Kinh tế

Bài 2: Làng nghề chật vật thời hội nhập

Những làng nghề điêu khắc đá ở phường Bửu Long, gò tôn phường Hố Nai, làm bánh gai phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), đúc gang tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) đang chật vật để tồn tại và phát triển.

Nghề điêu khắc đá ở phường Bửu Long, gò tôn phường Hố Nai, làm bánh gai phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), đúc gang tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) là những làng nghề lâu đời tại Đồng Nai. Hiện các làng nghề trên đang chật vật tìm cách để tồn tại và phát triển.

Nghề điêu khắc đá ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đang dần mai một
Nghề điêu khắc đá ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa) đang dần mai một

TIN LIÊN QUAN
Theo những ghi chép về lịch sử, văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai, nghề điêu khắc đá ở Bửu Long có từ hơn 300 năm trước, đúc gang Thạnh Phú tồn tại đến nay cũng đã hơn 200 năm, gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Còn nghề làm bánh gai, gò tôn theo chân người Bắc di cư vào Đồng Nai từ những năm đầu thế kỷ trước.

* Điêu khắc đá nỗ lực tồn tại

Điêu khắc đá ở Bửu Long là một trong những làng nghề lâu đời nhất của Đồng Nai. Qua hơn 3 thế kỷ, làng nghề đá Bửu Long đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau, nhưng vẫn gây dựng được tên tuổi của mình trong làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Những sản phẩm chạm, trổ từ đá xanh tại Bửu Long từng nổi danh khắp cả nước và có tiếng ở nước ngoài. Các thế hệ nối tiếp nhau đã truyền lại nghề và mỗi một giai đoạn đều được nghiên cứu, phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Những tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật cao từ đá như: tượng các nhân vật tôn giáo, anh hùng, tượng tứ linh, chạm, trổ các hình rồng, phượng ở các cột trong đình chùa... đã tạo nên dấu ấn riêng của làng đá Bửu Long. Bên cạnh tay nghề khéo léo của các nghệ nhân, thợ giỏi thì nguồn nguyên liệu đá xanh tại đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự nổi danh của làng nghề.

Ông Ôn Văn Xuân (KP.3, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) là người có hơn 40 năm gắn bó với nghề điêu khắc đá cho hay: “Nghề chạm, trổ đá đang dần mai một, trên địa bàn phường hiện chỉ còn vài cơ sở hoạt động. Nguyên nhân chính là do nguồn nguyên liệu không còn, lớp trẻ sau này ít theo nghề vì ngại vất vả nên rất khó tuyển lao động. Nghề điêu khắc đá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên các cơ sở khi có đơn hàng lớn muốn tăng công suất lại gặp khó khăn vì không thể mở rộng được xưởng sản xuất trong các khu dân cư”. Ngoài ra, thị trường của điêu khắc đá hiện nay cạnh tranh rất gay gắt với các sản phẩm đến từ những làng nghề đá ở các tỉnh, thành khác. Làng nghề điêu khắc đá Bửu Long hiện chỉ còn 3-4 cơ sở và đang dần bị thu hẹp.

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở đã yêu cầu UBND TP.Biên Hòa đề xuất vị trí di dời làng nghề điêu khắc đá Bửu Long để có thể phát triển mở rộng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên đến nay, TP.Biên Hòa vẫn chưa chỉ ra được địa điểm di dời làng nghề đá Bửu Long nên Sở chưa tham mưu được cho UBND tỉnh điểm đến để bảo tồn, phát triển làng nghề”. 

* Khó giữ nghề đúc gang

Theo lời kể của những người cao tuổi ở xã Thạnh Phú thì thời hoàng kim của nghề đúc gang Thạnh Phú là vào thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.

Lúc ấy, vùng đất này luôn nhộn nhịp, các lò đúc gang đỏ lửa quanh năm, ngoài các cơ sở chuyên nghiệp, nhiều gia đình cũng nhận làm hàng gia công cho các cơ sở. Sau đó, nhiều nhà máy trong và ngoài tỉnh được mở ra, thiết bị máy móc hiện đại có thể cung cấp các đơn hàng lớn với độ tinh xảo cao đã từng bước “lấn lướt” làng nghề. Do đó, làng nghề đúc gang dần bị thu hẹp và các cơ sở chuyển sang gia công những công đoạn buộc phải làm thủ công cho các nhà máy. Bên cạnh đó, nghề đúc gang cực khổ, thu nhập không cao lại bấp bênh nên những lao động trẻ bỏ nghề đi làm công nhân trong các công ty thu nhập cao và ổn định hơn. Những cơ sở đúc gang còn đang hoạt động, lao động đa số là người lớn tuổi làm việc.

