chậm kể về đại gia đình này, nơi mà tất cả biến cố, sự đớn đau được tiết chế đến thô sơ, chỉ còn lại vẻ đẹp của đời sống được truyền lưu từ đời này sang đời khác.

Theo thông tin phổ biến thì Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, còn theo gia đình thì anh sinh năm 1966, di cư đến Lào, rồi đến Pháp vào năm 1975. Anh theo học triết học trước khi học điện ảnh tại trường đại học danh bậc giá của Pháp là École Louis-Lumière. Sau một số phim ngắn, anh làm Mùi đu đủ xanh (năm 1993), được tranh giải Oscar cho phim nước ngoài hay nhất. Phim được trao giải Caméra d’Or (Máy quay vàng) cho quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 1993 và Giải César cho phim đầu tay xuất sắc nhất tại lễ trao giải César. Sau đó anh có 2 phim đình đám là Xích lô (1995) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000).

Điều đặc biệt, các phim trên dù không hướng đến việc chiếu tại Việt Nam nhưng lại nói tiếng Việt toàn bộ; và vợ của Trần Anh Hùng là Trần Nữ Yên Khê đều đóng vai chính. Đến năm 2009, anh làm phim tiếng Anh là I come with the rain (Và anh đến trong cơn mưa), năm 2010 làm phim tiếng Nhật là Rừng Na Uy, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Murakami Haruki. Mãi đến năm 2016, sau cả đời sống tại Pháp và gần 30 năm làm nghề điện ảnh, Trần Anh Hùng mới làm phim tiếng Pháp đầu tiên.

Phim Vĩnh cửu kể về cuộc sống của 3 người phụ nữ tư sản Pháp trải dài suốt một thế kỷ, đã đấu tranh và vượt qua mọi khó khăn cuộc sống như thế nào khi cả 3 người đàn ông của cuộc đời họ đều hy sinh trong chiến tranh. Dù bối cảnh là nước Pháp, hoặc nước Nhật, hoặc Việt Nam, nhưng tất cả phim của Trần Anh Hùng không nhất thiết miêu tả văn hóa của nước đó. Phim của anh vừa cấp tiến về thủ pháp làm phim, vừa tiền phong trong việc thể nghiệm con người của thế giới, chứ không cục bộ địa phương.

Năm 1996, Trần Anh Hùng phát biểu: “Ý tưởng, nghệ thuật thu hình, ngôn ngữ trong phim có nhiểu ẩn dụ. Tôi lại thường không kể một câu chuyện có đầu đuôi theo nghĩa bình thường. Tôi đã chuyển lên màn bạc những cảm xúc mạnh mẽ nhất, riêng tư nhất tự đáy lòng tôi và tùy khán giả muốn đúc kết, tái tạo những cảm nghĩ của tôi sao cũng được. Tôi muốn khán giả khai thác sinh lực và tâm trí khi thưởng thức phim. Nghệ thuật điện ảnh có ngôn ngữ riêng của nó mà một người cần học hỏi để hiểu cách diễn đạt. Phim không chỉ là những hình ảnh giúp người ta giải lao một cách thụ động. Phim ảnh Mỹ đã làm teo mòn trí óc người xem. Loại phim ảnh này như thức ăn đã được nhai sẵn để khán giả chỉ nuốt mà không cần phải vận động trí óc”. Bất chấp người xem có thích hay không, Trần Anh Hùng không bao giờ chạy theo thị hiếu số đông, anh luôn tuân thủ phong cách này, ngay với phim Vĩnh cửu cũng vậy.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  596,547       1/1,178