Văn hóa

Vẽ chân dung nhân văn bằng ngôn từ

Đó là ấn tượng đầu tiên của người đọc khi tiếp xúc với cuốn sách dày ngàn trang vừa mới trình làng của nhà văn Lê Hoài Lương Văn nhân Bình Định một góc nhìn (Nhà xuất bản Hội nhà văn).

Tác giả Lê Hoài Lương.
Tác giả Lê Hoài Lương.

Đó là ấn tượng đầu tiên của người đọc khi tiếp xúc với cuốn sách dày ngàn trang vừa mới trình làng của nhà văn Lê Hoài Lương Văn nhân Bình Định một góc nhìn (Nhà xuất bản Hội nhà văn). Không chỉ đơn thuần là điểm danh mà hơn hết tác giả cuốn sách đã vẽ nên hơn 52 chân dung văn nghệ sinh động, mỗi người một vẻ của xứ văn chương Bình Định từ đầu thế kỷ XX đến nay.

Không như những cuốn sách phê bình văn chương khác, hoặc là sa vào lối phê bình hàn lâm kinh viện, hoặc là ở lối phê bình báo chí chung chung, hoặc là phê bình tài tử điểm xuyết, Văn nhân Bình Định một góc nhìn có sự kết hợp nhuần nhuyễn của tất cả những lối trên, vừa sinh động lôi cuốn vừa nghiêm túc, sáng sủa. Cái tên địa danh Bình Định chỉ là một điểm tựa để tác giả từ đó làm tiêu chí mà liệt kê những văn sĩ có liên quan tới xứ sở văn chương ấy. Chưa cần đi sâu vào cuốn sách, chỉ mới lướt qua mục lục người đọc bắt gặp bên cạnh những nhà văn sinh ra, lớn lên, thành danh ở Bình Định thì có những nhà văn Bình Định nhưng lại chưa hề sống ở Bình Định và cả những nhà văn xuất thân từ miền đất này nhưng đang sống và thành danh ở các vùng miền khác trên cả nước.

Cuốn sách vừa là tập hợp lại những bài viết phê bình - chân dung của nhà văn từng đăng trên các báo, tạp chí trước đó, vừa có rất nhiều các bài viết mới. Điều đáng nói ở đây là ông đã có những đánh giá được xem là khá “nghịch nhĩ” với thói quen tiếp nhận của nhiều người khi nói về những văn nhân nổi tiếng được công chúng biết đến qua thời gian. Tác giả đã đưa ra những đánh giá khá ngược và có những dẫn chứng xác đáng cho nhận định của mình về các nhà văn, nhà thơ tiền bối, như: Xuân Diệu, Yến Lan, so sánh tùy bút Võ Phiến với tùy bút Nguyễn Tuân… đến việc nói lên cái nhìn của mình về những văn nhân đương đại được nêu tên trong cuốn sách. Đó là một sự tự tin đến từ kiến văn của tác giả.

Sự tự tin ấy còn được đẩy lên cao hơn khi ông mạnh dạn đưa vào cuốn sách những nhân vật mà giới phê bình còn dè dặt khi nhắc tới họ vì những vấn đề ngoài văn chương như nhà văn Võ Phiến (được ông xem là “tuyệt bút tạp bút”), nhà văn Nguyễn Mộng Giác, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường (vừa mất ngày 24-3-2016). Ông chia sẻ rằng ông muốn cuốn sách của mình vẽ ra một bức tranh văn nghệ đầy đủ nhất có thể, và chỉ thuần túy văn nghệ. Trong bức tranh ấy, thiếu những gương mặt kia là thiếu hẳn những nội dung lớn của bức tranh ấy.

Thêm nữa, các nhân vật mà ông viết trong cuốn sách hầu hết đều còn sống nhưng ông không viết kiểu cả nể mà thẳng thắng nói cái hay, cái dở của tác phẩm họ theo cách ông cảm nhận. Khi được hỏi ông không sợ mếch lòng họ hay sao thì ông trả lời: “Tôi chỉ muốn mang đến những trang viết tốt nhất phục vụ cho bạn đọc theo cách của tôi. Tôi chịu trách nhiệm trước bạn đọc chứ không phải trước những nhân vật tôi viết. Và hơn hết, đây chỉ là một góc nhìn”.

Cùng với phần viết chân dung phê bình là phần trích tuyển những tác phẩm đặc sắc của các văn nhân mà cuốn sách đề cập. Sẽ có nhiều điều để nói về cuốn sách này nhưng với những điều trên, có thể thấy đó là một cuốn sách lý thú để những ai yêu quý văn chương xứ “hoa tư tưởng - xứ lên men” Bình Định đến tìm hiểu và khám phá.

Lê Bằng Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  603,830       3/863