Nghề gò tôn ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng
Nghề gò tôn ở phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng

Ngoài ra, đúc gang là nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao nên UBND tỉnh yêu cầu di dời vào Cụm công nghiệp Tân An ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu). Mục đích nhằm bảo vệ môi trường, đồng thời có mặt bằng rộng để các cơ sở yên tâm đầu tư nhà xưởng, máy móc hiện đại, làm ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Văn Út (ấp 2, xã Thạnh Phú), người tâm huyết, gắn bó với nghề đúc gang hơn nửa thế kỷ cho hay: “Hiện chỉ còn lại khoảng 7 cơ sở đúc gang và chỉ sản xuất cầm chừng vì hoạt động trong khu dân cư. Có 4 cơ sở đã đăng ký vào cụm công nghiệp nhưng hạ tầng trong đó chưa xây dựng xong nên còn phải đợi”. Cũng theo ông Út, các cơ sở đúc gang phải di dời vào cụm công nghiệp cũng rất khó khăn, vì đòi hỏi kinh phí rất lớn. Cụ thể mỗi cơ sở khi di dời vào cụm công nghiệp cần 5-15 tỷ đồng để thuê đất, xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị. Các cơ sở đúc gang còn thêm lo lắng khi đã đầu tư nhà xưởng, máy móc đi vào hoạt động nhưng không tuyển đủ công nhân.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, cán bộ UBND xã Thạnh Phú cho biết: “Những cơ sở đúc gang còn duy trì hoạt động đến nay đều là những người tâm huyết, muốn giữ lại nghề truyền thống. Nhưng có thể chỉ 4 cơ sở đủ khả năng di dời vào cụm công nghiệp, còn lại sẽ đóng cửa vì thiếu kinh phí để đầu tư thuê đất, xây dựng nhà xưởng”. Làng nghề đúc gang hơn 200 năm đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ nếu không có sự hỗ trợ, khôi phục kịp thời.

* Gò tôn, làm bánh gai… khó duy trì

Một thời, nghề gò tôn đã thu hút hàng trăm hộ dân ở phường Hố Nai cùng làm. Nghề này phát triển nhất là vào những năm cuối thế kỷ  20 và thập niên đầu của thế kỷ 21. Sau đó, nhiều nhà máy ở Đồng Nai, Bình Dương mở ra với nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại có thể thay sức người mà sản phẩm làm ra nhanh, số lượng lớn, chất lượng tốt  nên đã thu hẹp thị trường của nghề gò tôn tại Hố Nai.

Nghề làm bánh gai ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đã mai một dần
Nghề làm bánh gai ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) đã mai một dần

Không có đầu ra ổn định, nhiều cơ sở, hộ gia đình đã phải chuyển nghề để bảo đảm thu nhập. Kết quả đến nay, tại phường Hố Nai chỉ còn khoảng 3-4 cơ sở nhỏ sản xuất thủ công các loại xoong, nồi, máng nước...

Riêng nghề làm bánh gai từng phát triển mạnh tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom). Thời điểm phát triển nhất đã có trên 20 cơ sở làm nghề quanh năm. Khi ấy, một số khu vực tại TP.Biên Hòa, huyện Thống Nhất hình thành vùng chuyên trồng nguyên liệu lá gai cung cấp cho các cơ sở làm bánh. Bánh gai được cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Vào dịp đầu năm, cuối năm, nhiều Việt kiều về nước còn đặt mua bánh gai của làng nghề để đưa ra nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Lam ở KP.4, phường Tân Mai là người còn giữ được nghề này qua 3 thế hệ kể: “Khoảng 8 năm trở về trước, bánh gai được thị trường rất ưa thích, gia đình tôi làm khoảng 300 chiếc/ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, thấy thu nhập từ nghề làm bánh gai thấp, nhiều lao động bỏ nghề nên các cơ sở dần thu hẹp. Nhiều gia  đình, con cái không kế nghiệp nên đã bỏ nghề”. Tại phường Tân Mai, xã Hố Nai 3 hiện chỉ có 3-4 sơ sở làm bánh gai, nhưng số lượng bánh làm ra rất ít chỉ còn vài chục cái/ngày. Nghề làm bánh gai tại Biên Hòa đang dần mất đi, các đại lý phải lấy hàng từ những tỉnh khác về bán.

Bài, ảnh: Hương Giang

Xem tiếp bài 3: Gốm, mộc mỹ nghệ vươn xa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,144,887       2/881