Kinh tế

Cần ghi nhãn sản phẩm đúng, đủ và minh bạch

Trong xu thế thị trường ngày càng rộng mở, người tiêu dùng mong muốn các sản phẩm Việt cần minh bạch thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần sản phẩm, hàm lượng dưỡng chất...

Khách hàng tham khảo thông tin trên các sản phẩm nước chấm tại một cửa hàng tiện lợi ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương
Khách hàng tham khảo thông tin trên các sản phẩm nước chấm tại một cửa hàng tiện lợi ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương

Việc công bố rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, thông tin trên nhãn mác sản phẩm là yếu tố quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng Việt đối với hàng ngoại trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

* Rõ ràng các thông tin sản phẩm

Nhãn mác là yếu tố quan trọng của tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng đồ uống, thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc... Nhãn hàng hóa được xem như một cách “giao tiếp” giữa người tiêu dùng với nhà sản xuất và sản phẩm. Chẳng hạn, nhãn hàng trên một sản phẩm may mặc cần phải hàm chứa nhiều loại thông tin khác nhau, cụ thể như: nước xuất xứ, chất liệu, kích cỡ, hướng dẫn, đặc biệt về cách sử dụng, bảo quản. Sản phẩm hàng hóa càng thể hiện rõ ràng, minh bạch thông tin được ghi trên nhãn sẽ càng tạo sự yên tâm, tin tưởng đối với người tiêu dùng.

Chị Thanh Thảo, nhân viên văn phòng, ngụ phường Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, chị thường mua các sản phẩm thời trang trong nước và thời trang ngoại. Theo đó, nhãn mác thời trang nước ngoài thường cụ thể, rõ ràng hơn bao gồm hai phần: nhãn chính và nhãn phụ. Nhãn chính gồm nhãn hiệu hoặc biểu tượng thương hiệu. Nhãn phụ bao gồm nhiều loại nhãn khác nhau như: giá, hướng dẫn bảo quản, kích thước, nguyên liệu, nhãn mác độc quyền...

Trong khi đó, khảo sát cho thấy, ở đa số các mặt hàng trong nước, nhãn hàng hóa chưa thực sự chú trọng đến nhu cầu nắm bắt thông tin đầy đủ của người tiêu dùng, các thông tin vẫn khá sơ sài, chỉ đáp ứng yêu cầu căn bản. Thậm chí ở nhiều nhóm hàng, chẳng hạn đồ nhựa gia dụng, chén bát… còn thiếu hẳn nhãn mác đi kèm, đôi khi nhà sản xuất chỉ dán logo kiểu “cho có”.

Không chỉ hàng may mặc, tiêu dùng mà ngay cả nhiều loại nông sản, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn còn chưa chú trọng những thông tin in trên bao bì, nhãn mác… Điều này sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc nắm bắt thông tin tham khảo về sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng, ngụ phường Tam Hiệp (TP.Biên Hòa) cho rằng, ngoài một số sản phẩm thực phẩm đóng gói của các doanh nghiệp lớn thường đảm bảo có nhãn mác, thông tin nguồn gốc, thì những sản phẩm từ cơ sở sản xuất nhỏ thường chỉ ghi sơ sài vài thông tin về nơi sản xuất. Thậm chí, một số sản phẩm ghi hạn sử dụng là thời hạn bao nhiêu ngày sau ngày sản xuất, nhưng lại không tìm thấy ngày sản xuất trên nhãn mác.

* Minh bạch thông tin để hội nhập

Theo những kết quả khảo sát gần đây về cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh, đối với việc thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước, khoảng hơn 60% người được khảo sát cho rằng những thông tin chất lượng sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất ở mức tương đối, trong khi đó có 10% cho rằng việc thông tin này chưa đầy đủ.

Trên thực tế, trong thời gian qua, những vi phạm về việc mập mờ thông tin nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu sản phẩm khá phổ biến trong quá trình kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường.

Ông Phạm Gia Hải, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai cho rằng, nhiều người tiêu dùng mong muốn các loại hàng hóa, sản phẩm trong nước cần minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, hàm lượng dinh dưỡng, thành phần sản phẩm, thông tin các tiêu chí về sản phẩm đạt chuẩn sạch, sản phẩm có sử dụng bao bì tái chế hay không, cũng như đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng có căn cứ để chọn mua thay vì chỉ mua bằng cảm quan như tại một số cửa hàng hiện nay, nhất là đối với các sản phẩm như: nông sản, thực phẩm...

Việc minh bạch thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thông tin trên nhãn mác là yếu tố quan trọng để hàng Việt tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong bối cảnh hàng ngoại ngày càng “đổ bộ” vào thị trường trong nước thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như là yêu cầu tiên quyết để hàng Việt vươn tới những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng Pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.Hồ Chí Minh lưu ý, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, để hàng Việt được hưởng ưu đãi về thuế quan xuất khẩu thì doanh nghiệp trong nước cần cung cấp được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho nhà nhập khẩu để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo các hàng rào phi thuế quan (còn gọi hàng rào kỹ thuật), các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, để cạnh trạnh ngay trên “sân nhà”, sản phẩm Việt cần chú trọng tính minh bạch trong xuất xứ, cung cấp các thông tin liên quan đến sản phẩm trên nhãn mác…

Lam Phương

Đồng Nai

© 2021 FAP
  1,001,227       1/520