Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Xuân là một diễn viên được xếp vào hàng kỳ cựu nhất của cả sân khấu kịch nói và trên màn ảnh. Bà đã từng đoạt nhiều danh hiệu uy tín trong nhiều lĩnh vực diễn xuất: kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình…
Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Xuân là một diễn viên được xếp vào hàng kỳ cựu nhất của cả sân khấu kịch nói và trên màn ảnh. Bà đã từng đoạt nhiều danh hiệu uy tín trong nhiều lĩnh vực diễn xuất: kịch nói, phim điện ảnh, phim truyền hình… NSƯT Kim Xuân vào nghề từ lúc 19 tuổi và năm nay đã ngấp nghé tuổi 60, bà hoạt động không ngừng trong gần 40 năm nên tổng số vai diễn trên sân khấu kịch và trên màn ảnh lên đến hàng trăm.
Nhiều phim có NSƯT Kim Xuân tham gia đã tạo được dấu ấn lâu dài, như: Tấm Cám, Xương rồng đen, Người tìm vàng, Ngọn cỏ gió đùa, Cái chết của nhà tỷ phú... Tương tự là các vở kịch nổi tiếng: Cõi tình, Đôi bông tai, Tiếng nổ lúc không giờ, Thời con gái đã xa, Nhân danh công lý, Người đàn bà mộng du, Cơn mê cuối cùng... Bà tham gia đủ thể loại với sự đa dạng trong tính cách từ vai chính, vai phụ, thậm chí vai rất phụ với nhiều độ tuổi khác nhau. Bà nói, một trong những trăn trở của mình là đời sống văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung đang phát triển khá chậm và chưa có sự đầu tư đồng bộ một cách nghiêm túc.
* Vai chính hay phụ không quan trọng
Với tên tuổi của mình, bà có cân nhắc lựa chọn vai chính hay vai phụ khi nhận lời tham gia một vở kịch hay một bộ phim không?
- Đời diễn viên chia làm nhiều thời kỳ, thời kỳ đầu tiên mới bước vào nghề thì đảm nhận vai chính hay phụ là do cơ duyên, khi người đạo diễn thấy mình phù hợp với dạng vai nào sẽ phân vào dạng vai ấy. Ở tuổi 19, may mắn của tôi là được nhận vai chính ở Đoàn kịch Cửu Long Giang (TP.Hồ Chí Minh). Vai chính đầu đời đó giúp cho tôi có cơ hội đứng trên sân khấu chuyên nghiệp nhiều hơn, xuyên suốt hơn các bạn đồng diễn.
Khoảng ngoài 20 tuổi, tôi bước sang lĩnh vực điện ảnh. Và ở thời đó, điện ảnh đã có những bậc đàn chị đi trước tôi, tạo dựng được tên tuổi và được khán giả ưa chuộng. Thế nên tôi lại may mắn được giao những vai diễn có chút tính cách phức tạp, cá tính hơi khác trên màn ảnh. May mắn hơn nữa là khi tôi bắt đầu đi đóng phim thì khán giả đã quen mặt, biết tên. Càng về sau, các vai diễn càng trở nên phong phú, đa dạng, đủ loại tính cách... và tôi rất hài lòng khi có cơ hội thể nghiệm nhiều loại vai. Vai chính hay vai phụ chẳng có gì quan trọng, quan trọng là người diễn viên suy nghĩ và thể hiện vai diễn đó thế nào.
Bà quan niệm thế nào về sự tự học trong nghề diễn?
- Những năm tháng đầu tiên của nghề, dĩ nhiên chúng tôi được trang bị kiến thức về diễn xuất, tâm lý, cử chỉ, kỹ thuật diễn... Tất cả những điều này cũng không khác gì với các ngành nghề khác, là những kiến thức căn bản mà người diễn viên phải trang bị cho chuyên môn của họ. Tuy nhiên, chuyên môn đó khi áp dụng vào thực tế thì sẽ còn va vấp nhiều, đòi hỏi phải được rèn luyện thêm mỗi ngày. Khi được tiếp xúc với phim ảnh, khi thường xuyên đi coi các đàn anh, đàn chị hay các bạn đồng nghiệp diễn trên sân khấu, hay trong các cuộc liên hoan, gặp gỡ... thì tất cả đều trở thành những kinh nghiệm quý báu, tôi tự cố gắng trau dồi mỗi ngày.
