Kinh tế

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất khu vực

Ngày 2-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2018.

Mục tiêu nhằm tạo ra bước đột phá để tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Đồng Nai có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, các Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở ngành, địa phương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Với GDP 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, Việt Nam được các tổ chức kinh tế nước ngoài đánh giá có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Nam á. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây của Việt Nam.

 * Nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng khá

Theo Văn phòng Chính phủ, qua thanh tra trên nhiều lĩnh vực, các bộ, ngành phát hiện vi phạm về kinh tế trên 8,3 ngàn tỷ đồng, đã thu hồi 6,9 ngàn tỷ đồng; ban hành gần 26 ngàn quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 3,6 ngàn tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, gấp hơn 1,4 lần mức tăng cùng kỳ năm trước. Công nghiệp và xây dựng tăng hơn 9%, dịch vụ tăng gần 7%, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng gần 11%. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng cao, trong đó cán cân thương mại thặng dư khoảng 2,7 tỷ USD. Hoạt động du lịch bước vào mùa thấp điểm của khách quốc tế nhưng tính chung 6 tháng đầu năm vẫn thu hút gần 8 triệu lượt khách quốc tế đến với Việt Nam, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, trong 6 tháng đầu năm đã thành lập mới trên 64,5 ngàn doanh nghiệp, bình quân 1 doanh nghiệp thành lập mới có vốn đăng ký gần 11 tỷ đồng, tăng cao hơn những năm trước. Năng lực cạnh tranh, vị thế, tầm vóc của Việt Nam tiếp tục được nâng lên, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao”.

Lĩnh vực nông nghiệp từ trước đến nay yếu kém nhất khâu chế biến, nhưng từ cuối năm 2017 đến nay đã có 8 nhà máy chế biến rau, củ, quả khánh thành đi vào hoạt động, thị trường xuất khẩu được mở rộng.


Bán lẻ hàng hóa dịch vụ của Đồng Nai cao hơn bình quân cả nước gần 2%. Trong ảnh: Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: K.MINH
Bán lẻ hàng hóa dịch vụ của Đồng Nai cao hơn bình quân cả nước gần 2%. Trong ảnh: Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Biên Hòa. Ảnh: K.MINH

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ngoài xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sang những thị trường truyền thống gia tăng, các doanh nghiệp cũng mở thêm các thị trường mới. Sau thịt gà xuất khẩu sang Nhật Bản, mới đây Việt Nam xuất khẩu được thịt lợn pha lóc thành miếng qua thị trường Myanmar. Nông nghiệp đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây”.

Kế hoạch năm nay, cả nước sẽ có 54 huyện hoàn thành nông thôn mới nhưng đến thời điểm này đã có 53 huyện đạt, dự kiến cả năm sẽ có 60 huyện hoàn thành.

Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức gần 3,3%, thấp hơn cùng kỳ năm trước và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội. Thanh khoản thị trường tài chính, tiền tệ được đảm bảo, tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

“Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn cho vay tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Kết quả sản xuất của những ngành trên đều đạt mức tăng trưởng cao chứng tỏ nguồn vốn đầu tư đúng nơi. Dự trữ ngoại hối khoảng 63,5 tỷ USD” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết.

 * Tập trung giải quyết vấn đề “nóng”

Vấn đề nhiều tỉnh, thành quan tâm kiến nghị Chính phủ là hỗ trợ vốn để đầu tư hạ tầng giao thông; làm mới, mở rộng đường bộ, nạo vét đường sông để phát triển vận tải đường thủy. Phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nhanh để các tỉnh, thành kịp thời triển khai, giao thêm quyền phê duyệt các dự án vốn ngân sách cho địa phương để đẩy nhanh tiến độ.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thế, trong năm nay cả nước sẽ triển khai 10 dự án giao thông lớn nhằm kết nối giao thông vùng. Thời điểm hiện nay, thực hiện các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) là phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian tới, bộ sẽ cùng các địa phương kiểm soát chặt để không xảy ra những bức xúc. “Bộ sẽ triển khai 2 dự án lớn: đường cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh. Dự án đi qua tỉnh, thành nào đề nghị địa phương đó phối hợp giải quyết nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để dự án thực hiện đúng tiến độ” - ông Thế nói.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những tăng trưởng cao vì có khả năng cuối năm 2018 đầu 2019 CPTTP và hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến sẽ được ký kết và có hiệu lực. Doanh nghiệp cần chủ động để hàng hóa vào những thị trường này được hưởng các ưu đãi về thuế quan”.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc chỉ đạo, để kinh tế trong nước tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung vào 18 vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội như: kiểm soát lạm phát, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư...; tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ an ninh, đảm bảo đời sống cho người dân. Cán bộ các địa phương tránh bệnh quan liêu xa dân. Thời gian qua, dân khiếu nại về đất đai rất nhiều, đặc biệt là bồi thường giải phóng mặt bằng nên các tỉnh, thành phải giải quyết tốt công tác bồi thường không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.

Khánh Minh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,242,408       1/805