Kinh tế

Liệu có "quản" được bán hàng đa cấp?

Nghị định 40 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 2-5-2018. Mặc dù vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương trước khi đi vào thực tế, song nhiều người kỳ vọng nghị định này sẽ góp phần giúp thị trường hàng hóa đa cấp bớt phần "loạn" như hiện nay.

Nghị định 40 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 2-5-2018. Mặc dù vẫn đang chờ các hướng dẫn cụ thể của Bộ Công thương trước khi đi vào thực tế, song nhiều người kỳ vọng nghị định này sẽ góp phần giúp thị trường hàng hóa đa cấp bớt phần “loạn” như hiện nay.

Nghị định 40 có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa và dịch vụ theo mô hình đa cấp buộc phải có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên, phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của nghị định này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp (nguồn: Nghị định 40/2018/NĐ-CP).

Theo Cục Cạnh tranh - bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) thì tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp trên toàn ngành tính đến tháng 12-2017 là trên 707 ngàn người, tăng khoảng 11% so với cuối năm 2016. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2017 đạt khoảng 8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 330 tỷ đồng so với doanh thu năm 2016 (nguồn: Bộ Công thương). Cả nước hiện có 33 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Về phía người tiêu dùng, có lẽ điều khoản đáng chú ý nhất là nghị định mới nghiêm cấm việc “cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính năng, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp”. Suốt nhiều năm qua, bán hàng đa cấp vẫn luôn là hoạt động kinh doanh gây nhiều tranh cãi, một phần bởi hành lang pháp lý và các quy định để kinh doanh đa cấp hoạt động rõ ràng, minh bạch vẫn còn hạn chế. Hai trong số những điểm gây tranh cãi chủ yếu là cách mà doanh nghiệp lôi kéo người vào mạng lưới bán hàng một cách thiếu rõ ràng và việc quảng cáo quá sự thật để bán hàng với giá rất cao.

Đặc biệt là số liệu từ Bộ Công thương cũng cho thấy trên 70% số lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp đa cấp đang kinh doanh là thực phẩm chức năng - một ngành hàng gây nhiều tranh luận bởi cách quảng cáo, giới thiệu thường thiên về hàm ý là thuốc chữa bệnh, thậm chí có thể chữa cả bệnh ung thư. Chính vì vậy, thời gian qua hễ cơ quan chức năng “sờ” đến đâu thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm đến đấy, kể cả những doanh nghiệp “đầu ngành” có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng. Hy vọng nghị định mới sẽ góp phần giúp minh bạch hóa phương thức kinh doanh này để cả doanh nghiệp và người dân bớt băn khoăn.

Vi Lâm

Đồng Nai

© 2021 FAP
  2,250,355       1/824