Bà có thường xuyên theo dõi phim ảnh trong nước, và đánh giá của bà ra sao trước cái gọi là “thảm họa phim truyền hình” hiện tại? Đó có phải là một cụm từ thậm xưng không?
- Thú thực, về sở thích cá nhân thì tôi thích xem phim nước ngoài hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn quan tâm và theo dõi phim ảnh trong nước một cách khá đều đặn vì liên quan trực tiếp đến nghề nghiệp. Song, cũng thành thật đánh giá là riêng với phim truyền hình thì phim Việt Nam đang bị lặp lại chính mình nhiều quá, trong khi phim chiếu rạp khởi sắc và nhiều phong cách đa dạng hơn.
* Cần sự đầu tư bài bản cho văn hóa
Theo bà, vì sao kịch nói Việt Nam vẫn loay hoay tìm đất sống và hầu như chưa ra khỏi vài thành phố lớn, dù ngân sách cũng đổ khá nhiều tiền đầu tư để duy trì các đoàn kịch nói?
Nhận một vai hay làm cho mình hứng thú là hạnh phúc nhất, giải thưởng là chuyện đến sau. Có những vai diễn khi diễn về, tôi không ngủ được, như vai diễn trong phim Cõi tình, Người đàn bà mộng du, Thời con gái đã xa... Tôi thích dạng vai “quái” một chút, đừng quá hiền lành. Hiện các bạn diễn viên trẻ đang khá đắt show, diễn ở các tỉnh, nhà hàng, khách sạn, sự kiện... thậm chí mở được điểm diễn riêng. Tôi thấy rất đáng để kỳ vọng, và đáng mừng hơn là kỹ thuật diễn xuất của các bạn ngày càng tốt hơn. |
- Không phải chỉ ở Việt Nam đâu, kịch nói ở các nước khác cũng chưa ra khỏi được phạm vi các thành phố lớn. Ngay ở Pháp, với quan sát của tôi thì cũng không có nhiều đoàn kịch lớn tồn tại, nếu có thì số suất biểu diễn cũng không nhiều. Chủ yếu là các đoàn kịch nhỏ, tự phát hoạt động tại các sân khấu tư nhân nhỏ, các phòng trà, nhóm kịch đường phố... Thế nên ở Việt Nam, kịch nói loay hoay ở vài thành phố lớn cũng không có gì lạ. Ngay tại TP.Hồ Chí Minh, các sân khấu kịch sôi động nhất cũng chỉ loanh quanh quận 1, quận 3, Phú Nhuận...
Nhưng ở Việt Nam, tôi thấy có tình trạng là các đoàn kịch tư nhân phát triển mạnh hơn, trong khi các đoàn kịch Nhà nước vẫn còn khá lạc hậu và chậm thay đổi, họ thiếu sự vận động tự thân. Ở TP.Hồ Chí Minh, vào các mùa lễ tết thì các sân khấu kịch hoạt động suốt ngày đêm, nhìn lại thì toàn là các đoàn kịch tư nhân, trong khi các đoàn kịch nhà nước thì tôi chưa thấy được không khí đó.
So với các nơi khác, đời sống kịch nói ở TP.Hồ Chí Minh lại khá sôi động. Theo bà vì sao?
