Tại nhà hát Bến Thành, Sân khấu Idecaf vừa tổ chức phúc khảo chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 với vở kịch Bảo tàng quái vật (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Đây được xem là vở kịch thiếu nhi mở màn mùa kịch hè năm 2016.
Tại nhà hát Bến Thành, Sân khấu Idecaf vừa tổ chức phúc khảo chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 với vở kịch Bảo tàng quái vật (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Đây được xem là vở kịch thiếu nhi mở màn mùa kịch hè năm 2016.
* Cuộc phiêu lưu kỳ thú
Vở mở ra với một không gian bảo tàng rộng lớn. Cô giáo Khánh (Lê Khánh) điệu đàng dắt học trò đi tham quan. Bảo tàng có quá nhiều con vật kỳ lạ, quý hiếm và hầu như đều đã tuyệt chủng, như: Khủng long, Nhím gai tím, Cù lần lông quắn, Tinh tinh da trắng… Lũ học trò tròn mắt ngỡ ngàng nhìn ngắm, say mê đến mức suýt bị nhốt ở bảo tàng vì nán lại sát giờ bảo tàng tự động đóng cửa.
Cảnh trong vở Bảo tàng quái vật. Ảnh: Anh Khoa |
Ngay khi cánh cửa bảo tàng vừa sập lại thì tất cả những con thú trưng bày tưởng như hóa thạch bỗng nhiên trở nên vui nhộn, huyên náo. Hóa ra, đêm đến mới chính là ngày của chúng, là thời gian chúng nô đùa, không phải giả hóa thạch, đứng yên đến sụm chân để loài người ngắm nghía, chiêm ngưỡng.
Những con vật này đã được ông vua sáng chế (Đức Thịnh) và bà Đồng hồ (Hoàng Trinh) đưa về nuôi giấu bí mật ở bảo tàng vì ngoài kia chúng không được an toàn, phải đối mặt với sự săn bắt điên cuồng của con người.
Một ngày, bất ngờ bảo tàng nhận được gói quà khủng được bà Sếu đầu đỏ (Thành Lộc) chở đến. Gói quà quá to khiến ai nấy đều tò mò và háo hức muốn mở ra xem. Woa, thì ra đó là một chú voi Ma mút (Đình Toàn), được xem là loài voi lớn nhất thế giới đã tuyệt chủng hàng triệu năm nay. Ông vua sáng chế trầm trồ xem đây là một báu vật nhưng ông tỏ ra ngạc nhiên không biết ai đã gửi chú voi Ma mút “thiếu nhi” này đến đây. Bà Sếu đầu đỏ còn phấn khích đến mức liên tục chụp hình với voi con để… úp hình lên facebook!
Ngay lập tức, có một lũ người tự xưng là từ bộ tộc Da tái (Hữu Châu) đến nhận… bà con với voi Ma mút và muốn dẫn chú voi bị lạc về nhà. Liệu bọn người hung tợn này có phải là người nhà của voi Ma mút? Một hành trình kỳ thú lại tiếp tục mở ra…
* Như là phép thử…
Cặp đôi tác giả - đạo diễn Quang Thảo và Đình Toàn từng hợp tác với nhau khoảng 8, 9 vở kịch thiếu nhi trong các chương trình Ngày xửa ngày xưa của Idecaf. Lần này trở lại với Bảo tàng quái vật họ đã quyết định làm một phép thử với các khán giả nhí.
Vở Bảo tàng quái vật sẽ diễn vào các ngày cuối tuần tại Nhà hát Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) từ ngày 20-5 đến hết ngày 3-7. Giá vé: 100-250 ngàn đồng/vé. |
Phép thử và có thể nói là khá mạo hiểm khi gần như là lần đầu tiên, một vở kịch thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa ngày xưa mà không có hoàng tử, công chúa, không có các phép thuật biến hóa huyền ảo lung linh. “Tôi muốn thu hút các bé bởi sự hấp dẫn của câu chuyện, các bé sẽ bước vào vở diễn như bước vào một cuộc thám hiểm kỳ thú. Ở đó, sau bao phen hồi hộp cùng sự phiêu lưu với các nhân vật, các bé sẽ rút ra bài học ý nghĩa về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ muông thú!” - Đình Toàn cho hay.
Cảnh trí được đầu tư khá lớn với một bảo bàng được tái hiện như thật, khu rừng nguyên sơ và cả một nghĩa địa voi bí ẩn… Trang phục cũng thật lung linh và tốn kém để tạo hiệu ứng về mặt thị giác. Đặc biệt, hầu hết các nhân vật đều phải mặc những bộ trang phục tạo hình con thú dày và sẽ gây nóng bức trong suốt quá trình biểu diễn. Đạo diễn Đình Toàn chia sẻ anh biết những bộ trang phục này sẽ gây khó khăn cho các nghệ sĩ trong lúc biểu diễn nhưng để tạo hình đẹp và cho giống thật, anh đã động viên anh chị em cố gắng... chịu đựng!
Sự đón nhận của các bé với vở diễn như thế nào vẫn còn là một ẩn số phía trước. Nhưng sự mạnh dạn dám thay đổi đã là một suy nghĩ tích cực. Trong thời điểm kịch bản hay viết cho người lớn còn khan hiếm nói gì đến trẻ con, thì sự tìm tòi nội dung và hình thức thể hiện mới của ê-kíp thực hiện chương trình Ngày xửa ngày xưa có lẽ cũng cần sự động viên và chia sẻ…
Trí Trọng