- Đời sống kịch nói nói riêng và sân khấu nói chung tại TP.Hồ Chí Minh cũng chỉ sôi động ở chừng mực nào đó. Còn nếu muốn hơn thì cần đến sự hoạch định và quản lý của chính quyền, còn đầu tư từ phía các đơn vị xã hội hóa thì cũng có mức độ, hoành tráng lắm thì có Idecaf với vở kịch dài kỳ Ngày xửa ngày xưa, rạp lúc nào cũng chật kín khán giả dù giá vé không hề rẻ. Nhưng lâu lâu cũng chỉ có một vài vở của một vài đoàn thực sự có tiềm lực tài chính và chuyên môn. Thế thì phải coi lại, ta quản lý văn hóa ra sao? Ta muốn định hướng nhưng lại không thể “nuôi” họ, điều này hơi mâu thuẫn.
Với Đồng Nai, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là lần tôi về Đồng Nai quay bộ phim truyền hình Dòng sông thao thức vào khoảng năm 1997. Tác giả vở kịch này là anh Huỳnh Tới, lúc đó là Phó giám đốc Sở Văn hóa - thông tin. Hoàng Trinh vào vai 2 chị em Nghĩa và Tình, còn tôi vào vai người mẹ, Tấn Hoàng thủ vai ông trưởng ấp “dê xồm”. Rất nhiều cảnh của bộ phim được quay tại cù lao Phố rất thơ mộng, như đoạn nhà của tôi bị đốt quay ở bến đò Kho, đoạn Nghĩa - Dũng chia tay nhau trước khi Dũng (vai bộ đội đặc công Rừng Sác) đánh kho xăng Nhà Bè là ở cầu Thủ Huồng. Tôi nhớ, lúc đó có đoạn tôi chèo xuồng chở Dũng đi quay ở một con rạch của cù lao, nhưng tôi không biết chèo. Một số người đề nghị tôi cứ giả bộ chèo, còn anh em bơi dưới nước đẩy xuồng. Tôi không chịu, anh em mới kiên trì tập cho tôi mấy ngày, rốt cuộc tôi cũng tự chèo được một đoạn ngắn để đạo diễn quay phim. |
Là lớp diễn viên đi trước, bà nghĩ sao về bùng nổ của các chương trình truyền hình hiện nay - nơi huy động gần như tất cả các tên tuổi của ngành diễn xuất trong nước nói chung?
- Thực ra nó cũng không đi ngoài quy luật chung. Mở truyền hình Âu, Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc thì cũng thấy chẳng khác gì mấy, đầy các gameshow, talkshow nên tôi nói chúng ta không đi ngoài quy luật. Chỉ có điều chúng ta đã và đang lựa chọn nội dung các chương trình truyền hình thế nào là phù hợp với văn hóa và trình độ thưởng thức của khán giả hay chưa, đó mới là quan trọng. Thực tế quan sát của tôi cho thấy, điểm yếu của truyền hình là đang lợi dụng, lạm dụng ở một số khía cạnh. Song những chương trình đó sẽ bị sàng lọc, tôi nghĩ thế.
Gần 40 năm sống cùng đời sống văn hóa - nghệ thuật trong nước, bà thấy trăn trở điều gì?
- Tôi tiếc là sao Việt Nam mình dịch chuyển chậm quá so với đời sống văn hóa nói chung của khu vực hay quốc tế, mặc dù người Việt đi nước ngoài rất nhiều. Nhưng giống như đi về chỉ để “ta biết riêng ra”. Hàn Quốc sẵn sàng hy sinh 5 năm, 10 năm để cho các thế hệ diễn viên, đạo diễn... đi học nước ngoài. Mất 5 hay 10 năm nhưng về sau lại được lợi khủng khiếp về văn hóa, rồi lan sang cả du lịch, y tế, giáo dục, công nghiệp thời trang... 3 năm gần đây, Thái Lan cũng tiến bộ kinh khủng về văn hóa nghệ thuật. Tôi nghĩ phải thay máu cả một thế hệ về văn hóa, về diễn xuất thì may ra, chứ vài cá nhân thì cũng khó để thay đổi cả một hệ thống đã ì ạch và chậm chạp.
Xin cảm ơn bà!
Kim Ngân (thực hiện)